Đau nhức xương khớp không gây tổn thương cho các cơ quan trong cơ thể, nhưng nhiều người khó chịu, mất ăn, mất ngủ với những cơn đau nhức cơ xương dai dẳng này, bởi nó ảnh hưởng đến thần kinh, cân cơ… nhất là khi giao mùa. Bên cạnh việc dùng thuốc, ăn uống một số loại rau, củ, quả sau sẽ giúp bạn giảm các cơn đau do bệnh viêm khớp hành hạ.
Nguyên nhân của các cơn đau xương khớp
Theo Tây y đau xương khớp là sự kết hợp của các yếu tố bao gồm: Quá trình lão hóa, thoái hóa các khớp,thoát vị, thương tích hoặc căng thẳng, dị tật bẩm sinh, cơ yếu, bệnh béo phì, thời tiết nóng ẩm, công việc phải mang vác nặng hoặc thường phải đứng, ngồi quá lâu một tư thế.
Theo Đông y, đau nhức xương khớp là do lưu thông khí huyết ở gân cơ xương, đưa tà khí ra ngoài. Nếu bạn thường xuyên bị đau nhức xương khớp thì cần bồi bổ khí huyết can thận để chống tái phát và ngăn chặn hiện tượng thoái hóa khớp, biến dạng khớp, teo cơ và dính khớp nhằm hồi phục chức năng bình thường của các khớp xương.
Theo Y học cổ truyền thì đau nhức khớp thuộc phạm vi chứng tý. Nguyên nhân do vệ khí của cơ thể không đầy đủ, các tà khí như phong hàn, thấp, nhiệt xâm phạm vào cân cơ, khớp xương, kinh lạc làm sự vận hành của khí huyết bị tắc lại gây sưng đau các khớp. Do người già can thận bị hư hoặc bệnh tật lâu ngày làm khí huyết giảm sút, can huyết hư không nuôi dưỡng được cân làm xương khớp bị thoái hóa, biến dạng, teo cơ và dính khớp.
Đau nhức xương khớp biểu hiện như thế nào?
Đau nhức xương khớp thường hay biểu hiện ở các bộ phận như sau:
- Vai gáy: Đau lan xuống một bên cánh tay, sờ vào da sau gáy thấy lạnh, cơ ở vùng cổ bị co cứng, quay đầu rất khó khăn, toàn thân mệt mỏi, kém vận động. Chứng trạng này là do bị nhiễm lạnh, ảnh hưởng đến chức năng của kinh lạc, khí huyết trở trệ…
- Gót chân: Đau nhức buốt trong gót chân, càng giá lạnh càng đau tăng, nhìn bên ngoài không thấy sưng, bàn chân và cẳng chân lạnh. Bàn chân có cảm giác tê bì, đi lại khó khăn. Toàn thân mệt mỏi, ăn ngủ kém...
- Khớp xương thoái hóa: Đau lưng, ù tai, ngủ ít, nước tiểu trong, lưng gối mỏi đau, tiểu tiện nhiều lần, mạch trầm tế. Do can thận hư kết hợp với phong hàn, thấp gây ra. Người bệnh có biểu hiện giống phong hàn thấp tý thiên về hàn tý kèm thêm triệu chứng về can thận hư.
Dùng rau, củ, quả trị đau nhức xương khớp
Để chữa trị các chứng trên, dân gian có một số bài thuốc sau từ cây nhà lá vườn để chữa đau nhức xương khớp:
-Lá xương xông: Lá xương xông giã nát, xào nóng, đắp lên vùng khớp đau.
- Rau cần: Rau cần ta tươi giã nát vắt lấy nước, thêm đường trắng đun sôi, uống thay trà. Trà này trị chứng phong thấp, khớp tay chân sưng.
- Bắp cải: Ép nước bắp cải sống, bã đắp vào chỗ khớp bị viêm, hoặc lá bắp cải hơ nóng áp lên chỗ viêm sưng rất công hiệu.
- Ngải cứu trắng nướng nóng: Rửa sạch ngải cứu, cho lẫn muối vào rồi nướng nóng lên, sau đó đắp vào khớp. Khi khớp bị sưng, đắp ngải cứu muối ấm sẽ làm cơn đau giảm đi, có thể dùng bài thuốc này chườm lên khớp hàng ngày sẽ có tác dụng phòng bệnh.
- Đu đủ: Dùng một ít đu đủ, mễ nhân sống 30g, hai thứ rửa sạch cho vào nồi nhỏ, đổ vào một chén nước, để nhỏ lửa nấu khi thấy mễ nhân chín mềm thì cho vào một ít đường trắng. Dùng một thời gian dài.
- Trà xanh: Các chuyên gia thuộc Đại học Michigan (Hoa Kỳ)đã chỉ ra rằng trong trà xanh có chứa chất epigallocatechin-3-gallate (EGCG) có tác dụng làm giảm quá trình sưng viêm, nguyên nhân đầu tiên gây nên chứng viêm khớp mãn tính.
Vì vậy, bạn nên hình thành thói quen lành mạnh uống từ 3-4 tách trà /ngày để “thanh lọc” cơ thể hiệu quả chống lại cơn đau do viêm khớp.- Vỏ bưởi: Vỏ quả bưởi tươi 250g, gừng tươi 30g băm nhuyễn đắp vào chỗ đau khớp, ngày thay thuốc 1 lần, nếu bạn chăm chỉ bệnh sẽ sớm thuyên giảm.
- Lá lốt: Theo Đông y, lá lốt có vị nồng, hơi cay, tính ấm, công dụng ôn trung (làm ấm bụng); tán hàn (trừ lạnh); hạ khí (đưa khí đi xuống); chỉ thống (giảm đau); yêu cước thống (đau lưng, đau chân)... Kinh nghiệm dân gian thường dùng lá lốt đơn lẻ hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác như rễ cỏ xước, lá xương sông, rễ bưởi bung... sắc lấy nước uống hoặc ngâm tay chân để chữa các chứng đau nhức xương khớp, đau vùng ngực và bụng do lạnh …
Lá lốt có thể dùng tươi, phơi hay sấy khô, mỗi người chỉ nên ăn từ 50 - 100g lá lốt mỗi ngày. Với tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau của cây lốt như vậy khi bị đau nhức xương bạn nên dùng bài thuốc: 5-10g lá lốt phơi khô (15-30g lá tươi), sắc 2 bát nước còn ½ bát, uống trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm, nên uống sau bữa ăn tối.
Mỗi liệu trình điều trị 10 ngày hoặc lá lốt và rễ các cây bưởi bung, vòi voi, cỏ xước (mỗi vị 30g), tất cả đều dùng tươi thái mỏng, sao vàng, sắc với 600ml nước, còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày. Uống liên tục trong 7 ngày.