Nhật Bản đã sẵn sàng phá bỏ trần chi tiêu quân sự do lo ngại về Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Tàu khu trục lớp Maya của Nhật Bản
Tàu khu trục lớp Maya của Nhật Bản
TPO - Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi vừa tiết lộ rằng Tokyo đã sẵn sàng chấm dứt giới hạn 1 % GDP chi tiêu quân sự đã áp dụng từ những năm 1990. Ngoài ra, họ còn đang tính toán hướng đến khả năng xuất khẩu vũ khí.

Vị bộ trưởng nhấn mạnh rằng Tokyo sẽ không quyết định ngân sách quốc phòng của mình trong khi lo lắng về việc nó lớn như thế nào liên quan đến GDP.

“Chúng ta phải tăng cường khả năng quốc phòng với tốc độ hoàn toàn khác so với trước đây” vì “môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang thay đổi nhanh chóng với sự bất ổn gia tăng”, ông nói, đề cập khả năng quân sự ngày càng tăng của nước láng giềng Trung Quốc.

Ông Kishi nhấn mạnh rằng Nhật Bản cần phải theo kịp những tiến bộ công nghệ và phát triển khả năng trong các lĩnh vực chiến tranh mới, chẳng hạn như không gian vũ trụ, mạng và điện từ. Nhật Bản đã cho phép sự hiện diện quân sự lớn của Mỹ kể từ khi nước này được độc lập vào năm 1952, sau khoảng thời gian bảy năm nằm dưới sự quản lý của quân đội Mỹ. Tokyo đã bị khóa chặt trong phạm vi ảnh hưởng của Mỹ kể từ đó. Họ tham gia hỗ trợ các nỗ lực của phương Tây nhằm chống lại một số quốc gia bao gồm Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên và Iraq.

Ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản được coi là đối tác quốc phòng mạnh nhất của Mỹ trên thế giới. Quân đội Nhật Bản có một hạm đội tàu khu trục lớn và có năng lực hơn toàn lục địa châu Âu cộng lại. Nhật Bản đã đi tiên phong trong một số công nghệ quan trọng đặc biệt liên quan đến tàu chiến và hệ thống radar, đồng thời là nước đầu tiên tích hợp công nghệ radar chủ động AESA lên tàu khu trục, tên lửa không đối không. Nước này hiện đang đầu tư phát triển một máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu, sau khi hãng Mitsubishi Heavy Industries đã trình diễn công nghệ dự kiến áp dụng cho một loại máy bay như vậy vào giữa những năm 2010.

Mặc dù ban đầu Nhật Bản dự kiến ​​sẽ hợp tác với các công ty của Mỹ hoặc Anh để phát triển loại máy bay này, nhưng sau đó nước này thông báo rằng họ sẽ theo đuổi chương trình này một cách độc lập hơn. Tuy nhiên, chương trình liên tục bị nghi vấn do nợ chính phủ ở mức rất cao, mặc dù lợi ích từ nguồn thu từ xuất khẩu vũ khí có thể giúp bù đắp một số chi phí. Tokyo từ lâu đã phải chịu áp lực gia tăng chi tiêu quốc phòng nhằm giảm gánh nặng cho Mỹ trong việc duy trì trật tự do Mỹ dẫn đầu ở Đông Á.

Chính phủ Nhật Bản và Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền được cho là đang xem xét xuất khẩu máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không thế hệ thứ sáu F-3 sắp ra mắt và đã thảo luận mục tiêu này. Tokyo gần đây đã loại bỏ kế hoạch theo đuổi chương trình chung với các đối tác Mỹ hoặc Anh, bất chấp việc các hãng Lockheed Martin, Northrop Grumman và BAE Systems đều thể hiện sự quan tâm. Máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo dự kiến ​​sẽ thay thế những tiêm kích F-15J Eagles của nước này.

Nhật Bản đã không thể loại biên F-15J Eagles do Mỹ từ chối xuất khẩu tiêm kích F-22 Raptor cho Tokyo. Máy bay này sẽ có cấu hình động cơ đôi và bổ trợ cho tiêm kích F-35 nhẹ hơn và rẻ hơn - vốn chủ yếu dành cho vai trò tấn công. Máy bay này dự kiến ​​sẽ được đưa vào hoạt động trong những năm 2030 để thay thế các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư F-2 và F-15J của Nhật Bản, và ít nhất sẽ thu hẹp một phần khoảng cách với các nước láng giềng Trung Quốc và Nga vốn đã có các thiết kế thế hệ tiếp theo của riêng họ như J-20 hay Su-57 và đang phát triển các máy bay phản lực thế hệ thứ sáu đầy tham vọng hơn như MiG-41.

Việc phát triển tiêm kích một cách độc lập, không phụ thuộc vào công nghệ phương Tây sẽ mang lại cho Nhật Bản cơ hội lớn hơn, thoải mái hơn trong việc xuất khẩu máy bay.

MỚI - NÓNG