Lo ngại Trung Quốc, Nhật Bản lần đầu tiên tổ chức tập trận chung với Mỹ, Pháp

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi. (Ảnh: Reuters)
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi. (Ảnh: Reuters)
TPO - Nhật Bản sẽ tổ chức một đợt tập trận chung với Mỹ và Pháp ở khu vực phía tây nam của nước này trong tháng tới. Hoạt động diễn ra khi các hành động của Trung Quốc ở khu vực đang gây ra nhiều quan ngại.

Chháp dịch diễn ra từ ngày 11-17/5 sẽ là cuộc tập trận quy mô lớn đầu tiên ở Nhật Bản với sự tham gia của quân đội 3 quốc gia, Lực lượng Phòng vệ trên bộ của Nhật Bản (JGSDF) cho biết trong thông báo đưa ra hôm nay.

Tokyo đang nỗ lực mở rộng hợp tác quốc phòng với các đối tác khác ngoài đồng minh Mỹ, để có thể đối phó với những hành động ngày càng quyết liệt của Trung Quốc trên biển Hoa Đông và Biển Đông.

“Pháp chia sẻ tầm nhìn về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do”, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi hôm nay nói với báo giới.

“Bằng cách tăng cường hợp tác giữa Nhật với Mỹ và Pháp, chúng tôi muốn tiếp tục nâng cao chiến thuật và kỹ năng của Lực lượng phòng vệ để bảo vệ các lãnh thổ ở đảo xa”, ông Kishi nói.

Paris có các lợi ích chiến lược ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vì vẫn còn thuộc địa, trong đó có đảo Reuion ở Ấn Độ Dương và Polynesia ở Nam Thái Bình Dương.

Đợt tập trận lần này sẽ diễn ra ở khu huấn luyện Kirishima của JGSDF và Trại Ainoura ở vùng Kyushu, với các bài tập tấn công đổ bộ.

Tuần trước, Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide và Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ sát cánh để chống lại Trung Quốc và đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ.

Nhật Bản lâu nay vẫn cảm thấy bị de doạ trước những yêu sách rộng khắp của Trung Quốc đối với các tài nguyên và đảo trên biển.

Tokyo đặc biệt lo ngại trước những hành động của Bắc Kinh xung quanh quần đảo Senkaku mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Washington gần đây khẳng định rằng Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật bao trùm cả quần đảo tranh chấp này.

Trong khi đó, Trung Quốc có yêu sách phi lý trên hầu khắp Biển Đông, dựa vào cái gọi là “đường 9 đoạn” để biện hộ cho thứ họ gọi là “quyền lịch sử” trên vùng biển có tầm quan trọng chiến lược này.

Theo Japan Times
MỚI - NÓNG