Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản kể cả bằng vũ khí hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tổ chức một cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào ngày 16 tháng 4 năm 2021. © Getty Images / Doug Mills-Pool
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tổ chức một cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào ngày 16 tháng 4 năm 2021. © Getty Images / Doug Mills-Pool
TPO - “Nhật Bản quyết tâm tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia của mình… Mỹ củng cố lại sự hỗ trợ vững chắc cho quốc phòng của Nhật Bản… bằng cách sử dụng đầy đủ các khả năng của mình, bao gồm cả hạt nhân,” tuyên bố chung Mỹ-Nhật viết.

Bắc Kinh lên án Washington và Tokyo, cho rằng hai nước này phá hoại sự ổn định ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương sau khi Mỹ và Nhật đưa ra một tuyên bố chung nói rằng “những thách thức trong khu vực” sẽ được giải quyết bằng mọi cách, “bao gồm cả hạt nhân”.

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm chính thức ông Biden tại Nhà Trắng, được đưa ra hôm thứ Sáu. Tuyên bố chỉ trích Trung Quốc, rằng các hành động của nước này “không phù hợp với trật tự dựa trên luật lệ quốc tế” và tác động đến “hòa bình và thịnh vượng” trong khu vực.

Mặt khác, liên minh giữa Washington và Tokyo “đã trở thành nền tảng của hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới,” và hai nước “chuẩn bị sẵn sàng hơn bao giờ hết để giải quyết các thách thức trong khu vực”. Các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông đã được đề cập trong số những thách thức, cũng như các vấn đề ở Hong Kong, Tân Cương và Đài Loan.

“Nhật Bản quyết tâm tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia của mình… Mỹ củng cố lại sự hỗ trợ vững chắc cho quốc phòng của Nhật Bản… bằng cách sử dụng đầy đủ các khả năng của mình, bao gồm cả hạt nhân,” tuyên bố viết.

Bắc Kinh lên án tài liệu này, nói rằng nó vượt ra ngoài phạm vi quan hệ song phương và can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Nó cũng ủng hộ các hoạt động ly khai, một tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nói hôm thứ Bảy, như kênh tin tức CGTN của Trung Quốc đưa tin.

Trung Quốc, coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, đã nhiều lần kêu gọi Mỹ không can thiệp vào các chính sách đối nội của họ. Căng thẳng trên Biển Đông từ lâu đã gia tăng, với một số cuộc tập trận quân sự diễn ra trong khu vực, đặc biệt là xung quanh đảo Đài Loan.

Trung Quốc là vấn đề cao nhất trong chương trình hội đàm Mỹ-Nhật, cho thấy Nhật Bản đang đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực của Mỹ để cạnh tranh với Trung Quốc.

Hai nhà lãnh đạo đã bàn về hàng loạt vấn đề địa chính trị, trong đó có Đài Loan.

“Hôm nay, Thủ tướng Suga và tôi cam kết ủng hộ mạnh mẽ quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản và nền an ninh chung của chúng ta”, ông Biden nói tại cuộc họp báo chung tại Vườn Hồng Nhà Trắng.

“Chúng tôi cam kết làm việc cùng nhau để xử lý những thách thức từ Trung Quốc và trong những vấn đề biển Hoa Đông, Biển Đông, cũng như Triều Tiên, để bảo đảm tương lai của một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do”, ông Biden nói.

Những mối quan tâm cấp bách khác trong cuộc hội đàm gồm việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự gần Đài Loan, thắt chặt kiểm soát Hong Kong và vấn đề người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Ông Suga nói rằng ông và nhà lãnh đạo Mỹ đồng ý rằng cần phải thảo luận thẳng thắn với Trung Quốc về những hoạt động của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cuộc gặp với Thủ tướng Suga là cuộc gặp trực tiếp nguyên thủ nước ngoài đầu tiên của ông Biden kể từ khi trở thành tổng thống. Sự kiện diễn ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc đưa 25 máy bay quân sự, trong đó có các tiêm kích và máy bay ném bom, đến gây sức ép với Đài Loan, hòn đảo mà họ coi là một tỉnh của mình.

“Tôi không muốn nói chi tiết vì nó liên quan đến những trao đổi ngoại giao, nhưng đã có một sự đồng thuận giữa Nhật và Mỹ về tầm quan trọng của hoà bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Vấn đề đó được tái khẳng định trong dịp này”, ông Suga nói.

Trong tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh “tầm quan trọng của hoà bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và khuyến khích giải quyết hoà bình các vấn đề ở eo biển này.

Đây là lần đầu tiên một tuyên bố chung của lãnh đạo Mỹ - Nhật đề cập đến vấn đề eo biển Đài Loan kể từ năm 1969, trước khi Tokyo bình thường hoá quan hệ với Bắc Kinh.

Giới quan sát chú ý đến ngôn ngữ mà lãnh đạo Mỹ - Nhật sử dụng để nói về chủ đề này vì Tokyo vẫn cần cân bằng giữa một bên là mối quan tâm về an ninh của mình với một bên là quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

MỚI - NÓNG