Người hiến 1.000 m2 đất: ‘Vài nghìn cây vàng không bằng lợi ích chung’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hiến 1.000m2 đất để mở rộng đường ở quận Bình Tân, ông Lại Văn Nghề cho rằng giá trị mảnh đất vài nghìn cây vàng cũng không bằng lợi ích chung cho cộng đồng.

TPHCM vừa tổng kết hơn 20 năm người dân thành phố hiến đất mở hẻm, làm đường.

Hơn 20 năm qua, toàn TPHCM có hơn 168.000 hộ dân tham gia hiến hơn 5,3 triệu m2 đất, tương đương với số tiền hơn 10.050 tỉ đồng, phục vụ cho 5.230 công trình. Người dân cũng trực tiếp đóng góp kinh phí để mở rộng đường, hẻm và các công trình phục vụ công cộng với số tiền hơn 458 tỉ đồng.

PV Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn một trong những tấm gương tiêu biểu trong chương trình hiến đất mở rộng đường ở TPHCM. Đó là ông Lại Văn Nghề (56 tuổi, ngụ phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) - người đã tiên phong tự nguyện hiến hơn 1.000 m2 đất để mở rộng đường Nguyễn Văn Cự (đoạn từ Tỉnh lộ 10 đến cầu Ông Phú, quận Bình Tân).

Tiên phong để mọi người làm theo

Chia sẻ với Tiền Phong, ông Lại Văn Nghề cho biết gia đình ông đã hiến đất hơn 20 năm qua và hưởng ứng chủ trương của thành phố triển khai vận động mọi người hiến đất, mở rộng đường khang trang sạch đẹp.

Theo ông Nghề, ngày đó, toàn tuyến đường Nguyễn Văn Cự dài khoảng 3km và mặt đường rất nhỏ (khoảng 3 mét), thấp trũng và sình lầy, người dân phải tự đổ xà bần, dặm vá để tiện di chuyển. Tuy nhiên, lúc phường mời vận động hiến đất mở rộng đường, đa số người dân đắn đo, không đồng ý vì đất thành phố rất có giá trị.

Video: Ông Lại Văn Nghề chia sẻ về câu chuyện hiến 1.000m2 đất để mở rộng đường.

“Bản thân gia đình tôi có đất nhiều, thời điểm đó 1.000m2 có giá trị khoảng 450 cây vàng. Nhưng vì nghĩ rằng mở rộng đường sẽ khang trang sạch đẹp, có lợi cho cộng đồng nên gia đình tôi đã tiên phong hiến đất. Mình có nhiều đất, mình tiên phong làm thì mọi người cũng nhìn vào đó mà hiến đất theo” - ông Nghề chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, việc thực hiện chủ trương hiến đất mở hẻm, làm đường đã toát lên nét đặc trưng văn hóa tốt đẹp của người Sài Gòn - TPHCM, trở thành nguồn động lực cho sự phát triển của thành phố, đồng thời lan tỏa mô hình, cách làm này đến các địa phương khác. “Vì lợi ích chung của cộng đồng, vì sự phát triển của thành phố, người dân sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình. Đây là giá trị điểm nhấn cần trân trọng và phát huy”, ông Mãi nhấn mạnh.

Lý giải về lý do cho đi số tài sản lớn, ông Lại Văn Nghề cho biết, bản thân gia đình dòng tộc của mình đã tồn tại ở vùng đất Tân Tạo khoảng 400 năm nay, mỗi giai đoạn đều có cống hiến và đã trở thành truyền thống.

“Mẹ của tôi là Mẹ Việt Nam Anh hùng, anh em của tôi cũng đã hy sinh vì Tổ quốc. Tôi nghĩ rằng, ngày xưa kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mình còn bỏ xương máu được thì bây giờ có 1.000-2.000 cây vàng thì có ăn thua gì đâu”- ông Nghề tâm sự và cho rằng, cho đất làm đường là cống hiến vì lợi ích chung. Nếu mang đất đi bán thì lợi ích tăng lên sẽ không đáng là bao nhiêu so với lợi ích làm đường để cộng đồng cùng thụ hưởng.

Người hiến 1.000 m2 đất: ‘Vài nghìn cây vàng không bằng lợi ích chung’ ảnh 1

Từ con đường thấp trũng, sình lầy nhỏ hẹp, ngày nay con đường Nguyễn Văn Cự đã được mở rộng, khang trang và sạch đẹp.

Cần hài hòa lợi ích

Theo ông Lại Văn Nghề, bà con nhiều người không giàu, thậm chí còn nghèo, nhưng chấp nhận hiến đất, dù đất hương hỏa để mở hẻm, làm đường chung tay phát triển là điều đáng quý.

“Qua việc hiến đất mở rộng đường có thể thấy, số tài sản mà người dân hy sinh là rất nhiều, trong khi đó, số tiền kinh phí bỏ ra làm đường thì lại quá ít. Đường sá chưa được thi công tốt, đây là nhược điểm phải hoàn thiện, phải rút kinh nghiệm để thực hiện những công trình sau tốt hơn” - ông Nghề chia sẻ.

Người hiến 1.000 m2 đất: ‘Vài nghìn cây vàng không bằng lợi ích chung’ ảnh 2

Ông Lại Văn Nghề chia sẻ với phóng viên.

Để lợi ích hài hòa, ông Nghề cho rằng cần phải thay đổi cách vận động người dân, trong đó cần phải để chính sách đủ thuyết phục và những người cống hiến cũng có lợi ích.

“Những người hiến đất mà lại chưa thấy được thụ hưởng. Ví dụ, bây giờ mình hiến đất xong, con đường lại không được thi công hoàn thiện thì người ta có thể mất niềm tin, có phàn nàn. Nhiều người khác nhìn vào đó như một tiền lệ là không được lợi ích gì sau khi hiến đất thì sẽ khó vận động họ hiến đất cho các công trình sau này” - ông Nghề nêu ý kiến.

Đưa hơn 1.000 tấn hàng hóa đến với khu cách ly, phong tỏa

Ngoài việc hiến đất mở đường, gia đình ông Nghề còn thường xuyên tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Ông cho biết, trong giai đoạn TPHCM vào cao điểm dịch bệnh COVID-19 của 1 năm trước, ông và các thành viên trong gia tộc đã cùng nhau kêu gọi tổ chức đội ngũ tình nguyện viên, đưa khoảng 1.000 tấn hàng hóa, lương thực, thực phẩm đến với người dân ở các khu vực cách ly, phong tỏa trên toàn địa bàn thành phố.

Người hiến 1.000 m2 đất: ‘Vài nghìn cây vàng không bằng lợi ích chung’ ảnh 3

Hoạt động hỗ trợ cộng đồng trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 của gia tộc họ Lại ở quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: Lại Văn Nghề

"Tính riêng khoai lang có đến vài trăm tấn. Có những lúc xe chở khoai lên đến lúc 1h đêm, nhưng anh chị em vẫn cố gắng tập trung để xuống hàng và đưa đến cho bà con"- ông Nghề chia sẻ.

MỚI - NÓNG