Ngư dân Đà Nẵng đồng loạt ra khơi

 Ngư dân Đà Nẵng khoác trên người chiếc áo in hình cờ Tổ quốc thể hiện quyết tâm bám biển. Ảnh: Hoài Văn
Ngư dân Đà Nẵng khoác trên người chiếc áo in hình cờ Tổ quốc thể hiện quyết tâm bám biển. Ảnh: Hoài Văn
TP - Bất chấp những hành động hăm dọa, xua đuổi của Trung Quốc, chiều 15/5, hàng trăm ngư dân Đà Nẵng đồng loạt ra khơi, bám biển và bảo vệ chủ quyền.

Tại cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), hàng trăm ngư dân trên 6 tàu đánh bắt, tàu hậu cần công suất từ 400-1.200 CV đồng loạt ra khơi Hoàng Sa đánh bắt và hỗ trợ các tàu đang đánh bắt và bảo vệ chủ quyền. Trong số đó nhiều người có thâm niên vài chục năm trong nghề, cả những thuyền trưởng trẻ tuổi cùng mang quyết tâm bám biển, giữ vững chủ quyền.

Thuyền trưởng Đặng Phi, 49 tuổi, trú Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng, chủ tàu cá ĐNa 90081 từng có 30 năm trong nghề chụp mực, câu cá ngừ đại dương cho biết ngư trường Hoàng Sa là ngư trường có trữ lượng hải sản dồi dào.

Chuyến đi lần này cùng với 7 thuyền viên mang theo đầy đủ lương thực cho 30 - 40 ngày xa khơi. “Lần này ngư dân chúng tôi đi theo tổ đội, hỗ trợ nhau cùng đánh bắt nên nếu có bị quấy rối của phía Trung Quốc sẽ cùng đoàn kết hỗ trợ nhau” - ông Phi nói.

Anh Trần Lúi, 40 tuổi, chủ tàu ĐNa 90571TS, công suất 815 CV cùng đồng hành với các tàu bạn trong chuyến ra khơi lần này, cho biết đây là chuyến ra khơi thứ 3 của ông kể từ đầu năm. Hai chuyến trước cho sản lượng dồi dào nên vẫn nhiều hy vọng khi ra khơi chuyến này. Ông đầu tư tổng kinh phí 200 triệu đồng, mang theo 10 thuyền viên để cùng đánh bắt.

“Đây là miếng cơm manh áo của ngư dân chúng tôi, hơn nữa rõ ràng là vùng biển chủ quyền của Việt Nam thì quyết bám trụ, bảo vệ chứ không chịu khuất phục” - ông Lúi khẳng định trước khi nổ máy thẳng tiến ra Hoàng Sa.

Ngư dân Nguyễn Văn Điều, 42 tuổi, đi biển từ khi 15 tuổi. Nhiều năm tích cóp vay mượn và được hỗ trợ của chính quyền, ông đầu tư tàu cá ĐNa 90350, công suất 450 CV. Từng chứng kiến tàu cá Trung Quốc xua đuổi, uy hiếp ngư dân Việt Nam nhưng ra khơi vẫn là cứu cánh của cả ông và ngư dân Việt Nam nói chung.

“Dù Trung Quốc có đặt giàn khoan trái phép hay xua đuổi đe dọa thì chúng tôi vẫn không sợ. Ngoài đấy còn có anh em ngư dân và các lực lượng chức năng, chúng tôi càng thêm vững tâm bám biển”.

Ông Nguyễn Đỗ Tám cho biết, thành phố vẫn tiếp tục triển khai các chủ trương, biện pháp để hỗ trợ tích cực nhất cho ngư dân như hỗ trợ đóng tàu trên 400 CV; hỗ trợ các phương tiện liên lạc, tập huấn khai thác đánh bắt…

Lê Văn Sang, 29 tuổi, một trong những thuyền trưởng trẻ tuổi nhất chủ tàu cá ĐNa 90444 TS, công suất tới 1.200 mã lực, khẳng định: “Đi biển là nghề của mình, lại đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa truyền thống. Hơn lúc nào hết, ngư dân Đà Nẵng đang sẵn sàng sát cánh bên nhau cùng bám biển và giữ vững ngư trường”.

Mang theo 12 thuyền viên và chuẩn bị đầy đủ chu đáo những vật dụng, nhu yếu phẩm cần thiết. Tàu của anh Sang mang theo 3.000 lít dầu, hơn 800 cây đá và hàng tấn rau củ quả, thực phẩm. Ngoài lương thực, nhu yếu phẩm cho tàu viên sử dụng chúng tôi cũng chuẩn bị dư thêm để hỗ trợ cho tàu viên khác nếu cần.

Tại lễ xuất bến, ngư dân khoác trên mình những chiếc áo đỏ rực cờ Tổ quốc, Nhân dịp này, Hội doanh nghiệp quận Hải Châu hỗ trợ mỗi tàu 5 triệu đồng cùng quà bao gồm gạo, mì tôm, nước suối...

Theo ông Đỗ Văn Tám, Phó GĐ Sở NN&PTNT Đà Nẵng, ngư dân vẫn tiếp tục vươn khơi ra vùng biển truyền thống Hoàng Sa theo hình thức tổ khai thác đánh bắt. Hiện đã thành lập được 87 tổ đội sản xuất và được trang bị đầy đủ các phương tiện liên lạc để kịp thời nắm bắt thông tin thời tiết và hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt bám biển.

MỚI - NÓNG