Duy trì tổ đội ra khơi
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi cho biết: Bà con ngư dân Quảng Ngãi dù biết nhiều trở ngại, nhưng vẫn ra khơi bình thường và đi theo tổ đội, nhất là ở ngư trường truyền thống như Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo ông Sơn, hiện Quảng Ngãi có trên 5.500 tàu cá, trong đó, có hơn 2.600 tàu đánh bắt xa bờ, loại 90 CV trở lên. “Việc lập các tổ đội do UBND xã xác nhận theo hướng dẫn của tỉnh. Hiện hầu hết các tàu của Quảng Ngãi ra khơi đều đi theo đội, họ được hỗ trợ thiết bị thông tin, nhất là những lúc thế này để giúp đỡ lẫn nhau khi gặp những rủi ro trên biển”- ông Sơn nói.
Trong khi đó, ông Chu Tiến Vĩnh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Thủy sản, hiện đang đi kiểm tra việc lắp đặt thiết bị vệ tinh trên tàu cá cho hay, tinh thần ngư dân miền Trung đang rất cao, cần động viên ngư dân tiếp tục bám biển. Dự kiến năm nay, sẽ lắp đặt hết 3.000 thiết bị vệ tinh cho các tổ đội đánh bắt ở vùng biển xa.
Bộ NN&PTNT vừa đề nghị các địa phương ven biển nắm chắc số điện thoại, tần số liên lạc của các tàu cá đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và giữa biển Đông, chủ động liên hệ với ngư dân khi cần thiết. Số điện thoại đường dây nóng của Cục kiểm ngư là 04.62737323, fax: 04.62733279.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng vừa ký thông báo, đề nghị với các tỉnh có ngư dân khai thác tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và giữa biển Đông, các địa phương cần tổ chức cho ngư dân hoạt động theo mô hình tổ đội khi đánh bắt trên biển. Theo ông Tám, địa phương cần quan tâm sát sao, động viên hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, đặc biệt là ngư dân đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa. Kịp thời thăm hỏi, động viên với ngư dân, gia đình ngư dân gặp rủi ro trên biển.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện cả nước có khoảng 117.000 tàu cá, trong đó tàu đánh bắt xa bờ (công suất trên 90 CV) khoảng 27.000 tàu. Đến nay, cả nước tổ chức trên 3.700 tổ đội sản xuất trên biển, với khoảng 22.000 tàu cá, trên 140.000 lao động. Năm ngoái, cả nước thí điểm thành lập trên 50 nghiệp đoàn nghề cá. Tới đây, sẽ tập trung hỗ trợ để các tổ đội duy trì một cách bền vững.
Sẵn sàng chi viện thêm tàu kiểm ngư
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản, kiêm Cục trưởng Kiểm ngư Việt Nam, đến chiều qua, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam duy trì khoảng 30 tàu, trong đó lực lượng Kiểm ngư đóng góp 14 tàu. Có khoảng 300 cán bộ, kiểm ngư viên đang thi hành nhiệm vụ trên các tàu. Lãnh đạo Cục Kiểm ngư cho hay, hàng chục tàu kiểm ngư của Việt Nam khác đã sẵn sàng ra biển để tăng cường.
Trong khi đó, theo Cục Kiểm ngư, phía Trung Quốc số lượng tàu ngày càng tăng, với trên 80 tàu bao quanh, bảo vệ giàn khoan 981. Đáng lưu ý, Trung Quốc còn huy động 2 tàu tấn công nhanh và một tàu trang bị tên lửa.
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Cục trưởng Kiểm ngư cho biết, Trung Quốc dùng chiến thuật, khi có tàu của ta, họ dùng 4-5 tàu đi kẹp hai bên. Tàu Trung Quốc còn hung hăng, đâm trực diện vào các tàu chấp pháp của Việt Nam, nếu trúng, sẽ rất nguy hiểm, thiệt hại rất lớn. Mặt khác, vòi rồng phun nước của Trung Quốc có thể bắn xa tới 200m, nếu trúng, kính vỡ toang, còn người sẽ bị đẩy đi 5-6 m.
Theo ông Trung, hệ thống camera, máy ảnh... chuyên dụng trang bị trên tàu của Kiểm ngư Việt Nam bị vòi rồng Trung Quốc tấn công, hư hỏng. “Lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển vẫn kiên trì và nhất quán về phương pháp đấu tranh với Trung Quốc”- ông Trung nói.
Theo lãnh đạo Cục Kiểm ngư, chúng ta đang sớm khắc phục các loa công suất lớn dùng để tuyên truyền bị vòi rồng Trung Quốc bắn trúng. Việc phát thanh tuyên truyền phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền nước ta bằng 3 thứ tiếng Trung, Anh, Việt.