Nghệ An lập chiến lược phát triển loạt doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025

0:00 / 0:00
0:00
Nghệ An sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ ở một số lĩnh vực sản xuất gồm: xơ, kéo sợi phục vụ cho ngành dệt
Nghệ An sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ ở một số lĩnh vực sản xuất gồm: xơ, kéo sợi phục vụ cho ngành dệt
TPO - UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch số 354 triển khai thực hiện Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu tăng thu hút đầu tư các tập đoàn công nghiệp nhất là khu vực FDI để thúc đẩy phát triển nhanh các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa.

Theo Kế hoạch được ban hành, Nghệ An đặt ra mục tiêu, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ bình quân đạt 12 - 13%/năm, chiếm trên 20% giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2025 và tăng dần tỷ trọng trong những năm tiếp theo.

Đến năm 2025, phấn đấu số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa chiếm từ 10 - 12% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp và có từ 20 - 30 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đóng trên địa bàn tỉnh có thể tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng của các tập đoàn.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu xây dựng từ 3 - 5 phân khu công nghiệp hỗ trợ trong các khu công nghiệp; thu hút đầu tư 1 - 2 cụm công nghiệp chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ. Nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, đến năm 2030 phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển như điện tử, cơ khí lắp ráp, năng lượng đạt từ 30 - 35%; dệt may đạt trên 45%. Cùng đó 100% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành, tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh trên sàn thương mại điện tử vào 2030.

Về công nghiệp hỗ trợ ngành điện, điện tử - tin học - viễn thông, tỉnh sẽ tiếp tục thu hút các dự án FDI sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để tạo động lực cho các tập đoàn lắp ráp mạnh dạn đầu tư nhà máy tại Nghệ An từ đó lôi kéo các doanh nghiệp hỗ trợ nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng.

Việc phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ được tập trung cho sản xuất các thiết bị điện; công nghệ chế tạo phát triển sản xuất linh kiện điện tử, chi tiết nhựa; sản xuất các khung vỏ sản phẩm, bo mạch.

Giai đoạn đến năm 2025, tỉnh tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ ở một số lĩnh vực sản xuất gồm: Xơ, kéo sợi phục vụ cho ngành dệt đặc biệt là sợi tổng hợp; phát triển các nhà máy dệt vải đáp ứng nhu cầu rất lớn của các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh và cả nước; thu hút đầu tư các sản phẩm nhựa hỗ trợ cho ngành dệt – may.

Tĩnh cũng sẽ thực hiện loạt giải pháp thu hút, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo, giai đoạn đến năm 2025, hình thành hệ thống doanh nghiệp địa phương có khả năng cung ứng cho doanh nghiệp lắp ráp khu vực FDI, doanh nghiệp lớn của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Bắc Trung bộ. Phát triển mạnh lĩnh vực phục vụ gia công cơ khí...

Về công nghiệp hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô, giai đoạn đến năm 2025, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô Juteng tại khu công nghiệp Hoàng Mai I để làm tiền đề thu hút các tập đoàn lớn quan tâm đầu tư vào Nghệ An. Tập trung thu hút đầu tư được một tập đoàn lắp ráp ô tô có thương hiệu trên thế giới đặt nhà máy tại Nghệ An trong đó ưu tiên thu hút các nhà sản xuất và lắp ráp các loại xe tải, xe khách. Đồng thời, thu hút các dự án tham gia sản xuất linh kiện, phụ tùng cho các thương hiệu ô tô có uy tín đang đầu tư tại Việt Nam.

MỚI - NÓNG