Thông tin từ Sở Công Thương Đồng Nai cho biết, với chính sách ưu đãi đặc thù và định hướng rõ rệt về phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 600 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tập trung ở các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày, điện tử, cơ khí chế tạo…. Hơn 600 doanh nghiệp này đã tạo việc làm cho hơn 158.000 lao động trên địa bàn.
Để nâng cao hàm lượng giá trị, giúp các doanh nghiệp đặt chân vào sâu hơn trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, Đồng Nai những năm qua đã và đang tiếp tục phát triển thêm các khu công nghiệp hỗ trợ dành riêng cho từng nhóm ngành. Cùng với hoàn thiện hạ tầng để đón song đầu tư, Đồng Nai cũng có hàng loạt chính sách khuyến khích dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như chính sách liên quan đến tài chính, thuế, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ.
Cũng theo đánh giá của Sở Công Thương Đồng Nai, dù có mặt trong bảng xếp hạng top đầu về phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng sự đóng góp chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI. Trong khi các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước phần lớn quy mô nhỏ, năng lực tài chính, công nghệ, quản trị chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI cũng như thiếu sự liên kết theo chuỗi với các doanh nghiệp trong ngành.
Cùng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp, đóng góp của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong cơ cấu xuất khẩu cũng tăng rất mạnh. Đến nay xuất khẩu của 3 ngành xơ sợi dệt; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng… đã chiếm hơn 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong 3 quý đầu năm, giá trị xuất khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt hơn 2 tỷ USD, xơ sợi dệt hơn 1,1 tỷ USD.