Cơ hội lớn cho công nghiệp hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong 7 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến chế tạo bứt tốc, trở thành động lực dẫn dắt nền kinh tế. Nhờ sự tăng trưởng của công nghiệp chế biến chế tạo, nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam có thể đạt 7,5%. Sự tăng trưởng của công nghiệp chế biến chế tạo cũng là cơ hội chưa từng có cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Tín hiệu mừng từ sản xuất công nghiệp bứt tốc

Sau 2 năm suy giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2022, ngành công nghiệp chế biến tạo trỗi dậy. Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2022 ước tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%). Tính chung 7 tháng năm 2022, IIP tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2021, riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%.

Đánh giá của Bộ Công Thương cũng cho thấy, ngành công nghiệp đã lấy đà tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2022 tăng mức cao trong 6 tháng liên tiếp, ước tăng 11,2%. Chỉ số sản xuất của ngành chế biến chế tạo tháng 7/2022 tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao như: sản xuất trang phục tăng 23,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 21%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 20,1%; sản xuất đồ uống tăng 19,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 15,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 10,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 10%.

Cơ hội lớn cho công nghiệp hỗ trợ ảnh 1
Công nghiệp chế biến chế tạo bứt tốc tạo đà cho công nghiệp chế hỗ trợ phát triển.

“Trong 7 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 61 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi mạnh mẽ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao”, Bộ Công Thương cho hay.

Sự tăng trưởng của công nghiệp chế biến chế tạo cũng là cơ sở để nhiều tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam. Tiêu biểu như Ngân hàng Thế giới cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể đạt 7,5%. Trong đó, ngành công nghiệp với công nghiệp chế tạo là “đầu kéo” được ví như một “động lực” quan trọng của tăng trưởng.

Cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi giá trị

Trước bối cảnh làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn quốc tế.

Trao đổi với Tiền Phong, nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ chính là cơ hội để các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Khi sản xuất phục hồi, nhu cầu nhập khẩu, xuất khẩu hàng hoá của các tập đoàn lớn cũng kéo theo sản xuất của cả chuỗi cung ứng gia tăng.

Số liệu của Samsung cho biết, 4 nhà máy của tập đoàn này tại Việt Nam (Samsung Bắc Ninh, Samsung Thái Nguyên, Samsung Display Việt Nam và Samsung HCMC CE Complex) đạt gần 20 tỷ USD trong quý 1/2022. Tổng lợi nhuận là 1,43 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, tổng doanh thu 4 nhà máy của Samsung tại Việt Nam tăng khoảng 12,9% và lợi nhuận tăng khoảng 11,7%.

Đáng chú ý, doanh thu nhà máy Samsung Thái Nguyên lập kỷ lục mới, đạt 8,8 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận của Samsung Thái Nguyên cũng đạt mức cao, khoảng 0,8 tỷ USD, cao thứ 3 trong lịch sử hoạt động của nhà máy này. Doanh thu của Samsung Display Việt Nam cũng tăng 18% lên 4,7 tỷ USD.

Doanh thu công ty mẹ tăng mạnh, cả chuỗi cung ứng toàn cầu với hàng nghìn doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ hỗ trợ của Samsung ở Việt Nam và các nước đều gia tăng rất mạnh mẽ.

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Việt Nam đang có những lợi thế về vị trí địa lý cũng như kinh tế - xã hội chưa từng có trong những năm gần đây để tiếp tục thu hút FDI, thúc đẩy sản xuất.

Theo bà Hương, số liệu thu hút FDI 7 tháng đầu năm 2022 vừa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố cho thấy, dòng vốn nước ngoài chủ yếu đổ vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có sức lan tỏa, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng. Đặc biệt, cuối tháng 8/2022, hãng Boeing (Mỹ) sẽ tổ chức hội nghị hàng không vũ trụ tại Việt Nam với mục tiêu tìm kiếm các nhà cung ứng từ nội địa nhằm tạo hệ sinh thái cho Boeing tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội lớn chưa từng có cho các doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất của tập đoàn khổng lồ này.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đến nay, mới có khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này cho thấy mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI còn lỏng lẻo, chưa đạt như kỳ vọng.

TS Trần Đình Thiên cho rằng, cùng với phục hồi sản xuất, cơ hội mở ra đối với doanh nghiệp công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam đang rất lớn. Tuy nhiên, cần có một chiến lược tích cực nhằm cải thiện năng lực doanh nghiệp công nghiệp, nhất là công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào các chuỗi cung ứng cũng như tăng cường mối liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

MỚI - NÓNG
Hàng hoa giấy lại bung nở rực rỡ trên cầu Vĩnh Tuy
Hàng hoa giấy lại bung nở rực rỡ trên cầu Vĩnh Tuy
TPO - Khi bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào Hà Nội, hàng chục nghìn cây xanh, nhiều công trình tại Hà Nội bị hư hỏng. Hàng hoa giấy được trồng trên cầu Vĩnh Tuy cũng không thoát khỏi bị quăng quật trở nên xác xơ, nhưng sau gần một tháng, hiện những cây này đang bung nở trở lại, rực rỡ sức sống.