Bàn cách cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Hàm lượng công nghệ thấp, hầu hết các doanh nghiệp chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất... là những vấn đề cần sớm giải quyết của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Bằng
Hàm lượng công nghệ thấp, hầu hết các doanh nghiệp chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất... là những vấn đề cần sớm giải quyết của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Bằng
TPO - Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu như hiện nay, ý nghĩa sâu xa mà công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần hướng tới trong thời gian tới là nâng tỷ lệ đóng góp vào hàm lượng công nghệ cao trong từng sản phẩm mới.

Đó là khẳng định của bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tại hội thảo “Cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với chủ đề nâng cao năng lực và đổi mới sáng tạo” ngày 5/10.

Đây là hội thảo chuyên đề do Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Samsung cùng tổ chức tại Hà Nội.

Tại hội thảo, dẫn số liệu khảo sát của Tổng cục thống kê năm 2021, đại diện Bộ Công Thương, ông Phạm Thanh Tùng- Phòng Công nghiệp hỗ trợ (Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương) cho biết, hiện có 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, trong đó, các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong ngành cơ khí, dệt may da giày.

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, xét theo chuỗi giá trị, tỷ trọng doanh nghiệp hoạt động ở các phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp Việt hiện khá thấp. Chỉ có khoảng 19% doanh nghiệp dệt may da giày và 33% doanh nghiệp điện tử có thực hiện công đoạn thiết kế trong quá trình sản xuất. Tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận được các ưu đãi, hỗ trợ từ các chương trình của nhà nước cũng khá thấp (17%). Những con số nói trên cho thấy độ bao phủ của các chính sách, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước còn hạn chế.

Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2021, ông Tùng cũng cho biết, về trình độ công nghệ, có khoảng 30% doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tham gia thực hiện khảo sát cho biết, đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hoá, và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất.

"Còn nếu xét theo chuỗi giá trị, tỷ trọng doanh nghiệp hoạt động ở các phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị khá thấp. Chỉ có khoảng 19% doanh nghiệp dệt may da giày và 33% doanh nghiệp điện tử có thực hiện công đoạn thiết kế trong quá trình sản xuất", ông Tùng cho hay.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước đã có nhiều khởi sắc trong những năm qua cả về số lượng và chất lượng. Hiện số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã chiếm khoảng 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

"Công nghiệp hỗ trợ góp phần tăng cường sự liên kết trong chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như dệt may, da giày, điện tử, nông nghiệp, thủy sản. Đến nay, nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đã vào được thị trường lớn, khó tính như Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc…Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức về quy mô, kinh nghiệm, năng lực, thị phần, thương hiệu", ông Phòng nhận xét.

Theo ông Phòng, việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, trong đó trọng tâm chính là ngành công nghiệp hỗ trợ, tiếp tục là nhiệm vụ hàng đầu mà các cơ quan, đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện trong thời gian tới.

Ngoài ra, công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam cần đóng vai trò quan trọng góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu kinh tế cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Phân tích về những vấn đề và thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, những vấn đề yếu kém của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ là do thiếu nguồn lực để đổi mới; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Điểm đáng lo ngại nữa chính là, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đến nay vẫn chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hay những công cụ quản lý sản xuất thông dụng. Chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 9000 (quản lý chất lượng), 9% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 14000 (quản lý môi trường), cũng khoảng hơn 20% doanh nghiệp cho biết có thực hiện 5S tại doanh nghiệp. Với các công cụ khác như Lean, 6 sigma, hay TQM, TPM.... số doanh nghiệp áp dụng chỉ khoảng từ 1-2%.

Trước thực trạng này, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ cần tăng cường áp dụng các giải pháp linh hoạt trong quản lý, điều hành sản xuất. Thúc đẩy sáng kiến, đổi mới mô hình kinh doanh để đảm bảo kinh doanh liên tục, nâng cao năng suất lao động, tuân thủ các tiêu chuẩn hơn nữa.

Trong thời gian tới, Cục Công nghiệp sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều hoạt động hợp tác song phương và đa phương. Ưu tiên phát triển đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này đang phối hợp với các cơ quan đơn vị triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016-2025 nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

MỚI - NÓNG