Nga đặt ‘mục tiêu kép’ ở Bắc Cực

Nga đặt ‘mục tiêu kép’ ở Bắc Cực
TPO - Trong khi triển khai lực lượng quân sự quy mô lớn tại Bắc Cực trong những tháng gần đây, Nga khó có thể giấu diếm nổi mục tiêu lợi ích phía sau.

Kremlin đang tận dụng những lợi thế tiềm năng của vùng Bắc Cực theo đà tan của băng tuyết bao phủ trên khu vực này. Động thái này đã thu hút sự chú ý theo dõi của không ít các quốc gia láng giềng Nga.

Nhật báo The Wall Street (WSJ) dẫn nhận định của  một quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Phần Lan cho rằng, Nga có “mục tiêu kép” tại Bắc Cực.

Thứ nhất là nhằm “kiểm soát con đường biển phía Bắc và khai thác tài nguyên phong phú”. Bên cạnh đó, mục tiêu thứ hai là tăng cường “khả năng nghiên cứu khu vực này, đẩy mạnh năng lực không quân và Hạm đội Phương Bắc”.

Vị quan chức này cho biết thêm, các nhà hoạch định quân sự Nga đang “kiểm nghiệm khả năng điều động binh lính từ khu vực trung tâm ra khu vực phía Bắc nước Nga”.

Sức lôi cuốn của vị thế chủ đạo tại Bắc Cực là trên cơ sở thực tế. Theo đánh giá của WSJ, tới năm 2020, con đường biển phía Bắc sẽ có thể phục vụ tàu thuyền qua lại 9 tháng trong năm. Nó sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ châu Âu sang Bắc Á chỉ bằng 60% so với các đường biển hiện tại qua kênh đào Panama hay Suez.

Hơn nữa, Mỹ dự tính, một phần lớn trữ lượng dầu khí chưa được khai thác của thế giới, gồm 15% dầu thô, 30% khi đốt và khoảng 20% khi hóa lỏng đang nằm dưới đáy biển Bắc Cực.

Với việc quân sự hóa Bắc Cực, Nga thể hiện rõ tham vọng kiểm soát cả thương mại lẫn nguồn tài nguyên ở đây. Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin từng phát biểu tuyên bố “Bắc Cực là Mecca của Nga” (Mecca là thành phố thánh địa của đạo Hồi thuộc Ả-rập Xê-út).

Kể từ khi Nga triển khai học thuyết quân sự mới vào tháng 12/2014, Kremlin đã đặt trọng tâm vào việc phát triển và quân sự hóa toàn bộ Bắc Cực.

Moscow đã cho xây dựng hàng loạt công trình dọc Bắc Cực nhằm thiết lập ưu thế quân sự. 10 trạm tìm kiếm cứu nạn Bắc Cực đang được Nga hoàn thành, cùng với 16 cảng nước sâu, 13 sân bay và 10 trạm ra đa phòng không dọc bờ biển Bắc Cực.

Đồng thời, Moscow đã thành lập Bộ Tư lệnh Chiến lược phía Bắc (JSCN) từ các đơn vị thuộc Hạm đội Phương Bắc nhằm duy trì sự hiện diện quân sự lâu dài tại Bắc Cực. Đây có thể sẽ thành quân khu thứ 5 của Nga trong tương lai. 

Theo Theo Business Insider
MỚI - NÓNG