Nền công vụ 'thương nhau'

Nền công vụ 'thương nhau'
TP - Cuối năm nào cũng vậy, các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp nhà nước lại “vất vả” bước vào cuộc bầu chọn, phân loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức để xem ai là người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ…

Cuối cùng dường như “cả làng đều vui vẻ” khi chẳng mấy ai bị xếp vào loại “không hoàn thành nhiệm vụ”.

 Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các quy định của pháp luật được đề cập trong Nghị định 56 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức có quá nhiều bất cập, hạn chế. Nhiều quy định nặng về hình thức, cứng nhắc trong việc phải có đề tài, sáng kiến… Trong khi đó lại thiếu cơ chế trách nhiệm rõ ràng của các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu để việc đánh giá, phân loại thực chất.

Do vậy, vì chạy theo thành tích, sợ ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị, cá nhân lãnh đạo, cộng với cơ chế bình bầu “dĩ hòa, vi quý”… nên hầu hết đều hoàn thành nhiệm vụ, tỷ lệ cán bộ, công chức “không hoàn thành nhiệm vụ” chỉ chiếm chưa đầy 0,5- 0,6%. Điều này được ông Ngô Thành Can, Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự (Học viện Hành chính Quốc gia) gọi tên là “nền công vụ thương nhau”. Đáng lo ngại là, điều đó trái ngược hoàn toàn với sự bức xúc của dư luận xã hội, của đại biểu Quốc hội về thực trạng: “30% cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Nói về vấn đề trên, ông Can chia sẻ thẳng: “Anh em bên dưới thường nói là, trên có chính sách thì dưới có đối sách nên nhiều khi làm cho xong việc. Khi phân chỉ tiêu rồi thì xem xét thống nhất xem ai được, rồi bảo viết sáng kiến đi, rất hình thức”…

Việc phân loại và đánh giá cán bộ có ý nghĩa quan trọng để thực hiện tinh giản biên chế, cũng như quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ, công chức. Nhận rõ được sự quan trọng này, cũng như những bất cập trong các quy định của pháp luật trong việc đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu sửa đổi quy định trên. Bộ Nội vụ đang bước đầu nghiên cứu, tổng kết sửa đổi Nghị định 56, dù rằng mới chỉ được ban hành hơn một năm. Theo đó, việc sửa đổi sẽ theo hướng, người giao việc sẽ là người có trách nhiệm trong việc đánh giá cán bộ, tinh thần là “người giao việc đánh giá cán bộ cấp dưới thực thi nhiệm vụ được giao”. Dự thảo cũng sẽ quy định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đánh giá, phân loại, tránh tình trạng nể nang, dĩ hoà vi quý.

Khi đó, hy vọng rằng “nền công vụ thương nhau” sẽ buộc phải chuyển đổi sang nền công vụ hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn như mong muốn của người dân.

MỚI - NÓNG