Mở toang đại học

Mở toang đại học
TP - Nếu dự thảo bỏ điểm sàn vào đại học của Bộ GD-ĐT được áp dụng, “hàng rào” chất lượng quanh quẩn 14-15 điểm cho 3 môn thi trong suốt hàng chục năm nay sẽ bị dỡ bỏ.

Ngưỡng tối thiểu đảm bảo chất lượng đầu vào bậc đại học sẽ không còn, nghĩa là 9 điểm 3 môn vẫn có quyền đỗ đại học, có quyền trở thành kỹ sư, cử nhân, thậm chí bác sĩ trong tương lai?

Nỗi lo hoàn toàn có cơ sở! Bởi về lý, giờ đây cứ tốt nghiệp THPT là có quyền vào học đại học. Cái lý này được không ít chuyên gia giáo dục tán đồng, vì phù hợp với thông lệ chung của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Thế nhưng nên nhớ rằng, chẳng hạn như ở Đức việc phân luồng, sàng lọc giữa học nghề với đại học diễn ra từ rất sớm, ngay từ cuối bậc THCS. Thế nên hầu hết các học sinh Đức có định hướng học đại học, khi hết lớp 12 đã đạt “ngưỡng chất lượng đầu vào” bậc đại học rất tốt. Chưa kể chất lượng giáo dục đại học, ta hay gọi là kiểm soát đầu ra, của họ khá chặt chẽ. Sự phân tầng, phân loại đại học ở các nước này cũng đã định hình từ rất lâu.

Trong khi đó, với Việt Nam chính Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và giới chuyên gia đều chung nhận định, giáo dục đại học là khâu yếu nhất trong hệ thống giáo dục hiện nay. Tỉnh thành nào cũng mọc vội lên một vài trường đại học, giảng viên vừa thiếu vừa yếu, cơ sở vật chất kém, nhưng mở ngành và chiêu sinh tràn lan đã diễn ra trong nhiều năm qua, cả trăm ngàn cử nhân ra trường thất nghiệp…  Mới đây, tại buổi làm việc với ĐHQG TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về yêu cầu phải đổi mới giáo dục đại học: “Các bộ ngành phải cùng tư duy trong việc đổi mới để có một đại học “ra hồn” và đó cũng là nguồn gốc tạo ra hiền tài phát triển đất nước”.

Vẫn biết cái lý của việc bỏ điểm sàn của Bộ GD-ĐT, như Thứ trưởng Bùi Văn Ga diễn giải, đó là các trường sẽ phải tự lo thương hiệu cho mình nếu muốn tồn tại; sẽ tăng cường hậu kiểm; nhận thức của xã hội giờ đây đã thay đổi, bằng chứng là năm ngoái có tới 100 ngàn thí sinh dù trên điểm sàn vẫn không đăng ký nhập học…

Nhưng vẫn còn đó canh cánh một nỗi lo chất lượng đại học – nơi đào tạo nguồn nhân lực chủ chốt cho đất nước đủ sức cạnh tranh và cất cánh. Đầu ra chưa quản được nay đã mở toang đầu vào, có vội quá không? Liệu quy định này có bị các trường đại học chất lượng kém, đang “hấp hối” lợi dụng để chiêu sinh, để làm ăn kiểu chụp giật? Và hậu quả là những cử nhân, kỹ sư hay bác sĩ với tấm bằng thật nhưng chuyên môn dởm sẽ ra trường, liệu ích gì cho xã hội?

MỚI - NÓNG