Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thái tử kế vị Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman. (Ảnh: Reuters) |
Tuần trước, ông Biden cảnh báo rằng Ả-rập Xê-út sẽ hứng hậu quả, nhưng không cho biết cụ thể. Nếu ông làm những điều trên, các nhà phân tích và ngoại giao cho rằng ông cũng không có nhiều dư địa để hành động.
Mỹ dừng bán những loại vũ khí mang tính chất tấn công cho Ả-rập Xê-út sau khi ông Biden lên nắm quyền vào đầu năm ngoái, vì cuộc chiến của Riyadh ở Yemen. Tuy nhiên, Mỹ vẫn tiếp tục bán các loại vũ khí mang tính phòng vệ cho vương quốc này.
Quan trọng hơn, các nhà phân tích cho rằng Ả-rập Xê-út đóng vai trò quá quan trọng đối với lợi ích của Mỹ ở khu vực, bao gồm hoạt động phản gián và chống lại những mối đe dọa mà Iran và các lực lượng đại diện gây ra.
“Đó là phản ứng có thể hiểu được, nhưng vẫn có những động lực mạnh mẽ để tiếp tục hợp tác”, Tom Karako, giám đốc chương trình tên lửa tại Trung Tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), đánh giá.
“Hai bên có lợi ích chung và mạnh mẽ trong duy trì quốc phòng và răn đe (đối với Iran)”, ông Karako nhận định.
Chính quyền Biden hoãn cuộc họp cấp làm việc của Hội đồng Hợp Hợp tác vùng Vịnh, đáng lẽ diễn ra tại Riyadh trong tuần này. Đây là diễn đàn bàn về hợp tác quân sự và các mối đe dọa ở khu vực, nhất là từ Iran. Việc hoãn cuộc họp này được cho là chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng.
Emile Hokayem, một chuyên gia về Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế, cho rằng Washington có thể thể hiện sự khó chịu của mình bằng việc trì hoãn bán vũ khí, hạ cấp đại diện trong các cơ chế an ninh và không ủng hộ chính sách của Ả-rập Xê-út ở Yemen. “Nhưng cuối cùng Mỹ không thể chấm dứt hợp tác chống khủng bố và không thể rời mắt khỏi Iran”, ông Hokayem nói.
“Những điều đó quá quan trọng đối với lợi ích an ninh của Mỹ, và Ả-rập Xê-út đang dựa vào điều này để kìm chân Washington”, ông Hokayem đánh giá.
Ngày 16/10, Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan nói với CNN rằng Tổng thống Mỹ sẽ tìm cách “thay đổi cách tiếp cận của chúng tôi về hỗ trợ an ninh”, như một trong những lựa chọn để đáp trả việc OPEC+ cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, ông Sullivan cũng nói rằng sẽ phải mất một thời gian để Nhà Trắng đưa ra bất kỳ quyết định nào.
Giới chức Mỹ thừa nhận rằng sự hiện diện của Mỹ ở Ả-rập Xê-út là để bảo vệ tài sản của Lầu Năm Góc ở khu vực, vì thế sẽ hạn chế mức độ mà Washington có thể thu hẹp trong quan hệ với quốc gia này.
Tìm kiếm sự bảo trợ an ninh của Mỹ trong vài thập kỷ qua, Ả-rập xê-út trở thành một trong những khách hàng mua vũ khí nhiều nhất của Mỹ, với mức chi khoảng 55,6 tỷ USD trong năm 2021.
Vương quốc này chiếm gần 1/4 tổng xuất khẩu vũ khí của Mỹ trong giai đoạn 2017-2021, theo thống kê của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm.
Từ khi ông Biden lên nắm quyền, hợp tác an ninh trở thành một trong những vấn đề gây mâu thuẫn.
Riyadh giận dữ khi ông Biden dừng bán vũ khí, chỉ trích vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018 do các đặc vụ Ả-rập Xê-út thực hiện, tuyên bố sẽ đánh giá lại quan hệ song phương và không hợp tác với Thái tử kế vị Mohammed bin Salman, người đang nắm thực quyền của vương quốc.
Đã có những dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa hai bên dịu bớt, sau khi các quan chức Mỹ nhắc lại cam kết lâu nay của Washington về việc bảo vệ Ả-rập Xê-út và bắt đầu nhận thấy rằng Riyadh nghiêm túc với việc chấm dứt chiến tranh với lực lượng Houthi thân Iran ở Yemen.
Ông Biden dường như cũng bị thuyết phục rằng việc tiếp tục hợp tác với Ả-rập Xê-út là vì lợi ích của Mỹ trong chính sách dầu mỏ và Trung Đông. Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ tìm kiếm sự giúp đỡ của Ả-rập Xê-út để bình ổn thị trường năng lượng. Tháng 7 vừa qua, ông Biden có chuyến thăm Ả-rập Xê-út và gặp Thái tử Mohammed.
Tuy nhiên, ván cược của Riyadh khi giảm sản lượng dầu sẽ làm hỏng cơ hội của Washington nhằm hàn gắn quan hệ.