Tuy nhiên, nỗ lực quyết liệt đó cuối cùng thất bại. Sau cuộc họp ngày 5/10, OPEC+ thông báo sẽ cắt giảm đáng kể sản lượng khai thác nhằm tăng giá. Quyết định này sẽ khiến giá xăng dầu ở Mỹ tăng, vào một thời điểm nhạy cảm đối với chính quyền Biden, khi chỉ còn 5 tuần nữa sẽ đến bầu cử giữa kỳ.
Sáng 5/10, các bộ trưởng OPEC+ họp tại Vienna đồng ý mức cắt giảm lớn hơn mức Nhà Trắng lo sợ: 2 triệu thùng mỗi ngày, bắt đầu từ tháng 11. Các bộ trưởng cho rằng điều này là cần thiết trong bối cảnh “bất định xung quanh triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường dầu mỏ”.
Cùng ngày, Tổng thống Biden nói với CNN rằng ông “quan ngại” về việc cắt giảm, cho rằng điều này “không cần thiết”. Khi được hỏi về vấn đề này, Ngoại trưởng Antony Blinken nói với báo chí: “Chúng tôi đã nói rõ quan điểm với các thành viên OPEC”.
Lột găng tay
Trong mấy ngày qua, các quan chức phụ trách đối ngoại, kinh tế và năng lượng cấp cao nhất đã quyết liệt vận động quan chức đồng cấp ở Trung Đông, bao gồm Kuwait, Ả-rập Xê-út và UAE, hãy bỏ phiếu phản đối cắt giảm sản lượng, nhưng không thành công. Lượng dầu mỏ mà OPEC+ quyết định cắt giảm lần này là mức lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và có thể khiến giá dầu tăng mạnh.
Một quan chức Mỹ khác nói rằng Nhà Trắng đang “co thắt và hoảng sợ”, và gọi nỗ lực phút chót của chính quyền là “lột găng tay”.
Một số luận điểm mà Nhà Trắng chuyển đến Bộ Tài chính Mỹ đầu tuần này để trao đổi với đối tác Trung Đông là việc cắt giảm sản lượng sẽ gây ra một “thảm hoạ toàn diện” và cảnh báo Mỹ có thể coi đây là “hành động thù địch”, theo CNN.
“Mọi người cần phải hiểu điều này có tính nghiêm trọng như thế nào”, một quan chức Mỹ nói về nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm vận động các thành viên OPEC+.
Một quan chức Mỹ khác nói rằng Nhà Trắng đang “co thắt và hoảng sợ”, và gọi nỗ lực phút chót của chính quyền là “lột găng tay”.
Theo một quan chức Nhà Trắng, các luận điểm trên được thảo luận nội bộ chứ chưa được lãnh đạo Nhà Trắng thông qua và chưa được sử dụng với các đối tác nước ngoài.
Đối với Tổng thống Biden, việc cắt giảm mạnh sản lượng dầu mỏ diễn ra vào thời điểm không thể tệ hơn. Trong nhiều tháng qua, chính quyền Mỹ có nỗ lực lớn để giảm nhẹ tác động của tình trạng tăng giá nhiên liệu sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Những nỗ lực đó cuối cùng có vẻ được đền đáp, khi giá xăng dầu Mỹ giảm trong gần 100 ngày liên tục.
Tuy nhiên, khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ đến cuộc bầu cử giữa kỳ quan trọng, giá xăng dầu ở Mỹ lại bắt đầu tăng trở lại, gây ra những rủi ro chính trị mà Nhà Trắng muốn tránh.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ từ chối bình luận về cuộc bầu cử giữa kỳ. “Nhờ những nỗ lực của Tổng thống, giá nhiên liệu đã giảm mạnh từ đỉnh cao và người tiêu dùng Mỹ đang phải trả tiền ít hơn ở trạm xăng”, phát ngôn viên nói.
Amos Hochstein, phái viên năng lượng hàng đầu của Tổng thống Biden, đóng vai trò đi đầu trong vận động các đối tác Trung Đông.
Cuối tháng trước, Hochstein cùng quan chức an ninh quốc gia Brett McGurk và đặc phái viên Yemen Tim Lenderking đến Jeddah để thảo luận về hàng loạt vấn đề năng lượng và an ninh, tiếp nối chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Ả-rập Xê-út hồi tháng 7.
Nhà Trắng yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nêu vấn đề này với một số bộ trưởng tài chính ở Vùng Vịnh, bao gồm Kuwait và UAE, để thuyết phục họ rằng cắt giảm sản lượng sẽ cực kỳ có hại cho kinh tế toàn cầu.
Dự thảo luận điểm được Nhà Trắng soạn thảo để bà Yellen trao đổi với các đối tác Trung Đông là: “Sẽ có rủi ro chính trị lớn đối với danh tiếng của họ và quan hệ với Mỹ cũng như phương Tây nếu họ quyết định sẽ cắt giảm”.
Một quan chức cấp cao Mỹ thừa nhận chính quyền đã vận động liên minh do Ả-rập Xê-út dẫn đầu trong nhiều tuần qua để thuyết phục họ không giảm sản lượng.
Cuối cùng, OPEC+ không làm như Mỹ muốn.
Quyết định của liên minh này được đưa ra chỉ chưa đầy 3 tháng sau khi Tổng thống Biden đến Ả-rập Xê-út để gặp Thái tử kế vị Mohammed bin Salman, với nhiệm vụ quan trọng nhất là thuyết phục đồng minh này tăng sản lượng dầu mỏ.
Vài tuần sau, khi OPEC+ đồng ý tăng khiêm tốn, với 100.000 thùng/ngày, những người chỉ trích cho rằng ông Biden nhận lại quá ít.
Không chỉ thế, các thành viên OPEC+ đang tính đến phương án cắt giảm sản lượng mạnh hơn nữa, khi giá dầu đã xuống dưới 90USD trong những tháng gần đây.
Khi các bộ trưởng OPEC+ họp, các nước châu Âu đang có kế hoạch áp giá trần lên dầu mỏ của Nga để trừng phạt Mátxcơva vì cuộc xung đột ở Ukraine. Không chỉ Nga, nhiều thành viên OPEC+ không thích ý tưởng áp giá trần vì sẽ trao cho khách hàng, thay vì thị trường, quyền quyết định giá dầu.