Bài xã luận viết: Trung Quốc không rơi vào “kế hoạch quỷ quyệt” của Mỹ nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Syria dưới chiêu bài chiến dịch chống khủng bố chống IS. Qua các cuộc không kích với vỏ bọc một chiến dịch chống khủng bố, rõ ràng mục đích cuối cùng của Washington sau khi đánh đuổi IS khỏi Syria là hất nhào chế độ Assad.
Cũng theo bài viết, Tổng thống Nga Vladimir Putin thực tế đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama thay đổi chiến lược khi ông Putin điện đàm với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hồi tuần trước, nói rằng các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu không nên được tiến hành mà không có sự nhất trí của chính quyền Syria.
Theo Mạng Quân sự Trung Quốc, động cơ Mỹ phát động không kích chống IS mà không được Liên Hợp Quốc phê chuẩn có thể bắt nguồn từ phân tích lợi ích của Mỹ và lịch sử hiện đại về trò chơi địa chính trị.
Trước đây, Mạng Quân sự Trung Quốc từng mổ xẻ kỹ lưỡng các cuộc tấn công do NATO tiến hành chống nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi năm 2011.
Theo mạng này, Mỹ đang lái sự chú ý sang Trung Đông sau khi đã thành công trong việc khuấy động quan hệ giữa Nga và Ukraine, bằng cách ủng hộ việc phế truất Tổng thống Viktor Yanukovych thân Nga hồi tháng 2/2014. Cuộc khủng hoảng đã cho phép Mỹ làm suy yếu Nga, đồng thời cũng đem lại sức sống mới cho NATO.
Theo Mạng Quân sự Trung Quốc, Mỹ đang sắp xếp lại Liên minh châu Âu (EU) và các nước phương Tây khác theo hoạch định của mình, đồng thời sử dụng con bài IS để sắp đặt lại lợi ích tại Trung Đông, thiết lập một liên minh gồm 54 quốc gia nhằm tiêu diệt tổ chức khủng bố với sự hậu thuẫn của EU, NATO và Liên minh Ảrập, bài xã luận viết. Riêng Ảrập Xêút đã cam kết đóng góp cho chiến dịch hơn 500 triệu USD.
Theo bài báo, các nước đều biết rằng Mỹ đang làm gì, nhưng tất cả đều tham gia vì việc loại bỏ được Tổng thống Assad cũng có lợi cho họ. Tuy nhiên, Trung Quốc không sa bẫy khi biết rằng Washington chỉ tỏ ra nồng ấm với Bắc Kinh vì muốn hối thúc Trung Quốc ngừng ủng hộ Nga.
Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị gia nhập liên minh quân sự tiêu diệt IS của Mỹ, dựa trên chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết sẽ không bao giờ ủng hộ hoặc tham gia cấm vận chống Nga, bất chấp sức ép với Trung Quốc lớn đến mức nào. Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc gặp giữa ông Tập và Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matviyenko hôm 23/9.
Tuy nhiên, Trung Quốc không đơn giản chỉ đứng bên lề tại Trung Đông. Bắc Kinh được cho là đã bán loại tên lửa dẫn đường DF-21 cho Ảrập Xêút, đồng thời gần đây tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên với Iran tại Vùng Vịnh.
Mạng Quân sự Trung Quốc nhận định, Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực đối với Trung Quốc tại các khu vực khác như Đông Nam Á, tăng cường quan hệ với Nhật Bản, can dự vào tranh chấp Trung - Nhật ở biển Hoa Đông.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ mới đây bổ nhiệm đô đốc Harry Harris người gốc Nhật là tư lệnh mới nhằm cải thiện quan hệ với quân đội Nhật Bản. Mạng này kết luận, bất kể Mỹ làm gì cũng không thể cản được sự trỗi dậy của Trung Quốc, xung đột trong tương lai là không thể tránh khỏi.