Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby đã đưa ra thông tin trên nhằm đính chính thông tin một bài báo của tờ Wall Street Journal nói rằng Nhà Trắng đã ngầm đồng ý với đàm phán hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, vài ngày trước vụ thử vũ khí hạt nhân lần 4 của Triều Tiên.
“Rõ ràng là phía Triều Tiên đưa ra đề xuất đàm phán bản hiệp định hòa bình”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Kirby phát biểu với phóng viên tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Amman, Jordan.
“Chúng tôi cẩn trọng xem xét đề xuất của Triều Tiên và tuyên bố rằng việc dỡ bỏ chương trình hạt nhân phải là một phần của chương trình đàm phán. Tuy nhiên, phía Triều Tiên đã bác bỏ đề xuất này. Yêu cầu của chúng tôi phù hợp với trọng tâm lâu dài là giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Dẫn lời một số quan chức Mỹ trong, Wall Street Journal nói rằng Nhà Trắng dỡ bỏ điều kiện đưa ra trước đó để Triều Tiên đầu tiên cắt giảm kho vũ khí hạt nhân. Thay vào đó, Mỹ yêu cầu đưa chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là một phần của chương trình đàm phán.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cuối cùng đã bác đề xuất trên và vụ thử vũ khí hạt nhân ngày 6/1 của nước này đã đánh dấu chấm hết cho các nỗ lực ngoại giao trên, bài báo viết.
Bình Nhưỡng ngày 6/1 tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch và ngay lập tức vấp phải sự lên án mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế và các quốc gia láng giềng. Vài tuần sau đó, Bình Nhưỡng lại phóng tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh lên quỹ đạo.
Trước đó ngày 16/1, Bình Nhưỡng đã đưa ra yêu cầu đàm phán hiệp định hòa bình cho bán đảo Triều Tiên với Mỹ và hối thúc Mỹ dừng các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc. Đây là các điều kiện mà Bình Nhưỡng đưa ra nhằm chấm dứt các thử vũ khí hạt nhân.
Cuộc chiến tranh Triều Tiên chấm dứt vào năm 1953 nhưng các bên không đạt được bản hiệp định hòa bình nào mà cần phía Mỹ đại diện cho Liên hợp quốc, quân đội Triều Tiên và Trung Quốc ký vào.
Trong bản đề xuất đàm phán hiệp định hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng nêu rõ muốn 3 bên nêu trên và Hàn Quốc ký vào bản hiệp định hòa bình.