Trong những năm qua, tàu Dawnlight liên tục di chuyển qua lại giữa Singapore và bán đảo Triều Tiên, trong đó có vài lần đi vào cảng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, các điểm đến cuối cùng cụ thể của tàu Dawnlight không rõ ràng vì kể cả khi thủy thủ đoàn đăng ký điểm đến là cảng ở Triều Tiên, dữ liệu từ vệ tinh và hệ thống radar cho thấy tàu này chỉ xuất hiện ở ngoài khơi ở vùng biển của Hàn Quốc rồi quay đầu trở về, không vào bất cứ cảng nào ở Triều Tiên như đã đăng ký.
Các công ty quản lý Dawnlight trước đây từng khẳng định rằng tàu hàng này chỉ chứa các container thương mại, trong khi đơn vị quản lý hiện nay, một công ty có trụ sở ở Hong Kong, không đưa ra bất cứ bình luận nào.
Trong khi các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên cấm các hoạt động thương mại liên quan đến hàng hóa vốn có thể sử dụng cho các chương trình phát triển vũ khí, hoạt động thương mại thông thường với Triều Tiên lại được cho phép.
Với nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, Triều Tiên có nhiều lý do để kinh doanh ở nước ngoài. Tuy nhiên, các cơ chế kiểm tra ở những cảng biển nhộn nhịp nhất ở khu vực rất chọn lọc, do đó, rất khó để xác định xem các tàu hàng chở gì đến Triều Tiên.
Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân hồi tháng Giêng và vụ phóng vệ tinh mới đây, các hoạt động thương mại bằng tàu biển của Triều Tiên lại trở thành điểm đáng quan tâm mới.
Nhật Bản đã cấm tàu Triều Tiên vào cảng nước này, trong khi Hàn Quốc cấm tất cả tàu treo cờ Triều Tiên và đang cân nhắc mở rộng lệnh cấm với các tàu từng cập cảng ở miền Bắc. Ông Chun Yung-woo, cựu Cố vấn An ninh quốc gia, cho biết: "Lệnh cấm sẽ giúp chúng tôi tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh. Các con tàu là cách tốt nhất để Triều Tiên vận chuyển thiết bị và vũ khí phục vụ cho chương trình phát triển hạt nhân của mình".
Tuy nhiên, rất khó để theo dõi tàu Dawnlight theo quy định của các lệnh trừng phạt. Con tàu này hoạt động hoàn toàn hợp pháp. Vậy nó chở gì, ai quản lý và điểm đến cuối cùng có phải Triều Tiên?.
Đến nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên. Tuy nhiên, hầu hết hàng hóa được chuyển tới Triều Tiên đều đi qua các cảng trung chuyển ở Đông Nam Á.
Singapore, một trong những quốc gia có hoạt động giao thương bằng đường biển lớn nhất châu Á, dựa vào vị trí địa lý để duy trì khả năng cạnh tranh. Danh sách hàng hóa được chuyển đi không phải công khai thông báo và các cuộc kiểm tra thường chỉ được thực hiện khi có thông tin tình báo cho thấy tàu chở hàng nào đó vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế.
Theo dõi các con tàu tới Triều Tiên cũng là một thách thức với cộng đồng quốc tế vì Bình Nhưỡng không có các trạm radar thuộc hệ thống theo dõi tàu biển thương mại quốc tế.
Và để tránh vi phạm các quy định quốc tế, thủy thủ đoàn đôi khi có thể tắt hệ thống định vị vệ tinh của tàu để bảo đảm tàu không bị theo dõi. Trong một số hành trình, tàu Dawnlight chỉ cung cấp hạn chế dữ liệu về chuyến đi, kể cả trong các khu vực cách xa bán đảo Triều Tiên, nơi có hệ thống radar và vệ tinh theo dõi đáng tin cậy.