Muốn mở rộng thị trường cần phải kể được câu chuyện của sản phẩm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Để khách hàng quan tâm đến sản phẩm địa phương, bên cạnh chất lượng thì sản phẩm phải kể được câu chuyện mang tính địa phương. Bởi sau mỗi sản phẩm là câu chuyện văn hóa, con người và vùng đất. Đó sẽ là điểm nhận diện của sản phẩm địa phương so với hàng trăm, hàng ngàn món hàng khác trên kệ”, ông Paul Lê - Phó Chủ tịch Tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan Central Retail tại Việt Nam - chia sẻ. 

Ngày 11/5, tại Đà Nẵng, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên tổ Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã chia sẻ về câu chuyện đưa sản phẩm địa phương vào các kênh phân phối trong nước.

Nhiều cơ hội

Chia sẻ về câu chuyện đưa các sản phẩm địa phương vào kênh phân phối, ông Paul Lê - Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam - cho rằng các doanh nghiệp đừng đặt nặng việc hàng phải vào siêu thị mà cần quan tâm đến việc hàng vào siêu thị có bán được, có tiếp cận được với thị hiếu của khách hàng hay không.

“Để khách hàng quan tâm đến sản phẩm địa phương, bên cạnh chất lượng thì sản phẩm phải kể được câu chuyện mang tính địa phương. Đó cũng chính là lợi thế cạnh tranh mà các sản phẩm này có thể tận dụng để tiếp cận khách hàng, bởi sau mỗi sản phẩm là câu chuyện văn hóa, con người và vùng đất. Đó sẽ là điểm nhận diện của sản phẩm địa phương so với hàng trăm, hàng ngàn món hàng khác trên kệ”, ông Paul Lê nói.

Muốn mở rộng thị trường cần phải kể được câu chuyện của sản phẩm ảnh 1

Ông Paul Lê - Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam - cho rằng các sản phẩm địa phương có lợi thế về câu chuyện để tiếp cận thị trường.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn - Giám đốc Điều hành toàn quốc Siêu thị WinMart, Công ty Win Commerce - khẳng định, việc đưa các sản phẩm địa phương vào kênh phân phối không có khó khăn hay rào cản nào cả. Các sản phẩm địa phương, mang đặc thù vùng miền đều có cơ hội, chỉ cần là sản phẩm chất lượng.

Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhuần nhuyễn các giải pháp để kết nối, xúc tiến để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước, bình ổn thị trường.

Giai đoạn vừa qua, các kênh xúc tiến thương mại đang thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ các sản phẩm địa phương tiếp cận thị trường, kênh phân phối trong nước.

Muốn mở rộng thị trường cần phải kể được câu chuyện của sản phẩm ảnh 2

Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm của 15 tỉnh thành tại khu vực bờ Đông Cầu Rồng.

Lấy ví dụ về chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), theo bà Nga, OCOP đã hỗ trợ các sản phẩm nông thôn, công nghiệp nông thôn đến gần hơn với người tiêu dùng, tham gia vào chuỗi cung ứng thông qua những chương trình xúc tiến thương mại như hội chợ, kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm, truyền thông…

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung vào các chương trình kết nối cung cầu cụ thể hóa vào từng đối tượng mục tiêu, từng sản phẩm phù hợp với đặc điểm địa phương để thúc đẩy hơn nữa việc đưa các sản phẩm địa phương vào thị trường”, bà Nga nói.

Sản xuất nhỏ, nhưng phải “chuẩn” từ đầu

Theo bà Mai Thị Ý Nhi - CEO Mỹ Phương Food, thời gian đầu, doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường bởi không hợp khẩu vị của khách, sản xuất thủ công nên không đảm bảo chất lượng đồng nhất.

“Sau đó, chúng tôi “chơi lớn” khi quyết định vay mượn để đầu tư máy móc, nghiên cứu để phát triển sản phẩm từ nông sản địa phương (Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng). Đó cũng là lợi thế cho doanh nghiệp hiện tại khi sản phẩm đã đi vào chuỗi cung ứng, kênh phân phối khi có thể đáp ứng số lượng và đảm bảo chất lượng cho các đơn hàng lớn”, bà Nhi nói.

Theo bà Nhi, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm địa phương đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên sẽ phát triển chậm hơn vì phải tự mình xoay xở làm mọi thứ. Tuy nhiên, lợi thế của mình là gì thì nên tập trung vào cái đó.

Muốn mở rộng thị trường cần phải kể được câu chuyện của sản phẩm ảnh 3

Theo bà Mai Thị Ý Nhi - CEO Mỹ Phương Food, doanh nghiệp cần tập trung vào lợi thế "tính địa phương", đầu tư vào dây chuyển để chuẩn bị khi có các cơ hội tiếp cận kênh phân phối.

Ông Nguyễn Trung Dũng - CEO Cty Cổ phần DHFoods - cũng cho rằng bí quyết để sản phẩm này thành công vào các kênh phân phối lớn trong nước cũng như xuất khẩu đó là vì “làm chuẩn”.

“Ngay từ thời điểm thành lập công ty, dù quy mô nhỏ nhưng chúng tôi đã “chuẩn” về mẫu mã, số lượng, chất lượng, số liệu, hồ sơ kế toán… Làm gì cũng phải chuẩn ngay từ đầu, đừng giữ tư duy làm tạm để lúc lớn rồi làm bài bản. Bởi khi cơ hội đến, nếu doanh nghiệp không sẵn sàng thì sẽ để vuột mất”, ông Dũng nói.

Song song với Hội nghị kết nối giao thương, từ ngày 11/5 – 14/5, tại khuôn viên bờ Đông Cầu Rồng còn diễn ra hoạt động trưng bày giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, tiềm năng xuất khẩu của các địa phương với sự tham gia của 15 địa phương và hơn 300 nhà cung cấp, hợp tác xã, doanh nghiệp. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá trực tiếp sản phẩm tới người tiêu dùng trong nước và du khách quốc tế, tiếp cận và nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng từ đó có kế hoạch sản xuất kinh doanh thích ứng với xu hướng thị trường.

MỚI - NÓNG