Một nhà thơ vừa ngang qua…

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sáng nay (9/7), nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được tiễn đưa về miền mây trắng. Mấy ngày qua, sự ra đi của “Trái tim sinh nở” ấy đã để lại một vệt loang trầm, trên báo chí, trên những dòng status chất chứa lắng đọng, ngậm ngùi.

Một nhà thơ qua đời, dù là bất kỳ ai, khiến tôi liên tưởng đến câu thơ của chị lúc sinh thời, đó như “Ánh sáng chết vạn năm sau mới thấy”.

Khiến tôi nghĩ nhiều. Về những cuốn sách cố gắng lắm mới in được vài ngàn bản. Về những bài thơ không ai đọc, bơ vơ giữa cơn sốt vé của ban nhạc nữ xứ Hàn sắp sang. Về mọi thứ thoắt đổi thay chóng mặt chỉ trong vài thập niên.

Các nhà khảo cổ còn cần mẫn lặn lội gạt từng hạt bụi kiếm tìm lại "bản lai diện mục" của loài người để làm gì nữa? Khi AI đang vẽ, đang viết lại lịch sử bằng những hình ảnh, câu chuyện không có thật, kể cả những sự kiện còn chưa xa lắm. Giả thật mờ nhòe. Những thứ gọi là “ảnh tư liệu” do AI làm ra, rồi sẽ chen lẫn vào bảo tàng nhân loại ít năm nữa, khi chủ nhân thế giới là những đứa trẻ giờ đây đang mê mẩn với Kpop, với đa vũ trụ và chiếc smartphone...? Tổ tiên của chúng sẽ dần không có thật? Hay đó sẽ lại là một lớp “truyền thuyết/huyền thoại/dã sử” mới được khoác lên thời gian, không còn theo cách truyền khẩu cổ xưa, mà bằng những robot, những ChatGPT?

Tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về trí tuệ nhân tạo của Liên Hiệp Quốc vừa diễn ra hai ngày trước, sử gia Yuval Noah Harari một lần nữa lo ngại, rằng “Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta đã có thể tạo ra những con người ‘giả’ – hàng tỉ người giả… Nếu bạn không biết ai là người thật, niềm tin sẽ sụp đổ”. Người thông minh từ 300 ngàn năm trước, và chiếc điện thông minh bây giờ, ai tinh khôn hơn? Tiến hóa loài người sẽ được viết lại, hay từ nay sẽ tiến hóa sang thành một “loài” mới?

Tất nhiên, thực tế hẳn không đến mức như vậy, và ai cũng hy vọng như vậy. Nhưng ánh sáng tinh khiết cứ đang vĩnh viễn trôi dần qua, làm sao không khỏi chạnh lòng.

Giữa cái thời văn chương cứ nhạt dần, giả dần này, bồi hồi khi đọc những dòng tiễn đưa của nhà văn Trung Trung Đỉnh, học cùng khóa 1 trường viết văn Nguyễn Du với Lâm Thị Mỹ Dạ. “Văn chương là cái chi chi mà cả một thế hệ vừa buông súng, vừa thoát chết, đa số chưa "ổn định" cuộc sống cá nhân mà nhắc đến là thẩy đều nhất tề nhào vô như một cuộc xung trận mới, thí mạng, không nề hà!... Vâng, mỗi người có khát vọng một kiểu, nhưng viết văn là lý tưởng sống, là niềm vui nỗi buồn chung. Bao nhiêu từ đẹp đẽ cao siêu để chỉ văn học nghệ thuật chúng tôi đã và đang gán cho nó…”.

Giữa huyên náo tiếng nói cười nhân loại, nhớ những dòng nhật ký cuối cùng của cô bé Anne Frank trước khi vĩnh viễn nằm lại nơi trại tử thần của phát xít Đức. “Mình thấy thế giới đang dần bị biến thành một vùng đất hoang vu. Mình nghe thấy tiếng sấm sét đang đến gần, nó cũng sẽ hủy diệt chúng mình…”. Nhưng “Bất chấp thế nào, mình vẫn tin rằng bản chất của con người thực sự rất tốt”.

Một nhà thơ vừa ngang qua, một thời đại văn chương đã qua. Tất cả sẽ phải thay thế, nhưng chỉ bằng cái bản lai cuối cùng, là lòng tốt thôi chăng?

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.