Lai Châu - phên giậu vững bền:

Mê mẩn giữa rừng chè nghìn năm

TP - Vào những ngày cuối xuân, chúng tôi may mắn được khám phá rừng chè cổ thụ của nhân dân xã Mồ Sì San, huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đến đây, mọi người như lạc vào không gian cổ tích với những cây chè rêu phong bao phủ, một người ôm không xuể, cao hơn 20m, thậm chí 30m. Những cây chè ở đây được đồng bào Dao coi là “báu vật”, luôn gìn giữ, bảo tồn và trở thành những cột mốc trên biên giới.
Mê mẩn giữa rừng chè nghìn năm ảnh 1
Rừng chè cổ thụ - báu vật của đồng bào Mồ Sì San.

5 giờ leo núi vào rừng chè cổ

Đến xã biên giới Mồ Sì San, chúng tôi được nghe câu chuyện thú vị về rừng chè cổ thụ trên biên giới và quyết định leo núi khám phá. Đúng 5h30 sáng, khi còi báo thức của Đồn biên phòng Vàng Ma Chải, Bộ đội Biên phòng Lai Châu cất tiếng, chúng tôi lập tức thức giấc cùng cán bộ Biên phòng chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho một chuyến lên đỉnh núi ở độ cao hơn 2.000m so với mặt nước biển, nằm trên cung đường tuần tra biên giới lên cột mốc 79, để khám phá rừng chè cổ thụ với 2.000 cây, có tuổi đời gần một nghìn năm tuổi.

Để đảm bảo an toàn, thuận lợi, cán bộ đồn biên phòng và cán bộ xã Mồ Sì San theo cùng leo núi khám phá về những cây chè được người dân nơi đây coi như “báu vật”. Trước khi chúng tôi lên đường, Thiếu tá Trương Thái Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải căn dặn: “Chuẩn bị cho thật kỹ nhé, bật lửa, lương thực, thực phẩm để ăn trưa. Lên đó, trời lạnh, đường đi rất khó khăn, chỉ có dốc và dốc thôi, anh em đi lại cẩn thận, cố gắng bám sát nhau mà đi! Lên để tận mắt thấy, tay sờ, tai nghe và cảm nhận cây chè cổ thụ quý giá như thế nào”.

Đoàn gồm Thiếu tá Phan Mạnh Thiết, cán bộ đồn Vàng Ma Chải, anh Tẩn Chin Lùng, Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San và đồng chí dân quân Tẩn Vần Lỷ và tôi. Từ đồn Biên phòng, bốn người chúng tôi di chuyển bằng xe máy khoảng 20 phút thì đến cửa rừng. Những cánh rừng già hiện ngay trước mắt, rậm rạp, um tùm và chúng tôi cứ cắt rừng, vạch đường mà đi. Trước khi vào rừng, Thiếu tá Thiết dặn: “Mỗi người cách nhau 2m, chú ý quan sát xung quanh”. Trong khi đó, anh Tẳn Vần Lỷ thoăn thoắt tiến lên phía trước, vừa đi vừa phát đường, mở lối, vượt qua con dốc này rồi đến dốc khác, cứ mỗi lúc một cao hơn, dốc hơn.

Mê mẩn giữa rừng chè nghìn năm ảnh 2

Những cây chè cổ thụ một người ôm không xuể.

Hơn 2 tiếng đồng hồ trôi qua, tôi cảm thấy đôi chân của mình mỏi dần, nhịp tim mỗi lúc một nhanh hơn, hơi thở gấp. Anh Lùng đi phía sau cảm nhận được sự thấm mệt của tôi, nên đề nghị mọi người dừng lại. Lúc này tôi mới thực sự cảm nhận được sự vất vả của những chuyến tuần tra xuyên rừng của nhiều cán bộ, chiến sĩ Biên phòng mà tôi vẫn thường nghe. Đi bộ hơn 3 giờ đồng hồ, bất giác tôi hỏi đồng chí dân quân: “Đã tới nơi chưa anh Lỷ?”. Đồng chí dân quân cười và nói: “Đi tiếp gần 2 tiếng nữa mới tới nơi”. Câu nói của anh Lỷ làm tôi hơi choáng, đã đi bộ từ 6 giờ sáng, 3 tiếng đồng hồ ngược núi trôi qua, còn gần 2 tiếng nữa mới lên tới rừng chè, vậy phải đến trưa mới tới nơi...

“Xác định đây là cây trồng giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, UBND huyện Phong Thổ đã ban hành đề án “Bảo tồn và phát triển vùng chè cổ thụ trên địa bàn huyện Phong Thổ”. Dòng chè cổ trên địa bàn xã có sự kết tinh của văn hóa đồng bào các dân tộc, đặc biệt là đồng bào dân tộc Dao. Khi thu nhập đảm bảo, đồng bào sẽ có trách nhiệm hơn trong việc triển khai, bảo tồn, thu hái, chế biến, từ đó cùng làm ra những sản phẩm chè Shan tuyết đặc sắc, hội tụ tinh hoa của trời đất, núi rừng biên cương”.

Anh Tẩn Chin Lùng, Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San

Cơ duyên được uống lộc trời

Thời gian băng rừng dần trôi qua, cuối cùng rừng chè cổ thụ đã hiện lên trước mắt chúng tôi. Tiến vào rừng chè, chúng tôi tận mắt thưởng thức, nhìn ngắm những cây chè to cả người ôm, cao hơn 20 thậm chí 30m, rêu phong bao phủ quanh thân. Quanh các gốc chè cổ thụ là những cây chè nhỏ hơn mọc xung quanh. Quang cảnh nơi đây đẹp nguyên sơ, hoang dại. Quan sát kỹ, chúng tôi thấy những búp chè non xoăn lại dài bằng đốt ngón tay, chỉ cần vò nhẹ đã thấy mùi thơm của từng cánh lá. Đó là mùi hương của thời gian, của sương, băng tuyết, của hoang hoải đại ngàn.

Thiếu tá Thiết lúc này rất hào hứng nói với chúng tôi về loại chè quý giá này. Anh bảo: “Trên này có 3 loại chè, người Dao gọi là chè chua, chè đắng và chè ngọt. Chè ngọt chính là loại chè cổ thụ mà chúng ta đang đứng dưới gốc của nó. Bây giờ, chúng ta hạ ba lô, chuẩn bị nấu nướng thức ăn và thưởng thức thứ chè cổ thụ tuyệt vời này”.

Bữa ăn dã chiến trong rừng cũng nhanh gọn. Cái mọi người mong đợi nhất là công đoạn đun nước, uống chè cổ thụ tươi ngay tại chỗ. Lửa nổi lên và chúng tôi đun nước sôi. Chúng tôi đổ nước vào lá chè tươi để om. Hơn 15 phút sau, chúng tôi đã bắt đầu thưởng thức. Nhấp một ngụm nhỏ, tôi chỉ biết tặc lưỡi, gật gật đầu. Vị thơm của chè khác hẳn so với những thứ chè tươi, chè xanh hay trà đã chế biến mà tôi từng được uống. Chè tươi nhưng không chát, mà có vị ngọt mát. Hương thơm của chè theo làn khói tỏa ra như đánh thức các giác quan. Đặc biệt, chỉ cần một nắm chè, thay đến 4 đến 5 lần nước vẫn không mất đi màu xanh và vị thơm của chè.

Vừa nhâm nhi nước chè đặc biệt, Thiếu tá Thiết cho biết, do đây là giống chè quý hiếm nên nhiều cá nhân, doanh nghiệp săn lùng, đặt mua. Vì vậy, việc giữ gìn, bảo tồn rừng chè sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, tạo ra được nguồn thu ổn định, lâu dài cho người dân địa phương. Đặc biệt, người dân vừa lao động, chăm sóc, khai thác chè vừa bảo vệ vững chắc biên cương.

Mê mẩn giữa rừng chè nghìn năm ảnh 3
Những sản phẩm có giá trị cao được chế biến từ chè cổ thụ ở rừng núi biên cương.

Sau khi tham quan xong rừng chè, chúng tôi bắt đầu dọn dẹp để chuẩn bị về đồn. Anh Lùng, Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San cho biết, anh đã cùng cán bộ Biên phòng dẫn lãnh đạo của tỉnh Lai Châu lên khảo sát rừng chè. Khi về, các đồng chí đã chỉ đạo UBND huyện Phong Thổ yêu cầu, bằng mọi cách phải bảo tồn khu rừng chè cổ thụ này. Các đồng chí giao cho UBND xã Mồ Sì San phối hợp cùng Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải cùng thực hiện.

Trên đường xuống núi, Chủ tịch UBND xã cho biết, để bảo tồn, bảo vệ giống chè quý mà núi rừng ban tặng, xã sẽ thành lập Hợp tác xã Chế biến chè cổ thụ Biên Cương, đầu tư trang thiết bị chế biến chè. Đồng thời, hợp tác xã hướng dẫn nhân dân thu hái, chăm sóc, bảo tồn, nhân giống mở rộng diện tích. “Cách thu hái chè được Hợp tác xã hướng dẫn cho bà con làm đúng tiêu chuẩn vừa khai thác, vừa bảo tồn và Hợp tác xã nhận bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, chúng tôi đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm như chè xanh (2,5 triệu đồng/kg), Hồng trà, Hoàng trà (3 triệu đồng/kg), Bạch trà (hàng chục triệu đồng/kg)... Doanh thu từ các sản phẩm chè góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho nhiều hộ đồng bào xã nhà”, anh Lùng cho hay.

(Còn nữa)

Tin liên quan