Lai Châu - phên giậu vững bền

Cúi đầu trước Thánh Thạch trấn biên

TP - Khung cảnh biên cương hùng vĩ của Lai Châu đã thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là những người trẻ như chúng tôi tới khám phá. Đặc biệt, nơi cực Tây Bắc này có một câu chuyện về cột mốc tâm linh giữ cương vực của Tổ quốc, được đồng bào ở đây coi là “Thánh Thạch trấn biên”.

Sự tích về Thánh Thạch

6h sáng, từ Hà Nội chúng tôi lên xe ngược Lai Châu. Sau bữa trưa, trên Quốc lộ 4D, xe chúng tôi vượt đèo Ô Quy Hồ - một trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc nằm giữa Lào Cai và Lai Châu. Chúng tôi đến TP Lai Châu buổi chiều cùng ngày. Tờ mờ sáng hôm sau, chúng tôi lại lên xe đi Thu Lũm, xã biên giới xa nhất của huyện Mường Tè, cách TP Lai Châu 220km. Mất nửa buổi sáng, chúng tôi mới đến trung tâm huyện Mường Tè. Từ đây, chúng tôi ngược sông Đà khoảng hơn 100km nữa thì đến Thu Lũm. Đoạn này, phong cảnh đúng như nhà văn Nguyễn Tuân miêu tả trong “Người lái đò sông Đà”: “Cảnh vách đá hai bên sông dựng đứng như vách thành; có vách đá chẹt dòng sông Đà như một cái yết hầu; đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách; có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bên bờ này sang bên kia...”.

Trước đây, muốn đi từ trung tâm huyện vào Thu Lũm và ngược lại phải băng rừng, vượt suối mất 4, 5 ngày đường. Lâu dần những lối mòn theo sườn núi trở thành đường đi chính nên cũng uốn lượn, quanh co, khúc khuỷu lên cao dần với mây giăng mịt mù. Có những câu thơ được lưu truyền về vùng đất này như: Ka Lăng, Thu Lũm mây mù/U Ma ngược dốc leo gù lưng tôm. Mấy năm gần đây, Nhà nước đầu tư mở đường từ Ka Lăng sang Thu Lũm rút ngắn. Vì thế, giao thương gia tăng, khách du lịch cũng tìm đến khám phá.

Trên đường lên Lai Châu lần này, chúng tôi đã được nghe kể về hòn đá thiêng của người Hà Nhì ở Thu Lũm. Khi đến Đồn Biên phòng Thu Lũm, hình ảnh hòn đá trắng được treo trang trọng giữa phòng khách, phía dưới chú thích “Hòn đá thiêng của người Hà Nhì” lại gợi sự tò mò trong chúng tôi.

Sau khi được giới thiệu, ông Chu Xé Lù, Chủ tịch MTTQ xã, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thu Lũm đón tiếp chúng tôi. Ông Lù bắt đầu giải thích cặn kẽ cho chúng tôi hiểu về Thu Lũm. Đầu tiên là cái tên Thu Lũm. Theo cách gọi của người Hà Nhì, Thu Lũm theo tiếng Hà Nhì là “Đu Lú”, nghĩa là nơi giao lưu vui vẻ, là điểm dừng chân của du khách. Bởi xa xưa, Thu Lũm nằm trên con đường buôn muối từ Ấn Độ qua Myanmar, sang Lào, qua Việt Nam rồi đến Trung Quốc. Sau quãng đường dài, khách buôn dừng chân ăn nghỉ, giao lưu vui vẻ tại Thu Lũm.

Cúi đầu trước Thánh Thạch trấn biên ảnh 1

Hòn đá thiêng của người Hà Nhì.

Cúi đầu trước Thánh Thạch trấn biên ảnh 2
Nhiều người thắp hương, làm lễ nơi đây.

Xã Thu Lũm có 3 dân tộc là Hà Nhì, La Hủ và Dao với 484 hộ phân bố ở 9 bản là Thu Lũm, Gò Phà, Pa Thắng, Ló Na, Koòng Khà, U Ma Tu Khoòng, Là Si, Á Chè và Thu Lũm 2. Nhắc tới Thu Lũm không thể không nhắc tới hòn đá trắng. Hòn đá trắng được ví như người thủ lĩnh nằm trên đỉnh Pa Thắng, cách trung tâm xã 14km, trong phạm vi cột mốc biên giới số 24.

Ông Lù cho biết, bản Pa Thắng là bản giàu có nhất xã. Sự ra đời của Pa Thắng gắn liền với sự tích hòn đá trắng. “Pa Thắng” theo tiếng địa phương là “Pa Thó”, ý chỉ những người nơi đây mến khách, luôn gắn bó, đùm bọc, đoàn kết với nhau. Theo những người già kể lại, xa xưa ông Phú Tư - còn gọi là ông già Pa Thắng đi khảo sát vị trí tìm đặt bản Pa Thắng. Sau một đêm ngủ mơ, ông thấy ông già tóc trắng chỉ lên gặp hòn đá trắng để thắp hương. Hôm sau, ông tìm lên thắp hương ở vị trí đó thì đúng có hòn đá trắng. Sau đó, ông được mách vị trí đặt bản Pa Thắng như ngày nay. Người Hà Nhì gọi hòn đá trắng bằng một cái tên gần gũi “ông già tóc trắng” cũng vì thế.

Rồi ông Lù kể tiếp, sau chiến tranh biên giới phía Bắc, người dân Thu Lũm còn đói lắm. Sau khi đường biên giới được thiết lập lại, đường tuần tra biên giới được xây dựng, người dân lại có điều kiện lên hòn đá trắng để cúng. “Lúc đó, dân làng đóng góp được 1,4 triệu đồng, mua một con lợn lên thắp hương thần đá trắng. Tôi đi cùng người dân lên thắp hương, sau đó về mơ thấy năm nay được mùa rồi. Giấc mơ thành sự thật và từ lúc đó, người dân đủ ăn, làm ăn ngày một phát triển, có của ăn, của để, ông Lù nói và cho biết, vì hòn đá trắng nằm sát biên giới nên người Trung Quốc cũng muốn lên thắp hương. Nhưng dân bản không đồng ý. Hòn đá trắng nằm trên lãnh thổ nước ta, bao đời nay dân ta đều cúng. Đó là cột mốc tâm linh, là “Thánh Thạch trấn biên” (tạm dịch là Vị thánh hình tảng đá trấn giữ biên giới).

Cột mốc tâm linh

Theo cánh tay ông Lù chỉ, từ trung tâm xã Thu Lũm nhìn lên bản Pa Thắng thấy rõ những mái nhà trình tường (nhà truyền thống dựng bằng đất sét của người Hà Nhì) san sát. Chiếc xe của chúng tôi vượt quãng đường 14km với đá cấp phối, đèo dốc, nhiều khúc cua tay áo, lên đến nơi cũng mất gần 3 tiếng đồng hồ. Từ đường tuần tra biên giới lên hòn đá trắng phải qua con đường nhỏ dài khoảng 100m. Hòn đá đứng một mình, hình trụ cao khoảng 1,7m với đường kính chừng 80cm, giống một người đang ngồi, tay chống cằm nhìn về đất Việt. Hòn đá trắng nằm cách biên giới Việt - Trung chưa đầy 1m.

Người Hà Nhì ở đây tin rằng, nhờ “Thánh Thạch trấn biên” nên đời sống bao đời nay của họ đều an toàn, sung túc. Ai chẳng may bị đau yếu lâu ngày mà lên chỗ ông già đá trắng cầu xin, người sẽ khoẻ ra. Điều này cũng được nhiều người lý giải một cách khoa học: Khối đá tạo thành ông già đá trắng là đá thạch anh trắng. Đặc tính của thạch anh là có dương khí rất mạnh, làm cho cơ thể người đứng gần tăng cường vận động, khỏe mạnh hơn, qua đó mang thêm cho người ta sự may mắn trong cuộc sống và công việc.

Để hiểu hơn về cột mốc tâm linh, chúng tôi tìm vào bản Pa Thắng. Đường lên bản Pa Thắng dù khó khăn đèo dốc nhưng con đường trong bản đã được thảm bê tông sạch sẽ. Trong bản, bên cạnh những căn nhà trình tường là san sát những căn nhà bê tông, cốt thép lát gạch hoa, cao 1-2 tầng kiên cố.

Chúng tôi tìm gặp ông Chu Phu Chừ 79 tuổi, già làng có uy tín trong bản. Ông Chừ thân hình đen sạm, chân tay to, mạnh khỏe. Từng làm trưởng bản, được tín nhiệm cử tham gia lễ cúng thần đá trắng một thời gian, nay đã già nên ông xin nghỉ. Ông bảo, dân ở đây giàu vì chăm chỉ, lại có bộ đội biên phòng hỗ trợ, chỉ bảo thêm nên biết trồng thảo quả, làm dược liệu và lúa nước, chăn nuôi gia súc. Có nhà mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng.

Cúi đầu trước Thánh Thạch trấn biên ảnh 3

Bản Pa Thắng giàu có ở vùng biên (Ảnh: Đức Anh).

Rồi ông Chừ kể, về hòn đá trắng, ngoài sự tích về ông Phú Tư, người Hà Nhì còn lưu truyền một câu chuyện khác. “Khi xưa, người Hà Nhì còn tập tục du canh du cư. Khi nương rẫy đã kiệt màu, dân bản lại đi tìm đất mới để dời nhà, làm nương mới. Có đôi vợ chồng trẻ trên đường đi đến vùng đất mới thì chợt nhớ mình để quên khăn đội đầu nên lội qua suối quay trở về lấy. Không may lúc đó xảy ra lũ lụt, người chồng bị lạc mất vợ rồi quay lại tìm không thấy. Người chồng ngồi mãi bên dòng suối chảy cuồn cuộn để đợi rồi hóa thành hòn đá trắng. Đây là câu chuyện về hòn đá vọng thê của người Hà Nhì. Hòn đá trắng chính là tâm hồn, là vị thần núi của đồng bào Hà Nhì nơi đây”, ông Chừ kể.

(Còn nữa)

Tin liên quan