Được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) xác định là một trong những cửa ngõ phía Bắc mà dịch COVID-19 dễ xâm nhập vào Việt Nam. Ngay sáng mùng 5 Tết Canh Tý, Thiếu tướng Lê Đức Thái, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP trực tiếp dẫn tổ công tác tiền phương ra biên giới Quảng Ninh thị sát và giao nhiệm vụ chặn dịch cho lực lượng biên phòng tỉnh…
Chiếc xe bán tải trang bị cho “lính biên giới” đưa chúng tôi đi một vòng cung đường hành lang biên giới thuộc huyện Bình Liêu và thành phố Móng Cái. Suốt chặng đường hàng trăm cây số, chốc lát lại bắt gặp một lán dã chiến, chốt cơ động của biên phòng hoặc lực lượng liên ngành tạo thành “con đê” vững chắc ngăn dịch.
Từ Đồn Biên phòng Hoành Mô tới các Đồn Quảng Đức, Pò Hèn, Bắc Sơn, Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái…, dù là “xe nhà” nhưng cũng liên tục phải dừng lại để thông báo lịch trình và kiểm tra thân nhiệt, khử khuẩn cho đoàn công tác tại chốt, trạm, đồn. Mỗi nơi đoàn đến, dù vẫn những ánh nhìn trìu mến, vẫn những câu chuyện thân thiện của cánh lính đồn nổi tiếng hiếu khách nhưng lần này thiếu đi những cái bắt tay và được “tăng cường” thêm “món” khẩu trang, nước sát khuẩn.
Tại chốt U Bò thuộc Đồn Biên phòng Bắc Sơn, nằm đối diện với bản Sán Cáo (Đông Hưng, Trung Quốc) qua con sông biên giới, chiếc lán dã chiến thi thoảng lại rung rinh theo từng đợt gió. Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Bùi Văn Bách (nhân viên Đội vũ trang) và hai học viên tăng cường vội đi kiểm tra, tháo nước mưa đọng trên bạt che lán, vì “đêm qua và sáng nay trời mưa từng cơn, không thường xuyên tháo nước đọng, dễ gây hỏng lán”.
Năm nay 51 tuổi, chỉ còn 3 năm nữa là trung tá Bách từ giã binh nghiệp. Anh chia sẻ: “Tôi đã công tác ở hơn 10 đồn trong đời lính biên phòng. Vợ con thì ở Hạ Long, con trai tôi đang học đại học còn cháu gái mới lớp 2. Tết năm nay tôi trực, nếu không có đợt dịch này thì sau tết đã xin về tranh thủ. 4 tháng rồi tôi chưa về thăm bà xã và các con”.
Gian nan
Chiếc lán của tổ công tác do trung tá Bách chốt trực những ngày qua được dựng nhờ ở bãi đất trống trên đỉnh đồi thuộc đất canh tác của dân, đã nhiều lần phải gia cố lại vì mưa gió quật bung. Mới mấy hôm trước, cơn mưa rào nặng hạt và gió lớn làm hỏng lán khiến cả tổ dầm mưa suốt đêm. Theo trung tá Bách, thời điểm chưa có dịch chủ yếu làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát người qua lại biên giới, đường mòn, lối mở. Dịch tới, mỗi ca 6 tiếng kiểm soát nên căng thẳng hơn, chỗ nào có đường mòn đều được “chăm sóc” đặc biệt.
“Chúng tôi vẫn sướng chán, nhiều điểm khác trên tuyến biên giới phía Bắc anh em còn không có chòi để ở, trên người độc bộ quân phục và manh áo mưa quân trang. Mùa hè còn đỡ, mùa này thì vô cùng khắc nghiệt. Tất cả chúng tôi đều chia nhau đảm bảo trực 24/24h, nếu có người lọt qua được vào trong nội địa bị bắt, khai ra hành trình thì người trực chốt phải chịu trách nhiệm. Ở sát bờ sông anh em dựng tạm cái lán như lều vịt, cũng phải thức cả đêm trực. Anh em chúng tôi hỗ trợ nhau quan sát, thấy người xuất nhập cảnh trái phép báo ngay cho chốt dưới để xử lý. Dù vất vả nhưng lính chúng tôi quen rồi, chả mấy khi ốm”, trung tá Bách tâm sự.
Đúng như lời kể của trung tá Bách về chiếc “lều vịt” canh dịch. Khi chúng tôi tới mốc 1352 (2) thuộc Đồn Biên phòng Pò Hèn, mọi người trong đoàn đều lặng đi hồi lâu khi thấy học viên Lê Việt Dũng (SN 1998, quê Vũng Tàu) đứng quan sát khắp bờ sông biên giới dưới trời mưa, trong khi thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Trần Đức Thọ vội bước vào trong lán lau khô đầu tóc để “tiếp khách Hà Nội lên thăm biên giới”.
Dũng kể: Hàng ngày anh Thọ lái ca nô kèm cặp Dũng tuần tra kiểm soát dọc bờ sông khoảng 1km. Hơn nửa tháng nhận nhiệm vụ ở đây mưa liên tục 10 ngày nay. Có hôm mưa to, ướt hết chăn phải lấy áo đắp ngả lưng trong cái lạnh thấu xương. Mang chăn về trạm hong quạt nhưng mấy ngày cũng chưa khô nên hai chú cháu đắp chung một chăn trên chiếc phản “nằm khéo thì vừa”.
Gác niềm riêng
Chính trị viên Đồn Biên phòng Bắc Sơn - thượng tá Đỗ Thái Bình Vương kể: Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh lệnh cho tất cả các đồn, trạm trên tuyến biên giới, cửa khẩu Quảng Ninh tăng cường, ứng trực 100 phần trăm quân số, kết hợp với lực lượng tuyến sau lên chi viện để “khóa” biên giới. Chấp hành “nghiêm lệnh” trên, dù còn đó nhiều trăn trở hậu phương, những người lính biên phòng đã giữ chắc trận địa.
Thứ 4 tuần trước, thượng úy Trần Tiến Dương quê ở Gia Viễn, Ninh Bình là cán bộ tổ công tác biên phòng Đại Vai nhận tin mẹ vào cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai vì bệnh tiểu cầu cao. Không về được, thượng úy Dương gửi gắm trách nhiệm báo hiếu mẹ vào chị gái, em trai và vợ, dù vợ anh cũng đang nuôi con còn rất nhỏ. Trước đó một ngày, một quân nhân khác của đồn Bắc Sơn là thiếu tá Trương Văn Hưng (quê Hưng Yên), Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Hải Yên nhận hung tin em rể mất vì tai nạn giao thông nhưng cũng không thể về vì nhiệm vụ cấp bách.
Trong đợt chống dịch này, một buổi sáng giữa tháng 2, khi đang hướng dẫn hàng nghìn công dân từ Trung Quốc về làm thủ tục kiểm tra y tế, thượng úy Bùi Thế Trọng, Phó trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bắc Luân của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái nhận điện thoại của mẹ báo tin vợ sinh con gái lúc 7 giờ sáng. Anh tâm sự: “Tôi định dành phép để khi vợ đẻ xin nghỉ về chăm sóc nên tết vừa rồi ở lại trực. Nhưng người tính không bằng trời tính, 5 tháng rồi tôi chưa được về. Năm 2017, lúc vợ tôi sinh con trai đầu lòng tôi đang công tác ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Nếu mình không làm gương, đòi về thăm vợ con, khi anh em khác cũng có việc gia đình sẽ nghĩ như thế nào?”.
(Còn nữa)
Như nhiều lán, chốt khác, ở mốc 1352 (2) không có điện, nước. Mỗi khi thèm chén trà nóng để chống lạnh mà phích nước lấy từ trạm ra không còn thì hai chú cháu lại kiếm củi đun nước sôi phía trước lán. Theo câu nói vui của anh Thọ, chúng tôi “số đỏ” thì mới được “ngắm mưa thưởng trà” bên bờ sông biên giới Ka Long. Nhấp ngụm trà vừa pha, thiếu tá Thọ trầm ngâm: “Nghĩ dịch bệnh ngắn thôi không ngờ kéo dài quá. Chốt tôi có 4 người chia 2 ca luân phiên hàng ngày”.