Có các anh canh phên dậu

Nóng bỏng thời bình

Đêm lạnh và sương giá, đội hình biên phòng ở chốt 1322 đốt lửa sưởi ấm, ngay phía sau họ là đường biên Việt - Trung. Ảnh: Nguyễn Minh
Đêm lạnh và sương giá, đội hình biên phòng ở chốt 1322 đốt lửa sưởi ấm, ngay phía sau họ là đường biên Việt - Trung. Ảnh: Nguyễn Minh
TP - Trong đội hình trấn ải ngăn dịch COVID-19 trên tuyến biên phòng Quảng Ninh, 50 học viên năm cuối ở Học viện Biên phòng đang có khóa thực tập có thể coi là khắc nghiệt nhất trong thời bình. Tay súng, tay bút, những sĩ quan biên phòng tương lai vui vẻ dâng hiến thanh xuân cho hậu phương thêm bình yên, vững dạ.

10 giờ tối, xung quanh lán dã chiến ở khu vực chốt 1322 của Đồn Biên phòng Hoành Mô rả rích tiếng côn trùng sau cơn mưa nặng hạt. Ngoài hai “lính già” cắm chốt còn có hai gương mặt trẻ măng, chưa kịp “ngấm” sương gió biên thùy. Phụ trách chốt, trung tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Trọng Toàn (nhân viên Đội vận động quần chúng của đồn) cho biết chốt có 6 người nhưng hai dân quân tự vệ chỉ trực ban ngày. Chốt này chịu trách nhiệm quán xuyến khoảng 2km đường biên với 3 cột mốc, trong đó có 2 mốc phụ thuộc địa bàn huyện Bình Liêu, bên kia là trấn Động Trung của Phòng Thành (Trung Quốc). Chỉ cần lội qua con suối nhỏ cách chốt vài chục bước chân là sang đất Trung Quốc…

Hoàng Như Thanh (một trong 15 học viên tăng cường cho Đồn Biên phòng Pò Hèn) cho biết, những ngày đầu, do tình hình căng thẳng nên gác từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau. Có hôm Thanh gác tới 18 tiếng. 

Vẻ bẽn lẽn như con gái nhưng Danh Thành Tài (SN 1998, quê Kiên Giang) lại khá mau miệng. Cậu học viên chuyên ngành quản lý biên giới người dân tộc Khơ Me “kê khai” một mạch, từ chuyện năm đầu tiên ra “đất lính” Sơn Tây (Hà Nội) làm quen với cái lạnh miền Bắc đến chuyện lên biên giới ngăn dịch.

Tài kể: Năm đầu huấn luyện ở Trường Sĩ quan Lục quân 1 theo chương trình chung của Bộ Quốc phòng đối với học viên các trường quân sự, nhiều bạn quê miền Nam như Tài bị ốm vì chưa kịp thích nghi thời tiết ngoài này, nhưng qua mùa đông thứ nhất thì quen dần. 55 thành viên trong lớp của Tài đều lên biên giới phía Bắc đợt này, được Giám đốc Học viện trực tiếp động viên và giao nhiệm vụ. Tất cả đều phấn chấn và quyết tâm lên đường.

“Giờ giấc ở đây không ổn định, tình hình phức tạp thì làm việc bất kể ngày đêm. Thông thường ban ngày chia nhau 2 người trực, 2 người về trạm của đồn cách đó 2km ăn uống, nghỉ ngơi. Ban đêm trực cả 4 người. Ở trường canh gác mục tiêu cố định và không có vi phạm, còn ở đây không gian rộng và có các hoạt động vi phạm nên căng thẳng. Đi biên giới vất vả nhưng có đến tận nơi mới thấy mình đã lựa chọn đúng và không hối hận việc theo đường binh nghiệp”, Tài nói.

Tay súng, tay bút

Biên chế cùng chốt với Tài là học viên Võ Phước Trung (SN 1996, quê Châu Đốc, An Giang). Gia cảnh khó khăn, Trung học muộn so với các bạn đồng khóa do ở nhà phụ giúp bố mẹ làm ruộng trong hai năm. Hiện tình hình cũng bớt căng thẳng so với những ngày đầu nên 4 chú cháu, anh em thay nhau gác, mỗi người ngủ được ngủ khoảng 5-6 tiếng (trước đó, giấc ngủ của mỗi người chỉ chừng 2 tiếng). Ngăn dịch đã căng thẳng nhưng có hôm, Trung còn theo trung tá Toàn lên rừng nằm cả đêm phục bắt buôn lậu…

Vất vả là vậy nhưng Trung vẫn cười tươi: “Năm trước em đã đi biên giới Sơn La thực tế, kết hợp giúp bà con phát triển kinh tế và phòng chống tội phạm ma túy. Trên ấy, tụi em được ở quây quần 10-20 người một tổ giúp dân gặt lúa, làm nương. Lần này đi thực tập thì chia nhỏ mỗi chốt 2 học viên".

Cũng như Tài và Trung, trong hành trang lên biên giới ngăn dịch của những sĩ quan biên phòng tương lai đều không thể thiếu tài liệu học tập. Ngày gác, đêm gác nhưng mỗi khi có chút thời gian rảnh rỗi là các học viên tăng cường chuyến này lại tranh thủ ôn bài. Chưa biết khi nào hết dịch nhưng phía trước họ là kỳ thi tốt nghiệp với vô vàn thử thách như ngoại ngữ chuyên ngành, tổ chức chỉ huy, tác nghiệp bản đồ… kết hợp với bài thu hoạch thực tế về bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và nhiệm vụ chống dịch.

Cách chốt 1322 hơn 60km, Trương Trùng Dương (SN 1998, quê Hướng Hóa, Quảng Trị, học viên Khoa Phòng chống ma túy và tội phạm) vừa bàn giao ca gác trưa cho đồng đội ở chốt liên ngành biên phòng, công an, dân quân và y tế của xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái. Cao to và thể lực tốt, từng 2 lần đoạt giải Chiến sĩ khỏe toàn lực lượng biên phòng nên Dương được chọn vào Đội cơ động của Đồn Biên phòng Pò Hèn, sẵn sàng tăng cường cho các chốt của đồn khi có tình huống khẩn cấp. Dương cũng mới trực tiếp tham gia bắt một vụ người Việt Nam vượt biên về nước và đưa đi cách ly.

“Lịch thi của tụi em vào tháng 6, tranh thủ mỗi giờ nghỉ giữa hai ca gác, tụi em về đồn thay đồ, bớt thời gian ngủ để học bài. Trước khi lên biên giới, học viên tụi em được cán bộ quân y tập huấn kiến thức phòng chống dịch nên cũng khá yên tâm”, Dương chia sẻ.

Chưa biết ngày về

Phụ trách đội hình tăng cường cho biên phòng Quảng Ninh, trung tá Đồng Sơn Hùng cho biết, đợt này Học viện Biên phòng điều lên 4 tỉnh biên giới Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai và Cao Bằng 259 học viên và hàng chục cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên quân y, huấn luyện viên chó nghiệp vụ. Riêng tuyến Quảng Ninh là 60 người cùng 5 chó nghiệp vụ.

Theo trung tá Hùng, nhiệm vụ trọng tâm của đội hình tăng cường là phối hợp các đơn vị phòng chống dịch, đồng thời thực hiện tất cả các mặt công tác của lực lượng biên phòng tại tuyến cơ sở (cấp đồn, trạm). Mỗi cán bộ, giảng viên, học viên được luân chuyển, xoay vòng nhằm đảm bảo đều thực hiện nhiệm vụ ở những vị trí khó khăn nhất. Đặc biệt, các học viên trong đoàn tăng cường còn phải rèn luyện thực tập gắn với nhiệm vụ chống dịch và coi đây là điều kiện xét tốt nghiệp.

“Chúng tôi nhận lệnh lên biên giới từ ngày 6/3, hiện chưa biết ngày về cụ thể, tuỳ tình hình thực tế và diễn biến của dịch COVID-19 thì Tư lệnh (Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) sẽ quyết định. Học viên chuẩn bị tốt nghiệp thường có thời gian thực tập 3 tháng. Những ngày qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh và đơn vị cơ sở đều theo dõi chặt chẽ quá trình tham gia chống dịch và thực tập của các học viên”, trung tá Hùng nói.

Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh cho biết, ngoài đội hình tăng cường từ Học viện Biên phòng, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh cũng đã tăng cường 170 quân nhân lên tuyến đầu ngay từ khi dịch hoành hành bên Vũ Hán (Trung Quốc) nhằm “khóa chặt” đường thâm nhập của Sars- CoV-2. “Những học viên tăng cường năm nay đang có đợt thực tập vất vả nhưng rất sát thực tế, đem lại nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý cho hành trình tương lai”, đại tá Hải nói.

Nóng bỏng thời bình ảnh 1 Học viên tăng cường ở đồn Pò Hèn tranh thủ ôn bài cho kỳ thi tốt nghiệp năm nay
Ảnh: Nguyễn Minh

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.