Chủ quyền, biên giới quốc gia là bất khả xâm phạm
Trình bày tờ trình dự án Luật Biên phòng Việt Nam tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 25/3, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: Việt Nam có đường biên giới đất liền khoảng 5.036,471 km, bờ biển dài 3.260 km với 44 tỉnh, thành phố có biên giới quốc gia. Đến nay, Việt Nam đã hoạch định, ký kết các hiệp định về biên giới, cửa khẩu với các nước có chung đường biên giới...
Cũng theo Thượng tướng Phan Văn Giang, hiện nay, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển là xu thế chung, tuy nhiên tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang diễn biến khá phức tạp, khó lường, nhất là vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc... Bên cạnh đó, vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng; vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm ma túy và các loại tội phạm có tính chất xuyên biên giới, di cư tự do diễn biến phức tạp, các vấn đề an ninh phi truyền thống là khó khăn liên quan trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng.
Khẳng định chủ quyền, biên giới quốc gia là bất khả xâm phạm, Thượng tướng Phan Văn Giang cho biết, việc xây dựng dự án luật nhằm mục đích phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân, xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại.
Cho ý kiến bước đầu về dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần có sự phân biệt giữa lược lượng nòng cốt riêng và lực lượng tham gia riêng. Liên quan đến việc truy bắt tội phạm, để tránh chồng chéo, dự thảo luật cần rà soát, quy định rõ, lĩnh vực nào của cơ quan điều tra, lĩnh vực nào của bộ đội biên phòng. Đồng ý ban hành luật, song bà Nga đề nghị cân nhắc kỹ về phạm vi điều chỉnh, trong đó quan tâm hơn đến chính sách cho bộ đội biên phòng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị phải xác định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn từng lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng, tránh trùng lắp và phát huy hiệu quả công tác phối hợp, tránh dễ làm khó bỏ trong bảo vệ biên giới.
Làm rõ thêm về cơ chế chính sách cho bộ đội biên phòng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, bộ đội biên phòng là lực lượng quan trọng trong lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam, là nòng cốt, chuyên trách bảo vệ biên giới quốc gia, những chiến sĩ quân hàm xanh đi đầu trên biên giới giúp dân, sống cùng dân nên cần có chính sách cụ thể.
“Bộ đội biên phòng phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, sống cùng dân, lấy biên cương Tổ quốc là nhà…nên phải làm rõ chính sách của nhà nước với lực lượng này. Mùa dịch này, biên phòng cũng vất vả lắm, phải ngủ lán trại ngay những đường mòn lối mở chứ có được ở trong đồn đâu. Đồn là nhà, nhưng có được sống trong đồn đâu”, bà Ngân nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ, bổ sung, tiếp thu hoàn chỉnh dự án luật, đảm bảo chất lượng trước khi trình ra Quốc hội. Trong đó, bà Ngân lưu ý tính hợp hiến, phù hợp đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.