Lai Châu – phên dậu vững bền

Khởi nguồn chương trình ‘Con nuôi đồn Biên phòng’

TP - Đồng bào các dân tộc xã Thu Lũm (Mường Tè, Lai Châu) vẫn còn nhiều khó khăn; bao em nhỏ phải khép lại ước mơ đến trường. Thấu hiểu điều đó, từ năm 2009 đến nay, đồn Biên phòng Thu Lũm (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu) đã nhận nuôi, giúp các em học tập. Mô hình này đã được nhân rộng ra toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng.

Chỉ cho các em hũ gạo là chưa đủ

Nhấp chén chè nóng hổi trong tiết trời se lạnh, sương giăng phủ kín trời mùa xuân biên giới, Thiếu tá Cao Văn Quý, Chính trị viên đồn Biên phòng Thu Lũm cho biết, Thu Lũm là xã biên giới xa nhất của huyện Mường Tè, có đồng bào dân tộc Hà Nhì, Dao, La Hủ sinh sống. Địa hình hiểm trở, đất đai khô cằn, giao thông đi lại khó khăn nên Thu Lũm vẫn là một trong những xã khó khăn, nhiều gia đình không có điều kiện cho các con đến trường.

Thấu hiểu những khó khăn của đồng bào, đơn vị đã có nhiều chương trình giúp dân giảm bớt khó khăn. Chia sẻ về cơ duyên đón các cháu về đơn vị nuôi dạy, Thiếu tá Cao Văn Quý cho biết, năm 2009, trong quá trình khảo sát thực hiện mô hình “Hũ gạo tình thương” giúp các gia đình nghèo, đói trên địa bàn, đơn vị đã phát hiện rất nhiều em nhỏ ham học, nhưng rơi vào hoàn cảnh éo le mồ côi cha hoặc mẹ, có em mồ côi cả cha và mẹ không có điều kiện tiếp tục đi học.

Để giúp các cháu ổn định cuộc sống, có điều kiện học tập, ban chỉ huy đơn vị thời kỳ đó đã thảo luận và đi đến thống nhất sẽ chọn ra một số cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhất, có mong muốn tiếp tục được đến trường về nuôi, chăm sóc tại đơn vị. Đồng thời, đơn vị báo cáo với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu và thực hiện các thủ tục pháp lý nhận nuôi 2 cháu Mạ Mò Hà và Sừng Sú Xá.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho các em sinh sống và học tập, đơn vị dành riêng cho các em một phòng riêng. Đơn vị phân công đồng chí Chính trị viên phó trực tiếp phụ trách chung, Chi đoàn phụ trách việc dạy học cho các em; Trung đội Vũ trang phụ trách giúp các em rèn luyện, tham gia tăng gia, làm các việc nhỏ trong đơn vị. Sau 12 năm, đơn vị đã nhận nuôi 8 cháu và những cháu đầu tiên được đơn vị nuôi dưỡng đã học hết bậc Trung học phổ thông, nay đã trưởng thành, trở thành những người đàn ông trụ cột trong gia đình.

Khởi nguồn chương trình ‘Con nuôi đồn Biên phòng’ ảnh 1

Cán bộ Đồn Biên phòng Thu Lũm dẫn các “con” tới trường

Ba cháu đơn vị nhận nuôi đợt 2 hiện đang theo học lớp 11, Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú huyện Mường Tè. Đầu năm 2021, đơn vị tiếp tục nhận nuôi 3 cháu Sừng Phí Giá, Lò Xú Tư và Goàng Xì Xá đang học tại Trường Trung học cơ sở xã Thu Lũm.

“Chất” của con nhà binh

Đến phòng ở, cũng là nơi học tập của các cháu “con nuôi” Đồn Biên phòng Thu Lũm mới thấy hết sự ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ của “con nhà binh”. Chăn, màn, góc học tập được các cháu được xếp gọn gàng. Cháu Sừng Phí Giá hiện đang là học sinh lớp 8, Trường Trung học cơ sở Thu Lũm chia sẻ: “Bố em mất sớm, một mình mẹ không thể gánh vác được công việc nương rẫy và lo toan cuộc sống gia đình nên em đành gác lại chuyện học tập để phụ giúp mẹ làm rẫy và chăm sóc các em. Nhờ các chú bộ đội, thấu hiểu hoàn cảnh và nhận cháu về nuôi, cho cháu ăn học để mai này có kiến thức, xây dựng tương lai”, Giá nói.

Sau hơn 2 năm được về sinh sống, học tập tại đồn, Giá được các “bố” chăm sóc chu đáo, gần gũi, ân cần dạy bảo từ nếp sinh hoạt đến việc học tập. Giá có sự tiến bộ rất nhiều và quen với nếp sống của người lính. “Thời gian được các “bố” chăm sóc, dạy bảo, cháu mới biết rằng, đồng bào mình đang có nhiều tập quán, sinh hoạt, sản xuất lạc hậu. Được các bố, các chú định hướng, cháu sẽ cố gắng học thật tốt để sau này trở về bản cùng với bà con thay đổi cuộc sống, phát triển chăn nuôi, trồng trọt để có cuộc sống tốt hơn” - Giá hứa.

Khởi nguồn chương trình ‘Con nuôi đồn Biên phòng’ ảnh 2

Các con nuôi đồn Biên phòng tăng gia sản xuất cùng các chiến sĩ

Khi nhận nuôi các cháu Đồn Biên phòng Thu Lũm, ngoài việc trích kinh phí tăng gia sản xuất, đơn vị còn vận động kinh phí mua sắm xe đạp, các vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, học tập, nâng cao đời sống cho các con nuôi. Cháu Goàng Xì Xá, học sinh lớp 6 Trường Trung học cơ sở Thu Lũm xúc động chia sẻ: “Từ khi được các chú, các bác nhận nuôi, cháu không còn phải lo từng bữa ăn như trước. Giờ cháu chỉ chú tâm học tập tốt, xứng đáng với công ơn giúp đỡ của các bác, các chú”.

Theo Đại tá Phan Hồng Minh, nguyên Chính ủy BĐBP Lai Châu, năm 2009, Đồn Biên phong Thu Lũm khởi động nhận nuôi 2 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có ý chí vươn lên trong học tập. Đến năm 2013, trên cơ sở đề xuất của Đoàn thanh niên, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu đã chấp thuận đề án về mô hình “Nâng bước em tới trường” và báo cáo, đăng ký với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và được chấp thuận. Sau đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường” và sau này là mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” trong toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng. Ông Trần Đức Hiển, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Tè cho hay, việc làm của người lính quân hàm xanh đã trở thành một cử chỉ rất đẹp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được chính quyền đánh giá cao và được nhân dân ngày càng tin yêu.

Sự dạy bảo của cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Thu Lũm dần xây dựng cho các cháu những ước mơ, phấn đấu trong cuộc sống và trở thành những công dân có ích cho xã hội. Chúng tôi đến thăm quán cắt tóc của Mạ Mò Hà ở trung tâm xã Thu Lũm, mới thấy được sự dạy dỗ của cán bộ biên phòng đối với các con nuôi chu toàn như thế nào. Mạ Mò Hà cho biết, bố em mất sớm, mẹ bị bệnh liệt nửa người và mất lúc em học lớp 7. “Lúc mẹ mất, mọi công việc đều được các “bố” lo lắng như người họ hàng ruột thịt, giúp em vượt qua nỗi đau khi không còn cha mẹ. Quá trình nuôi dưỡng của các “bố” giúp em trưởng thành, xây dựng cho em có được ý chí vươn lên trong trong cuộc sống”, Hà chia sẻ.

Sau khi học xong lớp 12, thay vì thi vào đại học Hà đã chọn nghề cắt tóc mà mình yêu thích. Sau 3 năm học nghề tại Hà Nội, năm 2021, Hà về quê lấy vợ, sinh con và mở quán cắt tóc. Hiện công việc của Hà ổn định, lượng khách đông, thu thập 10 triệu đồng mỗi tháng.

(Còn nữa)

Tin liên quan