Những năm 1980 – 1990, dưới đỉnh Sơn Bạc Mây thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ có một bản người Mông tên Sin Suối Hồ quanh năm bị sương núi và khói thuốc phiện bao phủ.
Cả bản đều là hộ nghèo “bền vững”, quanh năm chỉ trông chờ vào vụ lúa duy nhất, hết mùa lại hò nhau vào rừng hái thảo quả, tìm phong lan, địa lan,…Trong nhà, ngoài ngõ gia súc, gia cầm thả rông khắp nơi. Trẻ em không được đến trường mà phải vội đi lấy chồng, lấy vợ.
Ngoài vườn, trên rẫy đâu đâu cũng trồng cây thuốc phiện, từ người già đến người trẻ, cả trai lẫn gái đều nghiện hút. Cuộc sống vì thế mà quẩn quanh trong cái đói, cái nghèo, bệnh tật, tệ nạn đeo bám.
Thời ấy, bà con trong bản đi chung đường với trâu, lợn nên đường đi lầy đến đầu gối, cả năm không có một người lạ nào bước chân đến.
Chứng kiến bà con ngày càng nghèo đói vì ma túy và tệ nạn, chàng trai Hẳng A Xà năm ấy mới 20 tuổi đã cùng trưởng bản là Vàng A Chỉnh, kết hợp với Vàng A Trứ cũng như Chàng A Hảng tìm cách cai nghiện cho bà con.
“Tại sao các dân tộc khác đi lên được mà người Mông ở Sin Suối Hồ lại không phát triển được. Một bản biên giới đói nghèo và lạc hậu phải làm gì để thể hiện được trách nhiện, góp phần giúp Đảng và Nhà nước bảo vệ chủ quyền dân tộc.
Rồi chúng tôi nghĩ, để giúp được ai đó thì trước hết cuộc sống của người dân bản phải đàng hoàng trước đã. Và điều ấy giống như một ngọn lửa luôn thôi thúc chúng tôi phải nghĩ cách làm thế nào để thay đổi cuộc sống cho bà con”, A Xà chia sẻ.
Từ đó, bản Sin Suối Hồ rẽ sang một con đường mới, hứa hẹn tươi sáng và ấm no hơn…
Theo lời Hẳng A Xà, sau khi xác định tư tưởng, ông và những người khác tìm cách cai nghiện cho cho bà con. Và phải mất 10 năm (1995 – 2005) bà con bản Sin Suối Hồ mới cai xong thuốc phiện, thuốc lào và rượu.
5 năm tiếp theo (2005 – 2010), bà con bản Sin Suối Hồ dùng để thay đổi tư duy. Bởi những người Mông dưới đỉnh Sơn Bạc Mây nghĩ rằng con người nếu không có tư duy thì cho dù có sức khỏe và giàu sang đến mấy cũng khó đưa cuộc sống văn minh và phát triển hơn được.
Đến năm 2010, sau khi thay đổi được tư duy cơ bản, bà con Sin Suối Hồ lại dùng 5 năm nữa để làm mặt bằng. Theo lời A Xà, nếu đã thay đổi tư duy được rồi, thì phải làm một con đường vào bản để đưa Sin Suối Hồ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, cũng như để người bên ngoài mang ánh sáng văn minh đến với bản.
Sau đó, cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, một con đường bê tông khang trang đã hoàn thành ở bản Sin Suối Hồ. Tiếp đến, người bản cùng nhau vệ sinh môi trường. Di chuyển chuồng gà, chuồng lợn ra vị trí đảm bảo vệ sinh, tu sửa, cải tạo nhà cửa và tuyên truyền kĩ năng sống cho nhau.
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ hơn 2 thập kỉ, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc giúp đỡ của các cấp chính quyền, đến năm 2015, bản Sin Suối Hồ đã được tỉnh Lai Châu công nhận là Khu du lịch cộng đồng.
Ngay sau đó, cả bản Sin Suối Hồ lại họp, họ cùng nhau thống nhất dùng 5 năm tiếp theo (2015 – 2020) để đào tạo nhân lực phục vụ du lịch.
Họ cử ra 10 nhóm, mỗi nhóm 12 người đi học lái ô tô, hướng dẫn viên, học nấu món châu Âu, học nấu món châu Á, học lễ tân, dọn phòng, học pha chế, học Tiếng Anh, học văn hóa nghệ thuật,…ở các trường trung cấp. Năm 2019, sau khi đi thực tập ở các khách sạn từ 4 – 5 sao trên cả nước, hoàn thành việc học tập, các nhóm này quay trở lại bản để phát triển du lịch.
Ngày 18/11/2020, bản Sin Suối Hồ vinh dự được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019”.
Mới đây, trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 tại Indonesia, điểm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ cũng vinh dự được nhận giải ở Hạng mục Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3.
P |
Chia sẻ về việc này, trưởng bản Vàng A Chỉnh nói: Để được nhận giải thưởng này, tôi và bà con đã có rất nhiều nỗ lực trong việc phát triển và quảng bá hình ảnh du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ tới du khách và được phản hồi tích cực từ khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm.
“Người ta làm hiện đại bao nhiêu thì Sin Suối Hồ làm đơn sơ bấy nhiêu. Nếu bên ngoài tràn lan thực phẩm bẩn bao nhiêu thì ở bản chúng tôi làm hàng hóa chất lượng và đảm bảo nguồn gốc bấy nhiêu. Bởi chúng tôi mong muốn tạo ra những sản phẩm về du lịch, dịch vụ chất lượng để đem hạnh phúc đến cho nhiều người hơn khi họ đặt chân đến với người Mông ở Sin Suối Hồ", Hẳng A Xà, bản Sin Suối Hồ.
Theo lời A Xà, A Chỉnh, phương hướng của Sin Suối Hồ những năm tới là phát triển du lịch canh nông, vừa làm du lịch vừa làm nông nghiệp. Làm du lịch theo hướng bám sát bản sắc văn hóa của dân tộc.
Cuối cùng, A Xà bày tỏ: "Chúng tôi muốn cảm ơn Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền đã quan tâm và giúp đỡ cho bản chúng tôi có cơ hội để làm được những điều thật tuyệt vời".
Sin Suối Hồ nằm ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển ở xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu nên quanh năm khí hậu luôn mát mẻ. Tới du lịch Sin Suối Hồ, du khách sẽ được đắm chìm trong không gian văn hóa, nghệ thuật độc đáo của bà con người Mông, được chiêm ngưỡng sự kì vĩ của những thửa ruộng bậc thang, Thác Tình Yêu, Thác Trái Tim... Đặc biệt, tại đây đã có nhà hàng, homestay cộng đồng và nhà tổ chim, quán cà phê sạch sẽ, tiện nghi phục vụ du khách.