Máy bay QZ8501 rơi do bị đóng băng

Các thợ lặn ở cảng Kumai chuẩn bị tìm kiếm thi thể nạn nhân và mảnh vỡ máy bay QZ8501. Ảnh: Channel News Asia.
Các thợ lặn ở cảng Kumai chuẩn bị tìm kiếm thi thể nạn nhân và mảnh vỡ máy bay QZ8501. Ảnh: Channel News Asia.
TPO - Nguyên nhân khả dĩ nhất khiến chiếc Airbus A320-200 rơi xuống biển Indonesia là lớp mây lạnh bao phủ máy bay đã làm hỏng động cơ, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia tuyên bố.

Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia đưa ra kết luận trên trong một báo cáo dài 14 trang, theo đó máy bay có khả năng bị đóng băng, ảnh hưởng hệ thống điều chỉnh nhiệt của máy bay, dẫn tới hỏng động cơ.

Tuy nhiên, cơ quan này lưu ý, đây chỉ là kết luận sơ bộ dựa trên dữ liệu hiện có về vị trí máy bay trước khi mất liên lạc và điều kiện thời tiết dọc đường bay của chuyến bay QZ8501, không phải là kết luận cuối cùng về nguyên nhân vụ tai nạn.

Đêm 2/1/2015, Bộ GTVT Indonesia tuyên bố đã đình chỉ tuyến bay Surabaya- Singapore của hãng hàng không giá rẻ AirAsia vì đã có sự vi phạm về thỏa thuận. AirAsia Indonesia chỉ được bay trên tuyến Surabaya- Singapore vào thứ Hai, thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy. Tuy nhiên, hãng cũng đã bay vào Chủ nhật. Chuyến bay gặp nạn khởi hành sáng Chủ nhật, ngày 28/12/2014.

Tất cả hành khách bị ảnh hưởng (mua vé, đặt vé bay vào Chủ nhật) sẽ được bố trí đi trên chuyến bay khác, Bộ GTVT Indonesia thông báo.

Sáng 3/1/2015, việc tìm kiếm thi thể nạn nhân và mảnh vỡ máy bay xấu số tiếp tục bị thời tiết xấu cản trở. Các đội tìm kiếm, trục vớt đang phải đương đầu biển động với các con sóng cao tới 4m, tốc độ gió 20-30 knot (khoảng 37-56km/h), Tư lệnh Hải quân Malaysia, ông Abdul Aziz Jaafar, viết trên mạng xã hội Twitter.

Ngày 3/1/2015, khu vực tìm kiếm dưới nước có kích thước 57 x 10 hải lý (105,6 km x 18,5 km), ông Jaafar thông báo.

Tính đến sáng 3/1/2015, có 30 thi thể được trục vớt; 65 tàu, 14 máy bay và 19 trực thăng tham gia chiến dịch tìm kiếm quốc tế. Đuôi máy bay được phát hiện ở độ sâu 29m, chỉ huy tàu hải quân Indonesia Bung Tomo thông báo.

Nhiều máy bay được trang bị thiết bị dò kim loại cũng rà soát khu vực rộng 13.500 km2 ở ngoài khơi thành phố Pangkalan Bun, trong khi nhiều tàu đến từ Indonesia, Malaysia, Singapore, Mỹ có mặt ở khu vực tìm kiếm từ sáng 2/1/2015, Cơ quan Tìm kiếm – Cứu nạn Quốc gia Indonesia thông báo.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.