Lương thấp, nhiều giáo viên bỏ nghề, lãnh đạo Bộ GD&ĐT nói ‘rất quan tâm’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bên cạnh mức thu nhập thấp, nhiều giáo viên còn đối diện với nhiều áp lực. Chính vì thế, sau dịch COVID-19 hàng nghìn giáo viên ở các tỉnh  đồng loạt xin nghỉ việc khiến nhiều trường "lao đao". 
Lương thấp, nhiều giáo viên bỏ nghề, lãnh đạo Bộ GD&ĐT nói ‘rất quan tâm’ ảnh 1

Sau giờ dạy giáo viên đi may thuê, đi ship hàng

Sau giờ dạy nhiều giáo viên đi may thuê, đi ship hàng

Sau 3 tháng hè, năm học mới đã chính thức trở lại. Với không ít giáo viên, nhất là giáo viên có thâm niên ít hay giáo viên hợp đồng, ngoài công việc vất vả trên trường dạy họ lại phải làm thêm để kiếm sống.

Thực tế hiện nay, rất nhiều giáo viên sau giờ dạy phải làm thêm các việc "tay trái". Có giáo viên bán hàng online, có người hành nghề thợ may để trang trải cuộc sống.

Bán đồ gia dụng, rau cỏ, mật ong, thuốc thảo dược, thuốc, nhuộm tóc, lá xạ đen,… là những mặt hàng được cô Nguyễn Thị Luyên- một giáo viên dạy môn Kĩ thuật Nông nghiệp ở một trường THPT ở Hà Nội chào bán hàng ngày trên trang cá nhân.

Cô Luyên thừa nhận về lương so với các đơn vị sự nghiệp nhà nước thì giáo viên không thấp. Tuy nhiên, nếu là giáo viên ở các môn phụ, giáo viên hợp đồng không thể dạy thêm mà chỉ dựa vào lương để trang trải cuộc sống thì không thể đủ tiêu.

"Tròn 20 năm trong nghề, tổng thu nhập mức lương của cô hàng tháng xấp xỉ 11 triệu đồng"- cô Luyên chia sẻ.

Cô Luyên cho rằng, với nghề giáo viên không thể tính trên số tiết thực dạy, cũng không thể tính một ngày làm bao nhiêu giờ như các công việc khác. Ngoài thời gian dạy trực tiếp trên lớp thì thời gian dành cho bài vở, giáo án, chấm bài,....là công việc đặc thù nhưng khó có thể đong đếm.

Cô Nguyễn Thị Linh, giáo viên dạy tin của một trường Tiểu học ở khu vực ngoại thành Hà Nội cho biết, dù đã có 15 năm trong nghề nhưng mức lương hiện tại nhận về là hơn 5 triệu đồng mà công việc bận “hơn con mọn”, hết sức vất vả.

Cô Linh cho biết, cách đây vài năm khi mức lương nhận được chỉ được xấp xỉ 4 triệu đồng, cô đã nhận đi bán hàng cho một cửa hàng bán đồ nhập khẩu gần nhà. Tuy nhiên, bán hàng ngày nào cũng từ 5h chiều đến 10h tối khiến con cái bỏ bê, không có người đun nấu cho con nên dù thiếu thốn, vợ chồng cô cũng bàn nhau phải bỏ công việc làm thêm, đành tiêu tằn tiện để đủ nuôi hai đứa con ăn học.

Còn cô Nguyễn Thị Vân, một giáo viên dạy môn Ngữ văn ở Hà Nội cho rằng, cô có thâm niên tới 24 năm dạy hợp đồng mà mỗi tháng chỉ nhận được vẻn vẹn khoảng 2,8 triệu đồng. Cô đành ở nhà làm may phụ chồng mới đủ tiền chi tiêu thêm.

Chia sẻ việc lí do khiến nhiều giáo viên bỏ việc, cô Vân cho rằng, với không ít người, nguyên nhân không chỉ vì thu nhập không đủ sống.

"Tôi còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp vì chồng ở nhà có nghề, cứ sau thời gian ở trường về. Chứ nhiều đồng nghiệp của tôi bán hàng online, làm thêm xa nhà thì vất vả vô cùng mà thu nhập phập phù"- cô Vân chia sẻ.

Nhiều đồng nghiệp bỏ việc bởi với mức lương quá thấp mà bị bủa vây chịu áp lực từ nhiều phía. Đó là áp lực từ cấp trên, áp lực từ phụ huynh, áp lực từ cả học sinh,...

"Chính lương thấp, cơ hội vào biên chế bằng không khiến tôi luôn mệt mỏi. Thu nhập tháng được không đến 3 triệu đồng mà đôi khi có cả sự không trân trọng cũng như “rủi ro” trong nghề thì đúng là nhiều đồng nghiệp bỏ nghề cũng đúng thôi"- cô Vân chia sẻ.

Nhiều tỉnh giáo viên xin nghỉ dạy.

Ngoài vấn đề thiếu giáo viên, một trong những nỗi lo của ngành giáo dục đó là giáo viên xin nghỉ nhiều.

Từ năm 2020 đến nay, ngành giáo dục tỉnh Đồng Nai có hơn 1.200 giáo viên xin nghỉ. Giáo viên xin nghỉ nhiều ở bậc mầm non, tiếp đến là tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Lý giải nguyên nhân, ông Đỗ Đăng Bảo Linh- Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai cho hay, thu nhập của giáo viên, nhân viên còn thấp, đặc biệt là ở cấp học mầm non. Tình yêu trẻ, yêu nghề là một yếu tố quan trọng giúp người thầy chọn nghề này, tuy nhiên tình cảm thôi cũng chưa đủ, vì họ còn phải lo toan cuộc sống.

Thêm nữa, công việc của giáo viên mầm non đòi hỏi phải làm việc trong thời gian dài, áp lực từ xã hội, từ phụ huynh học sinh,... càng thêm lý do khiến giáo viên xin nghỉ việc.

Ngoài ra, theo vị Phó giám đốc Sở này, giáo dục dần đổi mới, dưới áp lực của việc thay đổi chương trình, những giáo viên ngại thay đổi, không cập nhật kịp nên xin nghỉ việc.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 mới đây, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương Nguyễn Thị Nhật Hằng cho biết các cấp học mầm non, tiểu học của địa phương thiếu nhiều giáo viên so với quy định. Trong hơn 1 năm qua, 527 giáo viên ở Bình Dương xin nghỉ việc.

Năm học này, tỉnh Đồng Nai thiếu gần 2.500 giáo viên. Còn ngành Giáo dục tỉnh Bình Dương đang thiếu giáo viên trầm trọng cho năm học mới. Dự kiến năm học 2022-2023 thiếu 3.102 giáo viên.

Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, dẫn thực trạng tại địa phương: Trong năm học 2022-2023, Nghệ An vẫn thiếu trên dưới 6.000 giáo viên. Với tình trạng này, việc triển khai và bảo đảm chất lượng Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 sẽ gặp nhiều khó khăn.

Năm học 2022-2023, Thanh Hóa thiếu 10.276 giáo viên các cấp học (tỉ lệ thiếu 19%) theo quy định của Bộ GD-ĐT. Còn tại Cà Mau, năm học 2022 - 2023 khi tiếng Anh, tin học trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3, tỉnh thiếu khoảng 100 giáo viên dạy tin học nhưng lại không thể tuyển vì không có biên chế. Trước mắt, tỉnh phải liên kết với các trường dạy nghề để hợp đồng có thời hạn giáo viên dạy bộ môn này.

16.000 giáo viên bỏ việc, lãnh đạo ngành rất trăn trở

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT đưa ra tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 diễn ra giữa tháng 8 vừa qua, tính đến năm học vừa qua có 1,6 triệu giáo viên các cấp. Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm số giáo viên nghỉ việc, chuyển việc chiếm tỷ lệ khoảng trên 1% so với tổng số giáo viên mầm non và phổ thông trong cả nước.

Ông Đức cho rằng, tỷ lệ này so với các ngành nghề khác tuy không quá bất thường nhưng lãnh đạo ngành giáo dục hết sức trăn trở.

"Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng chính sách tiền lương mới, trong đó lương của nhà giáo sẽ được trả tương xứng tính chất mức độ phức tạp của công việc, đặc thù nghề nghiệp và không thấp hơn mức lương hiện hưởng" - ông Đức thông tin.

Ngoài chính sách tiền lương chung của Nhà nước, các địa phương cần căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc cho GV. Đồng thời, có chính sách cải thiện điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, tạo động lực cho cán bộ, GV cống hiến và gắn bó với nghề, chú trọng hỗ trợ và trao quyền cho GV, cán bộ quản lý giáo dục thông qua các cơ hội phát triển liên tục trong nghề nghiệp.

MỚI - NÓNG