Bắt bệnh không trung thực trong giáo dục, bài 2: Méo mó từ phụ huynh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau mỗi kì thi và kết thúc năm học, cũng là thời điểm nở rộ “phong trào” các phụ huynh mang “của để dành” ra khoe bảng điểm, thành tích trên mạng xã hội.

Từ hội chứng nghiện “khoe” con

Nhiều phụ huynh có thói quen và cảm thấy hãnh diện khi đưa bằng khen, giấy khen, bảng điểm, thành tích học tập của con lên mạng xã hội. Một số phụ huynh khoe ảnh con tốt nghiệp tiểu học với bộ trang phục xúng xính cân đai như... tiến sĩ ngày xưa.

Nhiều người cho rằng đó là việc làm bình thường, thậm chí là tốt, việc chia sẻ thành công của con là tạo động lực cho con, đồng thời cũng là niềm hãnh diện chính đáng của bố mẹ. Thích khen và thích động viên cũng là tâm lý chung của mọi người. Thời điểm kết thúc năm học, trên mạng xã hội lại bội thực các loại lời khen vì phụ huynh khoe các loại thành tích của con. Từ kỳ thi cấp nọ, cấp kia đến các giải thưởng lớn nhỏ, điểm thi học kỳ cho đến kỳ thi vượt cấp.

Bắt bệnh không trung thực trong giáo dục, bài 2: Méo mó từ phụ huynh ảnh 1

Nhiều đề tài nghiên cứu của học sinh ở mức tiến sĩ mới thực hiện được

Không những thế, thời gian gần đây, việc khoe con còn được ẩn dưới những lời chúc mừng rất khách quan của những người quản lý nhóm facebook tập hợp đông đảo phụ huynh. Những lời nhắn ngọt ngào cứ tưởng như khách quan ấy được ẩn giấu một cách tinh vi dưới tâm lý thích khoe con của phụ huynh. Bởi “chuyện trong nhà” nếu phụ huynh không khoe với người quản lý nhóm, sao họ biết để chúc mừng.

Những đề tài nghiên cứu của học sinh ngang tầm luận văn thạc sĩ còn luận án tiến sĩ lại ngang tầm khóa luận tốt nghiệp là những “ngang trái, chéo ngoe” trong ngành giáo dục hiện nay.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH quốc gia Hà Nội, cho hay, trong cộng đồng đang xuất hiện một thuật ngữ mới, đó là “sharenting” (thể hiện việc cha mẹ chia sẻ quá mức những thông tin của con cái mình dưới dạng ảnh, video và các câu chuyện riêng tư thể hiện trong các dòng trạng thái của cha mẹ trên các mạng xã hội)… Điều này cho thấy xu hướng “khoe” con đang trở nên ngày càng lan rộng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà các bậc phụ huynh không ý thức rõ ràng lắm.

“Việc khoe con của phụ huynh không chỉ giới hạn ở việc khoe thành tích của con mà còn là việc “khoe” mọi thứ có vẻ kỳ lạ, bắt trend của con để các video clip của cha mẹ trở nên thịnh hành hơn trên mạng xã hội. Theo một nghiên cứu thì có khoảng 77% phụ huynh đã từng có hành động “khoe” con trên mạng xã hội với các hình ảnh, video và các dòng trạng thái bình luận và 81% sử dụng tên thật của con cái khi đăng bài về chúng”, PGS Trần Thành Nam nói.

Ông cho rằng nhiều cha mẹ khoe thành tích của con lên mạng mà không biết rằng chính con mình “bị khen”, chứ không phải được khen. Ngoài ra, PGS Nam khẳng định, việc khoe điểm của con lên mạng đôi khi cũng bộc lộ tâm thế của cha mẹ đang hoang mang chưa biết cách làm cha mẹ tốt.

Đến biến con thành “diễn viên”

PGS Nguyễn Thành Nam cho biết khi chủ đề nuôi dạy con, việc khoe con trở thành một nguồn doanh thu chính của cha mẹ thì sẽ dẫn đến nhiều tình huống “phải diễn” để có được những nội dung “tuyệt vời” đáp ứng thị hiếu và giúp cho những nội dung đăng của cha mẹ trở nên lan tỏa rộng hơn. “Và tất nhiên chúng ta hiểu những tác hại của việc diễn này với sự phát triển nhân cách của con cái, đó có thể là bệnh hình thức và thói giả dối khi lớn lên”, PGS Trần Thành Nam chia sẻ.

Theo TS Nguyễn Tiến Long, giáo viên tại Hệ thống giáo dục Tân thời đại, cũng nêu một thực tế về chuyện “chạy giải” các cuộc thi hiện nay nhằm phục vụ xét tuyển ĐH. Ông cho biết có những địa phương đưa ra mức giá cụ thể đối với phụ huynh để tìm tới các “nguồn cung cấp”. Nhất là các cuộc thi về Stem hoặc Khoa học kỹ thuật. Đôi khi học sinh chỉ cần học thuộc hoặc trả lời vài câu theo bộ hỏi đáp đã được rào trước để đi thi.

Ghi nhận từ thực tế của phóng viên cho thấy cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia đã tổ chức được 10 năm, những năm gần đây, các giải cao của cuộc thi luôn nhận được rất nhiều băn khoăn của xã hội. Ví dụ một số dự án đoạt giải nhất kỳ thi Khoa học kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2021-2022 bị cho là vượt quá tầm của học sinh phổ thông. Ngoài ra, những đề tài này còn bị nghi giống các luận văn thạc sĩ đã được bảo vệ trước đó.

Dự án “Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây lá khôi (Ardisia gigantifolia)” của học sinh Trường THPT chuyên Thái Nguyên, đoạt giải nhất.

Đề tài này được cho là rất giống luận văn thạc sĩ sinh học ứng dụng "Nghiên cứu tác động của dịch chiết lá khôi (Ardisia gigantifolia Stapf.) lên sự biểu hiện của các gene kiểm soát chu kỳ tế bào của tế bào gốc ung thư dạ dày" được bảo vệ năm 2019 tại ĐH Thái Nguyên. Tương tự, dự án "Tăng cường hoạt tính quang xúc tác xử lý ô nhiễm môi trường nước của g-C3N4 bằng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt" của học sinh THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội, rất giống với luận văn thạc sĩ "Tổng hợp và đánh giá hoạt tính quang của vật liệu xúc tác trên cơ sở g-C3N4" được thực hiện và bảo vệ tại ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2018.

Điều đáng nói là g-C3N4 không phải là chất có sẵn. Trong luận văn thạc sĩ, từ nguyên liệu ban đầu là melamin (C3H6N6), tác giả phải nung ở 5000C trong 3 giờ dưới dòng N2 khô, thu được chất nền là graphitic cacbon nitride g-C3N4.

Cấu trúc của g-C3N4 và Cu2O/g-C3N4 được nghiên cứu bằng phương pháp phân tích phổ nhiễu xạ tia X (XRD), phương pháp phân tích phổ hồng ngoại (IR), đặc trưng cho tính chất quang được khảo sát bằng máy UV-VIS pha rắn, xác định bề mặt riêng và phân bố lỗ bằng phương pháp BET...

MỚI - NÓNG