Chi hội Nữ trí thức phối hợp với Ban liên lạc Cựu nữ sinh Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội tổ chức tọa đàm “GS. TS. NGND Đặng Kim Chi, Nhà khoa học nữ vì môi trường”. Đây là hoạt động đầu tiên, dự kiến nằm trong chuỗi các hoạt động tôn vinh những đóng góp của nữ trí thức, nữ cựu sinh viên ĐHBK Hà Nội.
GS Đặng Kim Chi (người bên phải) trong phòng thí nghiệm của ĐHBK Hà Nội. Ảnh: Hust |
GS. NGND Đặng Kim Chi, cựu sinh viên K11, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Môi trường (nay là Trường Hóa và Khoa học sự sống), ĐHBK Hà Nội.
GS Đặng Kim Chi từng nhận Giải thưởng Kovalevskaia và giải thưởng Nhân tài Đất Việt, là một trong những người đặt nền móng cho Khoa học môi trường tại ĐHBK Hà Nội, người thầy của nhiều thế hệ sinh viên, giảng viên.
Đến với tọa đàm, GS Kim Chi chia sẻ con đường đến với ĐHBK Hà Nội và khoa học môi trường, cũng như những kinh nghiệm trong sự nghiệp và cuộc sống để luôn thành công, hài hòa trong công việc và gia đình.
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học, bà là con gái của GS.BS Đặng Vũ Hỷ, một trong những nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ (năm 1996). Ngay từ hồi nhỏ, bà đã sớm nuôi dưỡng cho mình một ý chí, nghị lực phấn đấu học tập không ngừng nghỉ những mong thành công trong sự nghiệp sau này.
Năm 1971, GS Kim Chi tốt nghiệp Khoa Hoá, Trường ĐHBK Hà Nội (nay là ĐHBK Hà Nội) với tấm bằng loại ưu. Sau đó, bà được giữ lại làm giảng viên của trường và tiếp tục được cử sang Cộng hoà Dân chủ Đức làm nghiên cứu sinh về chuyên ngành kỹ thuật bảo vệ môi trường.
Năm 1982 sau khi về nước, bà cùng 5 người khác đã tạo thành một nhóm chuyên gia về kỹ thuật bảo vệ môi trường đầu tiên của Trường ĐHBK Hà Nội.
Vào thời điểm đó, đất nước còn khó khăn về kinh tế, vấn đề môi trường chưa được chú trọng. Nhưng bà vẫn chọn con đường này vì biết rằng đất nước sẽ rất cần những nhà khoa học, những kỹ sư bảo vệ môi trường khi bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, một trong những hướng nghiên cứu trọng tâm của GS Kim Chi là môi trường làng nghề. Bởi Việt Nam là đất nước có nhiều làng nghề, nhưng sự ô nhiễm trong quá trình sản xuất đang làm mất dần đi vẻ đẹp của nhiều làng quê, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của nhân dân. Một trong số những đề tài nghiên cứu về môi trường làng nghề do GS Kim Chi chủ biên được đánh giá cao và có ảnh hưởng lớn đó là đề tài mang mã số KC.0908: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách và biện pháp giải quyết vấn đề môi trường ở làng nghề Việt Nam”.
Đề tài này đã mở ra hướng nghiên cứu mới về môi trường ở Việt Nam, từ đó giúp cải thiện môi trường tại các làng nghề , các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp nằm trong vùng nông thôn với đặc điểm riêng về truyền thống văn hóa, xã hội tồn tại ở quy mô làng, xã còn gắn với sản xuất nông nghiệp và hệ tư tưởng của người nông dân.
Xuyên suốt chặng đường gần 50 năm miệt mài cống hiến cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS.TS Đặng Thị Kim Chi, đã làm chủ nhiệm và tham gia 43 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, công bố trên 82 bài báo khoa học, đồng tác giả của 1 bằng sáng chế (về “Quy trình điều chế chất xúc tác spinel nikel nhôm, sản phẩm xúc tác spinel nikel nhôm sử dụng cho phản ứng khử chọn lọc xúc tác đối với khí NO trong khí thải”). Bà cũng là tác giả và đồng tác giả của nhiều cuốn sách như: “Hóa học Môi trường “, ô nhiễm tồn lưu – Hiện trạng và giải pháp”, “Việt Nam - Môi trường và cuộc sống”, “Giáo trình kinh tế chất thải”, chủ biên cuốn “Làng nghề Việt Nam và Môi trường” ”…
PGS. TS Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc ĐHBK Hà Nội bày tỏ sự ấn tượng với những đóng góp của GS Kim Chi trong suốt thời gian làm việc tại nhà trường. Ông trân trọng những công trình nghiên cứu, đào tạo của GS Kim Chi, đặc biệt là việc nữ GS đã đào tạo ra nhiều kỹ sư và giảng viên chất lượng cao cho BKHN nói riêng và đất nước nói chung.
Theo GS.TS Lê Minh Thắng, Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức ĐHBK Hà Nội, mặc dù có số lượng khiêm tốn, nữ trí thức và nữ cựu sinh viên, sinh viên ĐHBK HN đã có nhiều đóng góp trong sự phát triển của ĐHBK HN và sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước. Trong đó, nhiều nhà nữ khoa học, nữ doanh nhân, nữ quản lý lãnh đạo đã có được những giải thưởng khoa học lớn, những vị trí lãnh đạo cao cấp trong chính phủ và các tập đoàn kinh tế, điển hình như: bà Nguyễn Thị Anh Nhân, nguyên TGĐ Bia Halida và từng là nguyên Trưởng ban liên lạc cựu nữ sinh ĐHBK Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Thị Hòe cựu giảng viên; GS.TS.NGND Đặng Kim Chi, nguyên phó viện trưởng Viện KH&CN Môi trường; PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên.