Theo UBND TP Cần Thơ, thông qua kết quả thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), trình độ sản xuất lúa của người dân được nâng lên; gia tăng giống lúa chất lượng cao; giảm lượng nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật so với cách canh tác truyền thống; nâng cao nhận thức người dân về giảm phát thải, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu…
Tuy nhiên, đa số nông dân vẫn dùng cách canh tác truyền thống, nên ngành lúa gạo vẫn còn những thách thức. Thu nhập của bà con nông dân trồng lúa vẫn thấp, giá trị sản xuất, lợi nhuận từ sản xuất lúa gạo tính trên đơn vị diện tích thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng, vật nuôi khác.
Ngành sản xuất lúa chịu ảnh hưởng rất lớn tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là điều kiện biến động, suy giảm về lượng nước và chất lượng nguồn nước. Đây cũng là lĩnh vực tạo khí phát thải khí nhà kính nhiều từ việc đốt rơm, ra sau thu hoạch, do chưa sử dụng hợp lý, hiệu quả các phụ phẩm này.
Cánh đồng mẫu tại Cần Thơ khởi động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp vùng ĐBSCL. Ảnh: CK |
Dự báo thị trường gạo ngày càng có nhu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, trách nhiệm với môi trường, xã hội; sản phẩm lúa gạo phải minh bạch sản xuất, truy xuất được nguồn gốc; liên kết chuỗi giá trị phải chặt chẽ, sản phẩm gạo từng bước phải xây dựng, định hình thương hiệu trong từng phân khúc thị trường.
Tại Cần Thơ, các vùng sản xuất lúa hầu hết đã có đê bao nhưng không kiên cố, phải duy tu, bảo dưỡng, gia cố hàng năm. Trạm bơm điện cũng chỉ một số vùng được đầu tư, các vùng còn lại đa số sử dụng máy bơm dầu, làm tăng phát thải. Đường giao thông nông thôn được đầu tư bê tông hóa thuận lợi cho giao thông đi lại, nhưng chưa thuận lợi cho logistics, vận chuyển máy móc, lúa ra khỏi đồng bằng đường bộ…
Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các sở ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án.
Thành phố triển khai Đề án tại 3 huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai, với diện tích thực hiện đến năm 2030 khoảng 48.000ha. Trong đó, giai đoạn 2024-2025 tập trung vào củng cố diện tích đã có của Dự án VnSAT với 38.000ha; xây dựng kế hoạch, thiết lập mã vùng trồng; tập huấn, củng cố các hợp tác xã; duy tu bảo dưỡng, xây dựng một số công trình, mô hình điểm để nhân rộng và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2026-2030.
Giai đoạn 2026-2030, xác định cụ thể khu vực trọng tâm để đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp, và mở rộng thêm 10.000ha.
Thành phố đã rà soát đầu tư nạo vét hơn 13km kênh mương, xây dựng 43 trạm bơm điện thay bơm dầu cho vùng sản xuất lúa thuộc Đề án; đầu tư 57 cầu giao thông nông thôn và 167km đường giao thông nối các vùng sản xuất phục vụ vận chuyển máy móc, hàng hóa.
Thành phố Cần Thơ tham gia Đề án với diện tích 48.000ha đến năm 2030. Ảnh: CK |
TP. Cần Thơ đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế IRRI và Cục Trồng trọt xây dựng quy trình canh tác 1 triệu ha, tổ chức lễ khởi động cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thảo thấp tại xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh (ngày 5/4). Cánh đồng mẫu áp dụng đầy đủ các tiêu chí về môi trường, giảm phát thải, tăng trưởng xanh.
Từ nay đến hết năm 2024, Cần Thơ sẽ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án; tuyên truyền Đề án đến nhân dân, tổ chức nông dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Đồng thời, khảo sát vùng tham gia Đề án đảm bảo đáp ứng các điều kiện theo tiêu chí; hệ thống thủy lợi, đê bao, bờ bao, cống điều tiết, điện phục vụ áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới bán tín chỉ các-bon.
Thành lập đội ngũ cán bộ chuyên môn tiếp thu các quy trình kỹ thuật, tài liệu do các cơ quan chuyên môn trung ương chuyển giao nhằm hỗ trợ kỹ thuật và các hoạt động chuyên môn khác cho nông dân, tổ chức nông trong quá trình triển khai thực hiện Đề án…