Bắt bệnh không trung thực trong giáo dục - Bài 3: Ma lực của bệnh thành tích

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những năm gần đây, người ta giật mình khi nhắc đến bệnh thành tích trong giáo dục, về những con số tròn trịa trong các báo cáo, về những tấm giấy khen được phát tràn lan... Căn bệnh thành tích trong giáo dục chỉ xem trọng lượng mà ít chú ý đến chất khiến người ta dễ ảo tưởng, lọc lừa dối trá.

Kết quả đối sánh điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và điểm trung bình học bạ đã cho thấy thực tế giật mình. Môn Sinh học, kết quả điểm trung bình ghi trong học bạ cho thấy, 100% học sinh của Hà Nội đạt học sinh giỏi với mức điểm gần 8,40 điểm, đứng đầu cả nước.

Ranh giới giữa thành tích và bệnh thành tích rất mong manh. Việc ghi nhận thành tích để tạo động lực cho học sinh là phù hợp nhưng không được cổ xúy học sinh và cả người lớn tư duy phải đạt được thành tích cao bằng mọi giá.

Tạo động lực cho người học là một việc làm cần thiết và đáng được khuyến khích. Tuy nhiên, động lực đó là gì thì cần nghiêm túc nhìn nhận để có cách triển khai phù hợp.

Thế nhưng thi tốt nghiệp điểm của các em đã “lao dốc không phanh” xuống mức điểm trung bình là 4,64 điểm, mức chênh lên tới gần 3,75 điểm.

Trong khi đó, trước mỗi kỳ thi tuyển sinh, năm nào Hà Nội cũng ồn ào chuyện vận động học sinh có học lực không tốt không thi vào lớp 10. Giáo viên chủ nhiệm luôn biết năng lực của từng em nên thường hướng những em có học lực yếu đi học trường dân lập hoặc học nghề để không ảnh hưởng đến chỉ tiêu của trường và lớp. Giáo viên chủ nhiệm không thô bạo theo kiểu bắt ép, dồn học sinh đến bước đường cùng nhưng cũng làm cho cả học sinh và phụ huynh thấy bất an, hoang mang trước lựa chọn của mình. Ví dụ như giáo viên chủ nhiệm sẽ gọi điện thoại trực tiếp cho phụ huynh chê bai về sức học của học sinh, rằng lực học quá kém, không thể đỗ vào trường THPT công lập có chất lượng trên địa bàn. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm nói có sẵn các bộ hồ sơ vào các trường trung cấp nghề hoặc trường THPT tư thục ở cùng địa bàn, chỉ tuyển sinh theo hình thức xét tuyển học bạ…và đề nghị phụ huynh nộp hồ sơ vào các trường ấy thay vì đăng ký dự thi vào lớp 10.

Bắt bệnh không trung thực trong giáo dục - Bài 3: Ma lực của bệnh thành tích ảnh 1

Học sinh đang là nạn nhân của bệnh thành tích. Ảnh: Nghiêm Huê

Thực trạng này năm nào cũng có và 10 năm như một, khi nhận được thông tin, Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định sẽ vào cuộc xem xét nhưng cuối cùng vẫn không “bắt” được trường nào, lớp nào tổ chức “vận động” kín phụ huynh ngăn con không thi vào lớp 10.

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, một trong những áp lực của họ, của nhà trường là thi cử; trong các tiêu chí đánh giá trường phổ thông của ngành giáo dục đều có chỉ tiêu về tỉ lệ học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt, tỉ lệ lên lớp, đỗ tốt nghiệp… Đó là những áp lực lớn đối với các nhà trường phổ thông muốn đánh giá điểm số thực chất, năng lực học tập thực chất của học sinh.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội cho rằng, hiện tượng này là có thật nhiều năm nay ở Hà Nội. Đó là “biểu hiện lâm sàng” của bệnh thành tích, nhất là các trường công lập. Hằng năm, Phòng GD&ĐT quận, huyện thống kê số học sinh lớp 9 đỗ vào lớp 10 trường THPT công lập để đánh giá “thành tích” của trường. Phòng GD&ĐT đã “thống kê thì trường THCS phải có giải pháp thiết thực để con số thống kê đó của trường mình được “đẹp” hơn”.

Gọi đây là một hành động “tàn nhẫn”, ông Khang đề nghị Bộ GD&ĐT thực sự muốn chấn chỉnh thì cần duy trì “đường dây nóng” để người dân phản ánh mà không ngại ngần.

Ai là nạn nhân ?

Tại một cuộc tọa đàm bàn cách giảm áp lực cho giáo viên do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức, lãnh đạo các trường phổ thông đã thẳng thắn chỉ ra một trong những áp lực với giáo viên, nhà trường là áp lực thi cử; các tiêu chí đánh giá nhà trường phổ thông của ngành giáo dục đều có chỉ tiêu về tỉ lệ học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt, tỷ lệ lên lớp, đỗ tốt nghiệp… Cha mẹ học sinh cũng đánh giá chất lượng dạy học của nhà trường chỉ thông qua điểm số. Áp lực nữa với giáo viên và các nhà trường là thi đua. Mỗi quận, huyện chỉ có 2 - 3 trường đạt danh hiệu xuất sắc nên nhiều trường phổ thông phải cố gắng để đạt được các tiêu chí đề ra.

Đối với giáo viên, áp lực lớn nhất đến từ việc thi cử của học sinh, nhất là kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội. Các giáo viên chủ nhiệm đều phải gánh trên vai nhiệm vụ làm sao để tất cả học sinh trong lớp đều vượt qua kỳ thi ấy. Kết quả tuyển sinh vào lớp 10 là tiêu chí quan trọng để xếp hạng chất lượng giáo dục của nhà trường. Bản thân các cô nếu không đạt chỉ tiêu được giao sẽ bị nhà trường, đồng nghiệp đánh giá về năng lực nghề nghiệp. Kết quả của kỳ thi ấy sẽ là cơ sở để đánh giá xếp hạng trường THCS.

Vì áp lực này mà nhiều giáo viên phải vắt kiệt sức dạy ngày dạy đêm cho học sinh lớp 9 để không em nào bị trượt nguyện vọng 1 vào trường THPT mà các em đã đăng ký.

Tuy nhiên, không phải giáo viên bậc THCS nào cũng đủ khả năng và kiên nhẫn để thực hiện “chỉ tiêu 100%” vào được THPT bằng cách phụ đạo, kèm cặp từng học sinh có học lực chưa tốt. Họ chọn cách làm dễ hơn là mượn danh hoạt động tư vấn hướng nghiệp để sàng lọc học sinh có nguy cơ trượt kỳ thi vào lớp 10, đưa ra gợi ý, thậm chí không ngại ép học sinh có học lực trung bình không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập.

GS. TS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, người từng chỉ ra rất nhiều bất cập trong xét công nhận GS, PGS thời gian qua cho hay, câu chuyện bệnh thành tích trong giáo dục có nguồn gốc sâu xa từ truyền thống học để làm quan. Thế nên từ thầy cô, đến học trò, phụ huynh đều sẵn sàng gian dối, sẵn sàng tốn kém để đạt được kết quả vừa lòng.

GS Châu cho rằng, “bốc thuốc” trị căn bệnh này không đơn giản, song ông đề nghị tất cả hệ thống cùng vào cuộc, thay đổi từ cách đánh giá, cách thi, cách học, cách dùng người. GS Nguyễn Ngọc Châu lấy ví dụ, ở Mỹ, học sinh học không bắt buộc phải đạt được mục đích lên lớp mà là giáo viên có trách nhiệm phát hiện ra năng lực của học sinh phù hợp với ngành nghề như thế nào để định hướng. Vì thế nên học sinh không bắt buộc học tất cả các môn. Ở Việt Nam, các môn học dàn hàng ngang, học sinh học như nhau và được đánh giá bằng các kỳ thi, các bài kiểm tra. Thế nên từ bậc học mầm non, đến đại học, 3 nhà gồm gia đình, xã hội, nhà trường đều theo vòng quay này. Học để lấy bằng cấp cho gia đình, dòng họ nên bằng mọi cách để đạt được, nếu có cơ hội sẽ gian lận.

“Hậu quả của việc học vì bằng cấp, làm quan này dẫn đến tình trạng gian lận phổ biến từ việc xét công nhận GS, PGS. Gian lận trong thi cử bằng mọi cách để có được kết quả là nỗi đau của dân tộc”, GS Nguyễn Ngọc Châu bày tỏ.

MỚI - NÓNG