Gánh nặng học thêm
Báo cáo này được GS. TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam được cải thiện, trong đó giáo dục Tiểu học tạo nền tảng vững chắc. Kết quả từ các kỳ đánh giá PISA 2012, 2015 cho thấy, điểm trung bình của học sinh Việt Nam vượt trội so với học sinh ở các nước phát triển. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, tỷ lệ học sinh đạt thành tích cao lại rất thấp.
Một trong những nội dung đáng chú ý của báo cáo này là vấn đề tài chính trong giáo dục. Cụ thể đầu tư cho giáo dục tại Việt Nam có xu hướng tăng đều trong 10 năm qua, đạt hơn 18% tổng chi ngân sách nhà nước, thấp hơn so với mức 20% được đề ra.
Học sinh THCS Hà Nội vui vẻ ký lưu bút trong ngày kết thúc năm học lớp 9. Ảnh: Minh Duy |
Chi ngân sách bình quân trên mỗi học sinh mầm non và phổ thông tương đối đồng đều; trên mỗi sinh viên ở bậc ĐH còn thấp so với quốc tế. Tính trung bình gia đình đóng góp khoảng 24% tổng chi phí cho học sinh (Mầm non, Tiểu học, Phổ thông) đi học. Đóng góp của gia đình có xu hướng tăng dần theo cấp học. Trong đó, chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình học sinh phổ thông. Đối với bậc Tiểu học là 32%; THCS là 42% và THPT là 43%.
Một vấn đề nữa được nêu trong báo cáo là thực trạng thiếu chuyên viên nên nhiều lãnh đạo phải đảm đương công việc của chuyên viên hoặc điều động giáo viên “biệt phái” từ các trường lên.
Vấn đề bất hợp lý là Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND về chất lượng giáo dục nhưng không được giao quyền tự chủ về quản lý nhân lực (bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ, giáo viên cấp dưới) và tài chính (phân bổ, thu/chi ngân sách nhà nước) trong phạm vi quản lý. Điều này làm giảm chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục.
Chuyên gia cho rằng, gắn thi tốt nghiệp THPT với thi tuyển sinh đại học đang làm cho kỳ thi trở nên căng thẳng, áp lực với người học Ảnh: Như Ý |
Tình trạng thiếu giáo viên cũng được đưa ra bằng con số thống kê ở năm học 2019-2020, nhất là đối với trường tiểu học học 2 buổi/ngày (thiếu 8.743 giáo viên) và THPT (thiếu 4.706 giáo viên). Đặc biệt, trong năm học này, toàn quốc thiếu hơn 42.000 giáo viên mầm non công lập, đã tạo áp lực rất lớn cho đội ngũ. Tuy nhiên, một số môn học vẫn thừa giáo viên, nên vấn đề thừa thiếu cục bộ vẫn chưa được giải quyết.
Xếp hạng ĐH vẫn ở cuối bảng trong khu vực
Báo cáo cung cấp số liệu năm 2018, tỉ lệ sinh viên của 181 cơ sở ĐH và 40 trường cao đẳng có việc làm sau khi tốt nghiệp là 65,5%. Nhưng tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ cao hơn ở trình độ trung cấp.
Các chỉ số về nghiên cứu khoa học, xếp hạng trường ĐH tại báo cáo trên cho thấy, Việt Nam bị bỏ xa so với nhiều nước trong khu vực. Theo một số bảng xếp hạng uy tín, Việt Nam đều có đại diện lọt top 1.000 thế giới nhưng vẫn ở vị trí cuối. Trong khi đó, các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Malaysia, Singapore, Thái Lan đều ở top 100.
Mặt khác, nhóm nghiên cứu cũng nhận định hoạt động nghiên cứu khoa học của trường ĐH Việt Nam có sự cải thiện đáng kể trong một thập kỷ qua nhưng vẫn đứng cuối cùng trong danh sách xếp hạng ở hầu hết các chỉ số.
Cần nhìn thẳng vào sự thật
Về nội dung báo cáo, GS Nguyễn Hữu Châu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, báo cáo mô tả bức tranh toàn cảnh những thành tựu và tồn tại trong hệ thống giáo dục Việt Nam trong 10 năm. Tuy nhiên, theo GS Châu, cần bàn thêm về sự chuyển đổi giữa các cấp, để cho thấy sức khỏe của toàn hệ thống đồng nghĩa với sức khỏe của các hệ thống theo cấp học.
GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, báo cáo đã lượng hóa được một số khía cạnh, một số vấn đề quý giá, làm căn cứ để đưa ra các biện pháp giải quyết vấn đề cấp thiết trong thời gian tới. Tuy nhiên, báo cáo cũng cần đề cập tới những câu chuyện mà không con số nào thể hiện được, đó là niềm tin, tinh thần tự học, hiếu học giờ lại biến tướng thành… mua bán bằng cấp.
Tuy GS Lê Anh Vinh khẳng định ở mỗi nội dung của báo cáo là một lát cắt của giáo dục nhưng GS. TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định báo cáo chưa chạm đến vấn đề cơ bản nhất của giáo dục. Nhất là vấn đề đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói đến, đó là tính chưa trung thực trong giáo dục. GS Phạm Tất Dong đưa ra một số vấn đề bức xúc của giáo dục hiện nay. Đó là nếu không thay đổi cách thi tốt nghiệp THPT, có thể nói người dân sẽ vẫn còn vất vả với giáo dục.
“Trong nhiều hội nghị bàn về đổi mới thi cử, tôi lấy làm lạ là không ít vị làm khoa học giáo dục, làm quản lý giáo dục hoặc có chức sắc lãnh đạo lại luôn hùng hồn luận giải sự cần thiết và tầm quan trọng của thi tốt nghiệp Trung học phổ thông được tổ chức ở cấp quốc gia. Các vị ấy cổ xúy cho “thi nghiêm túc” mà không đếm xỉa gì đến nỗi khổ đi thi của con trẻ và nỗi khổ về tiền nong của các gia đình nghèo có con đi thi cũng như sự lãng phí ngân sách Nhà nước. Tôi không phản đối kỳ thi nhưng thi như thế nào để vừa nhẹ nhàng vừa giảm tốn kém”, GS Phạm Tất Dong nói. Theo ông, cần tách thi tốt nghiệp ra khỏi tuyển sinh ĐH. Làm như vậy, thi tốt nghiệp sẽ nhẹ nhàng, học sinh yên tâm rằng, nắm vững chương trình phổ thông là có chứng chỉ hoàn thành cấp học. Gắn thi tốt nghiệp THPT với thi tuyển đại học sẽ làm cho kỳ thi trở nên căng thẳng, áp lực với người học.
Vấn đề thứ hai mà GS Phạm Tất Dong đáng nói là báo cáo của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chưa chỉ ra được vấn đề về sách giáo khoa (SGK). Hiện nay, Chính phủ đã có quyết định sử dụng ngân sách mua SGK cho nhà trường để học sinh mượn. Việc làm này nhân văn nhưng là chuyện nửa vời. Vì Nhà nước bỏ tiền hay dân bỏ tiền thì vẫn làm giàu cho những nhà xuất bản. “Chuyện này không ổn. SGK đang lũng loạn giáo dục còn phụ huynh thì chết dở với SGK”, GS Phạm Tất Dong chia sẻ.
Mặt khác, ông khẳng định chất lượng giáo dục đạo đức đang có vấn đề. Cơ bản nhất là vấn đề của những người lớn áp đặt lên nhà trường. Giáo viên không gương mẫu nhất là kiếm tiền trên đầu học sinh. Nói đến giáo dục là nói đến tiền. Không những thế, báo cáo cũng không chỉ ra được trong giáo dục của Việt Nam, vấn đề liên thông ngang, liên thông dọc đang bị tắc và làm khó người học. Việc “căng nhau” giữa hai Bộ GD&ĐT và Lao động Thương binh và Xã hội đang là rào cản để người học tiếp cận với giáo dục nghề nghiệp. Phân luồng học sinh cũng thất bại do đặt ra mục tiêu sai với thực tế khi yêu cầu phân luồng sau THCS. Vì học xong THCS, học sinh chưa có gì “trong tay” để phân luồng học nghề.
Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mỗi bậc học đều có mục tiêu cụ thể. Trong đó, với giáo dục ĐH, tỉ lệ sinh viên có việc làm phù hợp với trình độ chuyên môn trong 12 tháng sau tốt nghiệp đạt trên 80%. Tỉ lệ công bố bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín trên giảng viên đạt 0,45 vào năm 2025 và 0,75 vào năm 2030. Nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục ĐH. Năm 2030 có ít nhất 5 cơ sở giáo dục ĐH xếp hạng 500 trường ĐH tốt nhất thế giới; 5 trường vào nhóm 200 trường ĐH hàng đầu châu Á; 10 ngành thuộc 300 ngành tốt nhất thế giới; nằm trong 4 quốc gia có hệ thống giáo dục tốt nhất khu vực Đông Nam Á và 10 quốc gia có hệ thống giáo dục ĐH tốt nhất châu Á. Tỉ lệ sinh viên/vạn dân đạt 260 vào năm 2030; sinh viên quốc tế theo học các chương trình giáo dục ĐH của Việt Nam đạt 2%.