Lỗ hổng

Lỗ hổng
TP - Cuối tuần qua, Cục cảnh sát tội phạm về môi trường phát hiện công ty TNHH Hồng Triển (TPHCM) nhập khẩu 1,4 tấn sản phẩm SSI (có chất cấm Salbutamol, Clenbuterol tạo nạc cho lợn) từ Trung Quốc.

> Tổng kiểm tra chất tạo nạc
> Mất hơn 2.000 tỷ đồng vì chất tạo nạc
> Tiếp tục truy chất cấm tạo nạc trong chăn nuôi

Từ đây, SSI được bán cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn và chăn nuôi ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Từ vụ việc trên, người ta phát hiện một lỗ hổng chết người trong việc nhập khẩu và lưu hành đối với loại chất độc này. Mà gốc rễ, xuất phát từ sự không thống nhất trong quản lý của Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế.

Theo quy định của Bộ NN&PTNT, các chất Salbutamol, Clenbuterol bị cấm sử dụng trong chăn nuôi, do sản phẩm chăn nuôi sử dụng chất này gây hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, Bộ Y tế lại cho phép 2 hoạt chất trên được dùng để bào chế thuốc chữa bệnh cho người.

Thuốc Salbutamol được sử dụng nhiều trong khoa hô hấp với các chỉ định dùng trong thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản, điều trị cơn hen nặng, cơn hen ác tính, viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang... theo chỉ định của bác sĩ.

Trả lời báo chí, một phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, nói: Do không có quy định cấm sử dụng thuốc cho người nên có tình trạng nguyên liệu dược hết hạn dùng cho người thường được đem làm nguyên liệu dùng cho gia súc.

Ngoài ra, với việc quy định không thống nhất giữa hai ngành, trong khi quản lý chưa chặt chẽ, doanh nghiệp nhập khẩu rất dễ lách luật. Ví như, trong tờ khai nhập khẩu, doanh nghiệp không khai báo dùng trong chăn nuôi, thì kể cả nhập chất cấm, cũng qua mặt được hải quan. Nên doanh nghiệp có thể lợi dụng kẽ hở này để thông quan dễ dàng.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi, việc dùng chất tạo nạc bị cấm cho lợn thời gian qua khiến người nuôi thiệt hại ước tính trên 2.000 tỷ đồng, do bị người tiêu dùng tẩy chay, giá thịt lợn hạ.

Để chữa bệnh cho người, nhiều chất bị cấm sử dụng trong những ngành khác, nhưng vẫn được dùng trong ngành y tế, mà điển hình là chất gây nghiện. Tuy nhiên, do tính chất độc hại của chất gây nghiện, nên việc sử dụng chất gây nghiện trong ngành y tế để sản xuất tân dược được quy định rất chặt chẽ.

Bởi thế, đã tới lúc, ngành y tế cũng cần rà soát quy trình để quản lý các chất cấm trong chăn nuôi như Salbutamol, Clenbuterol một cách nghiêm nghặt như quản lý chất gây nghiện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG