Sự việc diễn ra hôm 21/12, liên quan đến tiêm kích J-11 của Hải quân Trung Quốc và máy bay trinh sát RC-135 của Không quân Mỹ, trong bối cảnh Mỹ cho rằng các máy bay quân sự Trung Quốc gần đây có xu hướng hành động ngày càng nguy hiểm.
Video tiêm kích Trung Quốc áp sát máy bay Mỹ. |
Trong đoạn video có thể thấy, máy bay của Không quân Trung Quốc đã thực hiện một động tác nguy hiểm khi tiến gần lại máy bay trinh sát của Mỹ, khiến phi công Mỹ buộc phải thao tác để tránh va chạm, theo The Drive.
Tiêm kích J-11 của Trung Quốc. Ảnh: Military |
Shenyang J-11 là một máy bay chiến đấu đa năng của Trung Quốc do Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương (SAC) sản xuất. J-11 là một biến thể được phát triển từ Sukhoi Su-27SK, hiện các tiêm kích này đang được vận hành bởi không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA).
J-11 có trọng lượng 33 tấn; chiều dài 21,9 m; sải cánh 14,7 m và chiều cao 5,9 m. Được thiết kế dựa trên Su-27SK, khung máy bay của J-11 được làm từ titan và hợp kim nhôm. Phần thân máy bay tích hợp buồng lái, radar và khoang điện tử hàng không.
Tiêm kích được thiết kế với buồng lái hoàn toàn bằng kính. Ảnh: Military |
Tiêm kích có buồng lái bằng kính được trang bị màn hình màu đa chức năng (MFD), màn hình hiển thị trên đầu (HUD), kính ngắm gắn trên mũ bảo hiểm (HMS) và hệ thống điều khiển chuyến bay kỹ thuật số.
Hệ thống điện tử hàng không được tích hợp một bộ dò tìm IFF, hệ thống tham chiếu và độ cao; hệ thống tìm kiếm và theo dõi quang điện, hệ thống định vị INS/GPS, radar điều khiển hỏa lực và radar xung Doppler. Ngoài ra, máy bay còn được trang bị hệ thống cảnh báo sớm cùng hệ thống ghi thông tin chuyến bay.
J-11 được thiết kế với một động cơ và một chỗ ngồi. Ảnh: Military |
Máy bay sử dụng hai động cơ phản lực Lyulka AL-31F hoặc FWS-10A Taihang. Động cơ phản lực cánh quạt FWS-10A TaiHang đã được ra mắt trong Triển lãm hàng không Chu Hải lần thứ 6 năm 2006 và được đánh giá có nhiều nét tương đồng với động cơ phản lực cánh quạt AL-31F do Nga sản xuất cả về công nghệ và hiệu suất.
Là máy bay chiến đấu có khả năng cơ động cao, nó có thể bay ở độ cao tối đa 19.000 m, với tốc độ leo lên 300 m/s. J-11 có tốc độ tối đa Mach 2,35 và tầm hoạt động 3.530 km.
Máy bay chiến đấu được thiết kế với nhiều điểm treo cho phép nó mang theo nhiều loại vũ khí. Ảnh: Military |
Tiêm kích J-11 trang bị pháo 30 mm GSh-30-1. Mười điểm treo trên máy bay có khả năng mang nhiều loại tên lửa, bao gồm tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar PL-12, tên lửa không đối không tầm ngắn PL-9, dẫn đường bằng tia hồng ngoại (AAM). Ngoài ra, máy bay cũng có thể mang theo một số tên lửa không đối không tầm trung Vympel R-77, Vympel R-27 và tên lửa không đối không tầm ngắn Vympel R-73.
Máy bay trinh sát RC-135 của không quân Mỹ. Ảnh: Military |
Trong khi đó, Boeing RC-135 là một loại máy bay trinh sát hạng trung, bốn động cơ của không quân Mỹ (USAF), được thiết kế và sản xuất bởi Boeing Defense and Integrated Systems. Máy bay này có nguồn gốc từ phiên bản tiền nhiệm C-135 Stratolifter, nó có thể thực hiện các hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát (ISR).
Máy bay được thiết kế với kích thước và trọng tải lớn. Ảnh: Military |
Máy bay có trọng lượng rỗng 56,2 tấn và trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 134,7 tấn. Boeing thiết kế với chiều dài 41,53 m; sải cánh 39,88 m và chiều cao 12,7 m; nó có thể mang theo phi hành đoàn từ 21-27 người bao gồm các phi công buồng lái, sĩ quan tác chiến điện tử, điều hành viên tình báo và kỹ thuật viên bảo trì.
Trung tâm điều khiển của máy bay. Ảnh: Military |
RC-135 được trang bị buồng lái hoàn toàn bằng kính kỹ thuật số, hệ thống cảnh báo va chạm, ăng-ten vệ tinh, hệ thống AEELS và camera quang điện. Các cảm biến quang điện được trang bị trong máy bay theo dõi các tín hiệu định vị địa lý và truyền dữ liệu thu được cho người vận hành thông qua liên kết dữ liệu liên lạc vệ tinh an toàn.
RC-135 được trang bị 4 động cơ phản lực cánh quạt. Ảnh: Military |
Máy bay trinh sát sử dụng bốn động cơ phản lực cánh quạt F108-CF-201, mỗi động cơ có thể tạo ra lực đẩy 21.000 lbf cho phép nó leo dốc với tốc độ 25 m/s. Tốc độ tối đa của máy bay vào khoảng 933 km/h, tầm hoạt động và trần bay lần lượt là 5.550 km và 15.200 m.