‘Cá mập bay’ Trung Quốc hoá ra là ‘em họ’ của tiêm kích Nga

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một phim tài liệu mới trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV tiết lộ nguồn gốc của “cá mập bay” J-15 – loại tiêm kích trên tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc hiện nay.
‘Cá mập bay’ Trung Quốc hoá ra là ‘em họ’ của tiêm kích Nga ảnh 1

Những chiếc J-15 hoạt động trên tàu sân bay Trung Quốc

Theo bộ phim, J-15 ra mắt lần đầu tiên cách đây chục năm, được nâng cấp từ tiêm kích J-11B, một phiên bản sửa đổi của Sukhoi Su-27 do Liên Xô thiết kế.

“Cá mập bay”, loại máy bay chiến đấu trên tàu hạng nặng nhất thế giới, chạy bằng 2 động cơ Taihang WS-10C, theo thông tin trước đó trên báo chí Trung Quốc. Phim tài liệu phát sóng hôm 29/11 cho biết động cơ này giúp tăng tính an toàn khi hạ cánh.

“Việc lắp động cơ WS-10C cho J-15 nghĩa là quá trình sản xuất hàng loạt loại máy bay từ tàu này đã bắt đầu cách đây một thời gian”, một người trong quân đội Trung Quốc cho biết.

Người này nói rằng J-15 vẫn sẽ là máy bay chiến đấu chủ lực trên tàu sân bay hiện đại nhất của Trung Quốc – Phúc Kiến, vì dòng máy bay phản lực J-15T được thiết kế để hoạt động cùng hệ thống phóng điện từ tiên tiến của tàu này.

Nguồn tin nội bộ nói rằng từ đầu năm 2010, Bắc Kinh mạnh tay đầu tư thiết lập dây chuyền sản xuất đẳng cấp thế giới để tăng tốc độ bàn giao các tiêm kích J-11B và J-15.

J-15 được nâng cấp với hệ thống radar và điều khiển máy bay tiên tiến, thêm một cặp cánh nhỏ phía trước và những sửa đổi khác, cho phép máy bay hạ cánh khẩn cấp trên boong tàu sân bay, tăng cường khả năng cân bằng và linh hoạt, các nhà thiết kế máy bay nói với CCTV.

Khi dự án máy bay cho tàu sân bay bị tụt hậu so với chương trình phát triển tàu sân bay, Hải quân Trung Quốc tính mua các tiêm kích Su-33 của Nga sau khi nước này mua con tàu Liêu Ninh từ một xưởng ở Ukraine năm 1998.

Tuy nhiên, năm 2009, các lãnh đạo quân đội Trung Quốc quyết định dùng dòng máy bay đang được sử dụng ở nước này làm cơ sở để phát triển J-15, thay vì dựa vào các mẫu của Nga, CCTV cho biết.

Lãnh đạo của Viện Nghiên cứu và thiết kế máy bay Thẩm Dương chỉ đạo tất cả đội ngũ gồm hàng ngàn kỹ sư và nhân viên phải bắt kịp, và một công ty chỉ mất 3 năm để hoàn thành dự án, CCTV đưa tin. Nguyên mẫu J-15 thực hiện chuyến cất cánh thành công đầu tiên trên tàu sân bay Liêu Ninh vào ngày 23/12/2012.

Quyết định thiết kế “cá mập bay” J-11B được đưa ra sau thoả thuận bất thành giữa Bắc Kinh và Mátxcơva về việc mua Su-33.

Báo chí Trung Quốc cho biết thoả thuận thất bại vì Bắc Kinh từ chối yêu cầu của Mátxcơva về việc phải mua ít nhất 50 chiếc Su-33. Khi đó, Mátxcơva không hài lòng với kế hoạch phát triển J-11B của Trung Quốc, cho rằng mẫu này vi phạm thoả thuận về sở hữu trí tuệ liên quan đến Sukhoi Su-27, báo chí Nga đưa tin.

Các chuyên gia quốc phòng Trung Quốc cho biết, vì dòng Su-33 dựa trên Su-27 – mẫu nguyên gốc của J-11B, nên J-15 là “em họ” của các tiêm kích Sukhoi.

“Không thể phủ nhận quan hệ họ hàng giữa J-15 và Su-33, dù máy bay của Trung Quốc hiện đại hơn ‘anh họ’ Nga, giống như J-11B xuất sắc hơn Su-27”, Lie Jie, một chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh, nói trong phim tài liệu.

Máy bay của Trung Quốc cũng có một số đặc điểm giống máy bay của Mỹ. Hình ảnh trên CCTV cho thấy nó có thể thực hiện nhiệm vụ “tiếp nhiên liệu cho bạn bè” giống như F/A-18F Super Hornet của Mỹ, còn móc của nó giống các tiêm kích F-18 và F-35.

Theo SCMP
MỚI - NÓNG