Lão nông mở 'chuyên án' cao tốc - Bài cuối: Nói to để đỡ trơ trọi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 2/9/2018, tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi chính thức thông xe. Nhưng “chuyên án” của lão nông Phạm Tấn Lực vẫn chưa kết thúc. Hàng loạt vụ lùm xùm vì chất lượng con đường này quá kém khiến lão phải tiếp tục chui gầm cầu, khe cống để cùng bà con nông dân điều tra thêm 1 năm nữa...

Ai sẽ đi với tôi?

Mặt lão đỏ ửng, cổ nổi gân xanh, giọng lão nói nghe rất to và dường như lão muốn nói to hơn nữa về chuyện “nước mưa dột ở trên đường cao tốc”. Đó là thời điểm tôi gặp lại lão nông Sáu Lực vào đầu năm 2018. Tôi tự hỏi thầm “sức đâu mà lão làm được những chuyện này?”. Vì lão đã gầy gò, nói năng khổ sở, nhưng luôn vác tấm thân còm đi men theo tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để rà rà xem họ thi công còn có chỗ nào gian dối. Công việc này khiến lão thường xuyên phải đối mặt với rủi ro. Chỉ cần một đối tượng nào đó quay ra “quật nhẹ” thì đời lão đi tong.

Có lẽ, cũng vì nhỏ con, yếu thế, nên ông Sáu Lực dần mắc một căn bệnh là “nói phải thật to”. Đi với lão vài bận, từ lúc công trường đang thi công dang dở cách đây vài năm cho đến khi đường cao tốc hoàn thành tôi nhận ra rằng, lão nông này mỗi ngày một “tăng âm lượng” nói và còn lâu mới bỏ được. Lý do là vì lão luôn muốn có người cùng theo mình để cùng hành động. Mỗi khi đi qua chỗ đông người là lão lại khoát tay và liên tục nhắc lời “bà con mình ra coi, thi công gian dối lắm, chắc chết tiền nhà nước”.

Lão nông mở 'chuyên án' cao tốc - Bài cuối: Nói to để đỡ trơ trọi ảnh 1

Vợ lão nông Sáu Lực với đống đá từng bị kẻ xấu ném vô nhà khủng bố tinh thần. Ảnh: Văn Chương

Người ta nói rằng, lão quá bao đồng, công trình mấy chục ngàn tỷ thì chắc có công ty giám sát cỡ bự, chuyện gian dối chắc khó xảy ra, đó là chưa kể nếu phản ảnh không đúng thì người ta bỏ tù mọt gông. Có người còn nhắc lại nỗi lo Công ty Lý Tuấn chuyên khai thác đất lại là người ở ngay địa phương. Trong lá đơn gởi đi cho các cơ quan chức năng và báo chí vào tháng 11/2017, có gần 40 người đứng tên để bảo vệ một kỹ sư giám sát trên công trường là Lê Trọng Danh. Ông Danh đã tố cáo nhà thầu thi công gian dối. Tập thể nông dân ký tên này có các ông bà Lê Ngọc Quang, Nguyễn Thị Toàn, Nguyễn Bình, Đỗ Hữu Vân, Phạm Đình Hùng, Phạm Đình Vũ,…

Bà con mắc việc đồng áng nên đâu phải ngày nào cũng đi được với lão. Rủ rê người ta không theo thì lão vẫn cứ ra công trường, cứ nói, cứ điện thoại rồi nhắn tin để phản ảnh chất lượng thi công đường cao tốc. Dù chỉ là một lão nông, nhưng tin nhắn của lão lại gởi tới Phó Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng đường cao tốc, một số kỹ sư ở Hà Nội, TPHCM. Tin nhắn của lão thường được các sếp trả lời, sau đó cảm ơn anh Sáu đã góp ý, công ty sẽ cho người kiểm tra.

Lão nông mở 'chuyên án' cao tốc - Bài cuối: Nói to để đỡ trơ trọi ảnh 2

Lão nông Phạm Tấn Lực từng tuyên bố kiện 1 tờ báo ở Hà Nội vì cho rằng, tin tức của các lão nông cung cấp là “tào lao”. Ảnh: Văn Chương

Sai phạm ít hơn

Khi hàng loạt cán bộ liên quan cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị khởi tố, bắt giam, đó là lúc cánh phóng viên chúng tôi rà lại, đối chiếu với những thông tin mà bà con nông dân đã phản ảnh. Ngày 6/12/2021, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án đối với 36 bị cáo liên quan sai phạm dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Hầu hết đều là những nhân vật chủ chốt của Tổng Công ty xây dựng đường cao tốc (VEC).

Tòa án đã kết luận sai phạm của 36 cá nhân tại các gói thầu số 1, 3 B, số 4, số 5, số 7, cùng 13 kỹ sư giám sát hiện trường, riêng ông Takao Inami, Kỹ sư trưởng, Giám đốc Văn phòng Nhà thầu tư vấn giám sát OGC-KEI-SMEC được miễn trách nhiệm hình sự, áp dụng trục xuất bằng con đường ngoại giao.

Gần 4 năm sau ngày tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi thông xe và vụ án sai phạm trong quá trình thi công công trình 34.500 tỷ đồng vốn ngân sách và đi vay này đã tạm khép lại, lão nông Phạm Tấn Lực mới được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký quyết định tặng bằng khen…

Trước đó, vào tháng 11/2019, khi Bộ Công an khởi tố, bắt 4 người nguyên là cán bộ Ban quản lý Dự án, lãnh đạo các gói thầu tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, báo chí đã đồng loạt phanh phui những dấu hiệu chất lượng kém ở gói thầu 3 A, khu vực mà lão nông Sáu Lực thường xuyên lên tiếng tố cáo. Đó là hàng loạt cầu có hiện tượng bị hỏng, không đảm bảo kỹ thuật. Như cầu VD09b (km 107+829); hầm chui dân sinh (km 106+730) thuộc gói thầu A3, địa phận xã Bình Trung, huyện Bình Sơn,…

Soát lại những bức ảnh mà lão nông đã cung cấp cho báo chí, có khoảng 20 tấm ảnh chụp chân cầu, mố cầu do thi công không đầm dùi đúng quy định, nên mặt cầu có lỗ thông cả xuống chân mố, tạo ra vòi nước mỗi khi mặt đường có nước mưa. Một số vị trí có nước mưa thấm, dột rất nặng, chỉ sau 1 năm đã rêu, mốc bất thường… Một số lão nông cho rằng, nhờ sự cảnh báo thường xuyên của bà con nên có lẽ gói thầu A3 đỡ nát hơn tuyến khác.

Những điều chưa kể

Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hoàn thành, thông tuyến vào ngày 2/9/2018 và việc bám theo gầm cầu để tìm những sai sót của lão nông Sáu Lực rồi cũng đến lúc kết thúc. Lão nông Phạm Tấn Lực tranh thủ bán 100 m2 đất vườn được 60 triệu để lo tiền thuốc cho vợ, sau đó ra thành phố Đà Nẵng làm bảo vệ cho doanh nghiệp, thỉnh thoảng vẫn điện thoại, ôn lại chuyện cũ.

Năm 2018, hàng loạt tờ báo, trong đó có nhóm tác giả VTV 8 đã được trao giải thưởng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, giải báo chí của tỉnh Quảng Ngãi, nội dung phản ánh về tấm gương lão nông Phạm Tấn Lực. Ông Sáu Lực lại nhấp nhổm, nhắn tin, điện thoại hỏi, “chú làm về tui thì được khen thưởng, mà bản thân tui thì có thấy ai nói gì, mặc dù mình đổ mồ hôi”.

Tưởng chừng lão kết thúc “chuyên án” và đi lo cơm, gạo để kiếm tiền nuôi bà vợ là Trương Thị Cường nhiều năm bị bệnh xơ gan F3, F4. Đùng một phát, lão lại đi điều tra thêm công trình đường tại địa phương và một số vấn đề mà người dân phản ảnh. Tôi lo lắng nhắn với lão “cứ chuyên án mãi, sợ thế nào cũng có chuyện”.

Vậy rồi khoảng tháng 4/2019, vợ lão điện rối rít, báo tin dữ là bị cán bộ xã lợi dụng men rượu, xông vô nhà hành hung phải đi nằm viện. Chuyện thật khó tin, nhưng khi ra tới nơi thì lão nông thở ngút hơi, đi cà giật, mặt mũi nhăn nhúm kể lại sự tình. Lão nông đã có đơn phản ảnh và sau đó, Ủy ban Kiểm tra huyện Bình Sơn đã xác minh, kỷ luật hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Ngọc Sinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bình Trung vì tội đánh người.

Đến ngày 13/6/2020, ông Lực thông báo tin vui về việc nhận giấy khen của UBND huyện Bình Sơn (ủy quyền UBND xã tặng). Nội dung khen thưởng ghi rõ thành tích là “Phát huy tinh thần giám sát của người dân tham gia giám sát các dự án trên địa bàn xã Bình Trung”. Lão nông vừa vui, lại buồn và bảo mang giấy khen trả lại, vì nội dung khen chưa đúng.

MỚI - NÓNG