Lão nông mở 'chuyên án' cao tốc: Bao đồng quốc sự

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ký quyết định tặng bằng khen cho ông Phạm Tấn Lực (63 tuổi), một nông dân nghèo khổ, trình độ học hết lớp 7, ở thôn Phú Lễ 2, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, vì có thành tích phanh phui nhiều sai phạm gói thầu A3, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

“Nếu mà làm như vậy thì nợ công thêm nhiều và con cháu sau này sẽ gánh đủ”. Ðó là những câu đầu tiên tôi được nghe từ lão nông Phạm Tấn Lực (mọi người thường gọi là Sáu Lực).

Lão nông mở 'chuyên án' cao tốc: Bao đồng quốc sự ảnh 1
Lão nông Phạm Tấn Lực sụt giảm chỉ còn 46 kg sau lần bị hăm dọa. Ảnh: Văn Chương

Ông có dáng vẻ kham khổ, nói lắp, nhưng lại rất quyết liệt khi nhắc tới dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng đường cao tốc (VEC) thời đó đã lên tiếng về việc báo chí không nên nghe lão nông cung cấp “tin tức tào lao”, còn giờ đây phần lớn những người này đều đã vào tù.

Chiếc đài cũ kỹ trên tay lão nông Sáu Lực thường để nghe những thông tin về thời sự chính trị, kinh tế, xã hội và hoạt động nghị trường tại Thủ đô Hà Nội. Người dân địa phương cả ngày đầu tắt mặt tối với ngô, khoai, mì, lúa. Ông cũng vậy nhưng vẫn luôn chăm chú theo dõi dòng chảy chính trị ở Việt Nam. “Kỳ họp trong năm 2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói nợ công cao lắm rồi…Tổng Bí thư nói dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, ông nhớ lại.

Lão nông Sáu Lực cao khoảng 1,5 m, nước da đen thui, khuôn mặt già nua, mắt ánh lên nỗi buồn khi được hỏi về gia cảnh. Gia đình ông sống trong một căn nhà cũ kỹ và rêu phong, thóc lúa chất ở hè. Nhìn ông và ngôi nhà, dễ liên tưởng đến thân phận một lão nông an phận thủ thường. Vậy nhưng, từ khi cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cắt qua giữa thôn, Sáu Lực bắt đầu làm chuyện “bao đồng”.

Ban đầu người ta không mấy tin vào lời ông Sáu Lực giãi bày về việc “nhà thầu lấy đất đen, đất còn lẫn cỏ rác để lót nền móng đường”. Một bà hàng xóm chia sẻ, “người ta nói ổng từng làm bảo vệ ở công trình này từ năm 2015, nhưng bị công ty đuổi nên giờ trả thù, đi phản ảnh ngược lại”. Lão nông cãi rằng, mình biết rất nhiều thứ bên trong nội bộ, họ nợ lương tùm lum, công ty như vậy ắt thế nào cũng làm việc sai trái.

“Một công trình trọng điểm quốc gia, tổng vốn đầu tư lên tới 34.500 tỷ đồng thì việc có những thiếu sót là điều không thể tránh khỏi. Nhưng phải bắt đầu từ đâu để cảnh báo các cơ quan chức năng?”, ông nói.

Ẩn náu nhưng không bỏ cuộc

Từ năm 2015, cộng tác viên báo Tiền Phong đã tiếp cận và viết bài về lão nông Sáu Lực chống tiêu cực. Bữa nhậu với lão nông trong một quán nhỏ dưới lùm tre ngày đó hết 260.000 đồng. Câu chuyện một người nông dân nghèo khổ nhưng lại đi giám sát công trình trọng điểm quốc gia đã rất cuốn hút chúng tôi.

Sáu Lực nâng cốc bia, rồi lôi ra chiếc máy ảnh kỹ thuật số nhỏ như bao diêm, đầy vết bong tróc. Chiếc máy ảnh trở thành phương tiện để lão nông bắt đầu thực hiện “chuyên án” khám phá những góc khuất trong thi công gói thầu A3, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi ngay sát nách nhà lão. Chỉ một thời gian ngắn, lão nông đã mang ra “báo cáo”, tố cáo nhà thầu thi công gian dối, vật liệu đổ nền đường không đúng, khi đi vào vận hành sẽ gây sụt lún, bong tróc.

Khi đưa những tấm ảnh ra chia sẻ trong bàn nhậu, vẫn giọng nói lắp, ông bảo, “giữ…giữ b…í mật cho anh Sáu chứ nếu ở đây là nó…nó trả thù, nó giết mình như…như chơi”.

Sau lần bị hăm dọa lão nông Phạm Tấn Lực bỏ ăn vì sợ. Tôi hài hước, đề nghị lão ngồi lên cân để kiểm tra sức khỏe, kim đồng hồ chỉ số 46 kg. Vợ lão thấy tình cảnh này bảo lão, thôi đừng đi điều tra đường cao tốc nữa…

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi lúc đó, ông Lê Viết Chữ thường nhấn mạnh, “báo chí trên địa bàn nên giúp tỉnh phát hiện ra gương người tốt, việc tốt để biểu dương; chỉ ra những cán bộ trong bộ máy có biểu hiện nhũng nhiễu, gây cản trở… Đó chính là việc báo chí giúp tỉnh phát huy nguồn lực để tỉnh nhà phát triển nhanh”. Tôi viện dẫn điều này để động viên lão nông và lão gật gù, “à, ờ, thì anh Sáu cũng làm vì dân, vì nước, nếu anh em động viên thì anh tiếp tục làm rõ”.

Hứa là vậy, nhưng lần kế tiếp ra gặp thì lão đã “trốn biệt”! Đứng dưới ngôi nhà cũ kỹ, rêu phong như nhà hoang, tôi mường tượng khuôn mặt lão đang nhăn nhúm, ánh mắt lo lắng và tốc độ nói sẽ chậm hơn thường ngày, nói lắp nhiều hơn. Bà Cường, vợ lão xuất hiện với bao đựng đá đã cắt ngang suy nghĩ của tôi. “Đá đây, họ ném vô nhà rầm rầm. Có thằng xuống nhà tuyên bố nếu mà đi chụp ảnh, tố cáo nữa là cho chết!”, bà Cường nói.

Lão nông mở 'chuyên án' cao tốc: Bao đồng quốc sự ảnh 2
Nhiều người dân ở địa phương viết đơn bảo vệ ông Lê Trọng Danh, một cán bộ giám sát chính trực trên công trường và sau đó bị kẻ xấu trả thù đánh nứt sọ. Ảnh: Văn Chương

“Anh Sáu đang ở đâu, ổng từng hứa là đấu tranh tới cùng để phản ảnh ra tới Hà Nội?”. Bà Cường tỏ ra lo lắng khi nghe tôi hỏi. Thông tin về nơi “ẩn náu” của ông chồng gầy gò được bà giữ kín vì sợ. Sau khi động viên mãi thì bà mới gọi lão nông về nhà và cho biết, “ảnh làm bảo vệ ở bên công ty kia, giờ về nhà là sợ nó trả thù, nó giết”.

Lão nông run run kể, đêm 14/8/2016, một bọn lạ mặt tương đá vô cửa, mái nhà như bom rải thảm. Lão thú thật là đã viết một lá đơn gửi Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nhưng không để tên người gửi. Lão bảo rằng, đó là lá đơn cảnh báo, để nếu ai đó sai phạm thì phải biết dừng lại và khắc phục...

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.