Làng biển trong 'bão giá' xăng dầu - Kỳ 1: Nỗi niềm làng biển 'nơi đầu sóng'

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Với hơn 75% lao động khai thác thuỷ sản trên biển, giá xăng dầu tăng cao kể từ sau Tết Nguyên đán đã ảnh hưởng ghê gớm đến đời sống của người dân. Nhìn bữa cơm ngày càng teo tóp của nhiều gia đình, xót xa lắm nhưng chẳng biết làm sao, chỉ biết động viên nhau vượt qua khó khăn trước mắt” - ông Nguyễn Ngọc Tiếp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Dương nói về hậu quả của “bão giá” xăng dầu ở nơi làng biển luôn đi đầu các phong trào của tỉnh Quảng Bình này.

Không dám ra khơi

“Muốn biết nghề biển làm ăn ra sao thì cứ phải ra đây mới tận tường chú à!”. Vừa nói, ông Tiếp vừa dắt chiếc xe máy vù ga từ sân ủy ban xã Cảnh Dương chở tôi ra cầu Roòn, trên QL1A, nối hai xã Quảng Phú và Cảnh Dương của huyện Quảng Trạch. Đứng trên cầu Roòn, phóng tầm mắt nhìn về phía hạ lưu, tàu thuyền đánh cá đậu la liệt trên mặt sông; âu thuyền nằm phía trên cầu Roòn cũng kín đặc tàu thuyền.

Nhìn xa xăm về phía cửa biển, ông Tiếp cất giọng trầm buồn: “Cửa sông Roòn đổ ra biển là nơi tàu thuyền đánh cá của ngư dân hai xã Quảng Phú và Cảnh Dương vào ra. Bình thường chỉ có những ngày sóng to gió lớn hay ngày trăng sáng tàu thuyền mới cập bến nhiều thế này thôi. Chú xem, từ ngày giá xăng dầu tăng cao, mặt sông Roòn lúc nào cũng kín đặc tàu thuyền như thế này. Ngư dân không dám ra khơi, vì đi là nắm chắc phần lỗ”.

Theo ông Tiếp, toàn xã Cảnh Dương hiện có 584 tàu đánh cá, trong đó có 180 tàu chuyên đánh cá xa bờ, chưa kể hàng trăm chiếc bơ nan đánh bắt vùng lộng. Khác với những làng biển trong vùng, ngư dân Cảnh Dương chỉ có một nghề chuyên biệt, đó là nghề câu cá hố, một loài cá nằm ở tầng đáy. Thị trường chủ yếu của loài cá này là Trung Quốc.

Kể từ ngày bùng phát dịch COVID-19, phía Trung Quốc đóng cửa biên giới, giá cá hố rớt từ 160.000 đồng/kg, xuống còn 60.000 đồng/kg. Dù mất giá, nhưng ngư dân Cảnh Dương vẫn cố ra khơi, không có lời, hoặc lời ít nhưng cũng tạo công ăn việc làm cho người lao động và duy trì được cái nghề cha ông bao đời truyền lại.

Làng biển trong 'bão giá' xăng dầu - Kỳ 1: Nỗi niềm làng biển 'nơi đầu sóng' ảnh 1

Mặt sông Roòn luôn kín đặc tàu đánh cá kể từ khi giá xăng dầu tăng cao

“Trước đây, bình quân mỗi chuyến ra khơi câu cá hố, một tàu tốn khoảng 40-50 triệu tiền dầu nhưng nay phải mất gấp rưỡi số tiền ấy và còn phải trả lương cứng cho người lao động, tối thiểu cũng 5 triệu một người. Việc phải trả lương cứng xuất phát từ việc nghề biển ngày càng bấp bênh, làm việc cực nhọc nhưng người lao động nhiều chuyến đi biển về trắng tay vì không có lời.

Để chắc ăn, lao động nghề biển đưa ra yêu sách đối với chủ tàu là phải trả lương cứng trước khi xuống tàu. Mặc dù vậy, nhưng khi về có lời, bạn vẫn được chia thêm, còn lỗ thì chủ tàu chịu một mình. Có quá nhiều áp lực cho các chủ tàu, nên để an toàn họ đành nằm bờ, trong khi hàng tháng, ngân hàng thu lãi không thiếu một đồng” - ông Tiếp nói.

Mâm cơm chia đôi

Ông Tiếp thông tin, ở Cảnh Dương không ít gia đình phải bán tàu, bán nhà để trả nợ ngân hàng vì làm ăn thua lỗ, lang bạt khắp nơi làm thuê, làm mướn. Mỗi chiếc tàu đóng mới mất ba, bốn trăm triệu, nay bán mấy chục triệu cũng ít người mua. Hơn 2.300 lao động nghề biển của xã Cảnh Dương mất việc làm.

“Chính quyền địa phương cũng đã có định hướng cho ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp, xuất khẩu lao động nhưng không hiệu quả. Ngư dân lâu nay chỉ biết nghề biển, giờ lên bờ làm nghề gì cũng lóng ngóng, năng suất lao động thấp, nên thu nhập không cao; còn xuất khẩu lao động thì do dịch bệnh COVID-19, nhiều thị trường đóng băng và làm thủ tục xuất cảnh rất khó” - ông Tiếp thông tin.

Rời cầu Roòn, ông Tiếp dẫn tôi vào một ngôi nhà cấp 4 chật chội ở thôn Trung Vũ - đây là một gia đình vừa bị ngân hàng phát mại ngôi nhà vì không trả được nợ vay đóng tàu đánh bắt cá xa bờ. Cả nhà 4 người đang ngồi bệt dưới nền nhà ăn cơm trưa. Bữa cơm đạm bạc, chỉ có một đĩa cá và một đĩa cà xào mỡ hành. Chị Phạm Thị Hiền, 41 tuổi nước mắt lưng tròng cho biết: Đây là nhà mẹ đẻ, 3 mẹ con chị về ở nhờ, vì cách đây gần 2 tháng, ngôi nhà của gia đình chị đã bị ngân hàng phát mại.

Làng biển Cảnh Dương 2 lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang chống Pháp và chống Mỹ; nổi tiếng là làng biển “nơi đầu sóng” trong ca khúc Quảng Bình quê ta ơi! của nhạc sỹ Hoàng Vân. Anh hùng trong chiến đấu, năng động trong phát triển kinh tế - Cảnh Dương luôn là một trong những lá cờ đầu của tỉnh Quảng Bình.

Quan sát hai đứa trẻ ăn cơm, thấy chúng chỉ gắp ở đĩa cà, còn đĩa cá không hề đụng đũa. Thì ra, mâm cơm mà cả nhà đang ăn, đĩa cà là của ba mẹ con chị Hiền, còn đĩa cá là của người mẹ già.

“Lâu lắm rồi, bữa cơm của mấy mẹ con em chỉ có rau dưa là chính. Mẹ già rồi, không có thu nhập gì, bữa ăn hằng ngày của mẹ là do mấy anh chị chu cấp.

Ở chung nhà với mẹ, nhưng chỉ có cơm là chung, còn thức ăn là riêng, vì mấy anh chị cũng khó khăn, không thể chu cấp thêm cho mẹ con em được. Bà thương cháu, cũng hay nhường thức ăn của mình cho các cháu, nhưng hai đứa rất ý thức, không dám ăn nhiều vì sợ bà hết thức ăn” - chị Hiền tâm sự.

Chị Hiền kể: Năm 2015 vợ chồng chị vay ngân hàng 750 triệu đồng và vay ngoài 250 triệu đóng tàu đánh bắt cá. Tàu đóng xong thì gặp sự cố môi trường biển, sản phẩm đánh bắt được không ai mua đành nằm bờ mất gần một năm. Mấy năm sau đó làm ăn cũng có lãi, gom góp trả nợ ngoài và trả lãi suất ngân hàng.

Cuối năm 2019, gia đình chị gặp tai nạn đắm mất tàu, nhưng không đủ điều kiện để bảo hiểm bồi thường. Chồng chị, anh Lê Thanh Hợp (43 tuổi), cùng cậu con trai đầu 20 tuổi từ ông chủ trở thành người lao động, làm thuê cho các chủ tàu khác trong làng. Dù không trả được nợ ngân hàng, nhưng thu nhập của hai cha con anh Hợp cũng đủ trang trải cuộc sống.

Làng biển trong 'bão giá' xăng dầu - Kỳ 1: Nỗi niềm làng biển 'nơi đầu sóng' ảnh 2

Người mẹ già và mẹ con chị Hiền đang ăn cơm

Từ sau Tết Nguyên đán, giá xăng dầu tăng cao, tàu cá trong làng nằm bờ, cha con anh Hợp thất nghiệp. Đói quá, cha con dắt díu nhau vào miền Nam làm thuê. Do tay nghề không có, thu nhập của hai cha con cũng chỉ đủ phục vụ cuộc sống ở nơi xứ người, tiền gửi về không đủ cho ba mẹ con ở nhà rau cháo qua ngày.

“Thấy hai đứa nhỏ thèm cá thịt, em xót lắm, chạy khắp nơi xin việc làm nhưng không có. Giờ cả vùng thất nghiệp, nên chẳng ai có việc để thuê em” - chị Hiền nói.

Tiền ăn không đủ, tiền trả lãi ngân hàng không có, cách đây gần 2 tháng ngân hàng đã phát mãi ngôi nhà của gia đình anh chị Hiền.

“Ngôi nhà phát mãi được 812 triệu đồng, trong lúc cả vốn lẫn lãi mà vợ chồng em nợ ngân hàng là 900 triệu đồng. Trả được khoản nợ ngân hàng cũng nhẹ người nhưng lại không còn nhà để ở, may còn nhà mẹ để về tá túc qua ngày” - chị Hiền tâm sự.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG