Lão nông mở chuyên án cao tốc - Bài 2: 'Hãng thông tấn xã' của những Hai Lúa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giữa trưa hè nắng gay gắt của năm 2016, cánh nhà thầu phụ tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Nam, gói thầu A3, đoạn đi qua huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi không ngờ được một người nhỏ loắt choắt và dáng đi cà thụp thường xuất hiện, bám theo xe chở đất bụi mù, đến các điểm khai thác đất đá kia lại là một lão nông đang tiếp tục đi thu thập chứng cứ để gửi cho báo chí, phanh phui việc thi công gian dối đường cao tốc.

A lô, nhà báo đâu?

Lão nông Phạm Tấn Lực đã thôi sợ những lời hăm dọa, ném đá, điện thoại dọa giết. Anh em báo chí hứa với lão, bất cứ lúc nào, giờ nào, nếu bị hăm dọa sẽ có mặt và đề nghị công an điều tra, làm rõ. Lão nông thở phào nói “như vậy thì anh Sáu yên tâm”. Bắt đầu từ đây, lão nói to hơn, mạnh mẽ hơn, công khai mọi thứ và để cho nhiều người cùng tham gia vào “chuyên án” của mình.

Để an tâm, lão còn tìm địa chỉ của nhiều cơ quan báo chí có văn phòng thường trú ở thành phố Đà Nẵng để kết nối. Còn tại xã Bình Trung, lão tìm thêm đồng minh là một số bà con nông dân để tạo thành “nhóm điều tra”. Đó là ông Hồ Miến, 84 tuổi, có rẫy keo sát hồ Hóc Dọc, là nơi nhà thầu phụ cả gan cho xe móc đất bùn dưới lòng hồ đổ lên mặt đường. Bên cạnh đó là vợ chồng lão nông Trần Thêm.

Lão nông mở chuyên án cao tốc - Bài 2: 'Hãng thông tấn xã' của những Hai Lúa ảnh 1

Hàng trăm tin nhắn của các kỹ sư trên công trường gửi cho bà con nông dân nhờ chuyển cho báo chí và Chính phủ ảnh: Văn Chương

Sau mỗi lần điện thoại cho cánh báo chí, ông Sáu Lực lại nai lưng, đội nắng, đội mưa đi thu thập thêm chứng cứ để thuyết phục rằng đã tận mắt nhìn thấy họ múc đất dưới hồ để đổ lên mặt đường. Lão gửi thư, ảnh cho hàng loạt tờ báo và gửi rất đều. Giữa tháng 8/2016, xuất hiện loạt bài của báo chí đề cập việc “nhà thầu phụ múc đất bùn đáy hồ Hóc Dọc để đôn mặt đường cao tốc”.

Báo chí lên tiếng, nhưng vẫn không hề làm cho VEC (Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam) e ngại. Ngày 16/8/2016, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc VEC đã xuất hiện trên nhiều tờ báo để khẳng định công trình đều có giám sát kỹ lưỡng của Công ty SMITH của Mỹ và đề nghị báo chí “không nên tin vào lời của những ông nông dân phản ảnh tào lao”. Lần đó khi gặp lại, ông Sáu Lực không sợ, lão bảo “anh Sáu sẽ kiện các tờ báo nghe nhà thầu và viết bậy”.

“Nút thắt” Quảng Ngãi

Suốt 7 năm theo dõi vụ việc này, cánh báo chí chúng tôi vẫn nhấn mạnh, lão nông Phạm Tấn Lực không phải là người phát hiện ra tất cả các sai phạm trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mà sau này các cơ quan điều tra đã kết luận. Phần việc của lão chủ yếu tập trung ở khu vực địa phận huyện Bình Sơn. Nhưng chúng tôi cũng xác định, lão có công trong việc tố cáo những vấn đề liên quan tới vật liệu bồi đắp nền đường, việc thi công gian dối ở các cầu vượt và có thể quan sát được bằng mắt thường. Một vài kỹ sư trong công trường vì muốn lên tiếng nên đã âm thầm gửi tài liệu cho lão và bà con nông dân.

Ông Bùi Văn Chương, từng có thâm niên 16 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Phú Lễ 2, xã Bình Trung chia sẻ về việc chi bộ có 63 đảng viên, khi thấy quần chúng nhiệt tình đi tố cáo sai phạm của nhà thầu cũng đã có ý kiến hỗ trợ, động viên để bà con giám sát công trình trọng điểm quốc gia đúng phận sự của một người dân.

Suốt 4 năm tiếp nhận thông tin từ lão nông Sáu Lực, cộng tác viên báo Tiền Phong đã coi trọng chiến thuật “điểm thắt nút” - đề cao lão nông, nhằm khuyến khích nhiều nông dân ở dọc tuyến cao tốc hãy phát huy tinh thần làm chủ của người dân; đánh động các cơ quan chức năng về những nguy cơ thi công gian dối, tránh tình trạng đường làm xong mới thấy sai và sau đó bị mất quá nhiều cán bộ.

Lão nông mở chuyên án cao tốc - Bài 2: 'Hãng thông tấn xã' của những Hai Lúa ảnh 2

Một nông dân khác tham gia hoạt động giám sát xe chở vật liệu đi vào công trường ảnh: Văn Chương

Phần nền đường bị hư hỏng nhiều nhất lại không rơi vào gói thầu A3 mà lão nông hàng ngày tố cáo. Gần đây nhất là vào ngày 6/5/2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản yêu cầu VEC phải khắc phục và sửa chữa các đoạn hư hỏng trên tuyến quốc lộ 14B từ Km 23+126 - Km 24 + 835, tại nút giao thông Túy Loan, địa phận thành phố Đà Nẵng. Hư hỏng ở khu vực này được nhận định là có chiều hướng xấu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Quay trở lại vụ việc lão nông chống tiêu cực, từ khi thông tin của báo Tiền Phong đi tiên phong trong việc phanh phui, đánh động, một số kỹ sư, công nhân trên công trường bắt đầu ý thức được điều này và thỉnh thoảng nhắn tin về “chất lượng công trình rất có vấn đề…”, trong đó kỹ sư Lê Trọng Danh là ví dụ điển hình. Ông Danh tham gia giám sát tại gói thầu A 3, trong quá trình thi công đã tố cáo đơn vị thi công khoan cọc nhồi VD09A Km 107 + 307 không đúng biện pháp, không sử dụng phụ gia bentonite; cầu VD09C cũng không sử dụng phụ gia bentonite…”.

Sau này, trong phiên tòa xét xử vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vào ngày 23/11/2021, nguyên Phó Tổng giám đốc VEC ông Nguyễn Mạnh Hùng có những sai phạm liên quan tới vật liệu xây dựng, việc chuyển từ công nghệ VTO sang Novachip; không có giải pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng xây dựng, dẫn đến các hạng mục công trình thi công hoàn thành đã không được nghiệm thu đúng quy định; chất lượng công trình hoàn thành không đảm bảo nhưng đã ký các hồ sơ thanh toán... gây thiệt hại hơn 420 tỷ đồng.

Mỗi lần chúng tôi ra gặp, lão nông Sáu Lực đổ toẹt ra mặt bàn và cả mặt đất hàng trăm tấm ảnh chụp nhiều góc độ, những lá đơn tố cáo nhà thầu phụ móc đất bẩn đổ lên mặt đường. Lão nông và bà con nông dân thường đánh máy nội dung sai phạm của nhà thầu, chụp ảnh hiện trường để chứng minh nội dung đã phản ảnh, sau đó gửi thư đến các tòa soạn để tiếp tục tố cáo nhà thầu. Sau khi báo chí đăng tải họ viết thư cảm ơn truyền thông đã đồng hành với bà con.

Theo thời gian, những chứng cứ mà lão nông Phạm Tấn Lực cung cấp cho báo chí có nghiệp vụ hơn. Cụ thể như các cống hộp vượt qua đường dân sinh của khu dân cư, cánh đồng…khi nhà thầu vừa xây dựng xong đã tơi tả sau 1 cơn mưa; nước mưa đã xói ra lớp đá được lót ẩu để tăng khối lượng; nước mưa ngấm qua mặt cống mới xây dựng chảy xuống đầu người đi đường. Khôi hài nhất là lớp bê tông dày hàng mét, nhưng nước mưa ngấm xuyên qua và chảy thành vòi phun ở phần trụ đỡ…

MỚI - NÓNG