Làng biển trong 'bão' giá xăng dầu - Kỳ 4: Phận người nơi chợ cá bên chân sóng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dù là tự phát nhưng khu chợ cá lúc rạng sáng của làng biển Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã tồn tại hàng chục năm nay. Bao phận người đã neo đời mình nơi khu chợ cá bên chân sóng này. Đói no của họ phụ thuộc vào sự vơi đầy của những chiếc thuyền cá cập bờ sau một đêm đánh bắt trên biển.

Họp chợ lúc bình minh

Con đường dẫn xuống chợ lồng lộng gió, chỉ có tiếng sóng biển rào rạt vỗ bờ. Đã 4 giờ sáng nhưng không một bóng người, những ngôi nhà hai bên đường dường như vẫn chìm trong giấc ngủ. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng lo lắng: “Chẳng lẽ ngư dân ở đây nghỉ biển hết rồi sao. Em và vợ tuần nào cũng ra đây, vừa thăm thú, vừa chọn mua cá tươi về ăn. Trước đây, gà vừa gáy sáng là cả khu làng này náo nhiệt lắm rồi. Hôm nay sao lại thế nhỉ?”.

Làng biển trong 'bão' giá xăng dầu - Kỳ 4: Phận người nơi chợ cá bên chân sóng ảnh 1

Những mớ cá tươi ròng được chuyển lên bờ

Theo anh bạn đồng nghiệp, khu chợ này do chính những người dân ở đây nhóm họp tự phát, nhưng khá nổi tiếng vì khách du lịch đến đây rất nhiều. Họ đến để được tận mắt chứng kiến những mớ cá tươi ròng, những rổ mực còn sống, uốn vòi quặp lấy tay người khi chạm đến. Rồi cách mua bán của người kẻ biển, đốp chát nhưng lại chân chất… Ít nhiều khu chợ này đã tạo cho mình một nét văn hoá riêng có, hiếm gặp, nên rất hút khách du lịch.

Khu chợ nhóm họp bên chân sóng, kéo dài chừng 500m, có hôm cá nhiều khu chợ có thể kéo dài cả kilomet. Trong tiếng sóng vỗ rì rào, những nhóm phụ nữ ngồi rải rác trên lối đi dẫn xuống chợ. Họ là những người làm nghề gánh nước thuê ở chợ. Đội quân này thường có mặt ở chợ sớm nhất, họ gánh những thùng nước biển để sẵn trên bờ, gần những chiếc xe đông lạnh, để khi cá về các đầu nậu dùng nước này để rửa và ướp cá. Với họ, thời tiết dù có khắc nghiệt tới mức nào thì cũng chẳng bao giờ vắng mặt ở chợ. Vài chục nghìn đồng từ những gánh nước ướp cá mỗi ngày cũng trở nên quý giá cho cuộc mưu sinh nơi làng biển này.

Dường như họ tự ti với cái nghề của mình trước người lạ. Chúng tôi bắt chuyện, các chị cương quyết không nói tên và không cho chụp ảnh. Một chị trong nhóm chừng 50 tuổi tâm sự: Chị làm nghề này đã 30 năm nay, từ ngày khu chợ mới manh nha nhóm họp. Đội quân của chị đa số là người địa phương, nhà nghèo, không có nghề nghiệp, nên đành phải neo mình vào cái nghề gánh nước biển. Ngày cá về nhiều, có khi các chị cũng kiếm được 100 nghìn đồng, còn ngày ít cá thì chỉ vài chục nghìn. Dù ít, dù nhiều nhưng chưa ngày nào các chị ra đây mà không có thu nhập mang về. “Đợt ni khó khăn hơn. Xăng dầu tăng cao, thuyền ra biển ít hơn nên thu nhập của bọn tui cũng giảm nhiều. Hôm nay chắc là ngoài tàu báo về đánh được ít cá nên nậu cá đến ít, chứ trước đây giờ này là rộn ràng lắm rồi” - chị tâm sự.

Ướt sũng vì cá

Ở chợ cá Nhân Trạch, ngoài những người bản địa thì phần đông là tiểu thương của các chợ ở Đồng Hới, Hoàn Lão (Bố Trạch), Quán Hàu (Quảng Ninh)… Bình minh vừa ló dạng phía chân trời, cũng là lúc lác đác vài chiếc xe động lạnh trờ tới, cùng những chiếc xe máy thồ hàng tiến về phía chợ. Phía ánh bình minh nhuộm vàng con sóng, lác đác những chiếc thuyền chậm rãi tiến vào bờ.

Ngồi trên bờ cát đợi thuyền, bà Hồ Thị Dồn (Nhân Trạch) cho biết: Đã hơn 30 năm làm nghề buôn cá ở khu chợ này nhưng chưa có lúc nào mà việc mua bán lại khó khăn như đợt này. Trước đây, các chị chỉ việc đứng trên bờ, chờ ngư dân dưới tàu đưa cá lên bờ, tùy chọn để mua. Nhưng nay thì khác, để có hàng chạy chợ, các chị phải bơi ra, có khi nước lút đầu để đón cá. Nếu không nhanh chân sẽ bị người khác giành mất.

Một, hai, rồi ba… chiếc tàu cập bờ, cả khu chợ nhốn nháo ào xuống biển. Những chiếc thuyền thúng từ trên tàu cá được hạ xuống, từng khay đựng cá được chuyển xuống, từ từ tiến vào bờ. Cả đoàn người nhảy ùm xuống nước bơi về những chiếc thuyền thúng. Ai bơi nhanh hơn, tay ai chạm vào mạn thuyền thúng đầu tiên thì xem như phần cá, tôm trên đó là của người ấy. Cứ thế hết lượt này đến lượt khác, các chị ngâm mình trong nước biển để đón cá về.

Bỏ mặc sự nhốn nháo của các tiểu thương, một cụ ông chừng 70 tuổi tách mình ra khỏi đám người đông đúc, đứng bất động nhìn về phía biển. Tàu cá con trai của cụ vẫn chưa vào. “Làm nghề biển, người ở nhà còn lo hơn người trên biển chú à. Nỗi lo ấy gần như thường trực trong mỗi người dân làng biển. Hết lo sóng gió bất thường, lại đến lo làm ăn thất bát. Đợt này xăng dầu tăng quá cao, nếu không may mắn là lỗ vốn như chơi. Từ ngày giá dầu tăng cao, cả làng biển này bữa được, bữa mất, nhưng phải cố ra khơi, ở nhà chẳng có nghề ngỗng gì làm” - cụ ông tâm sự.

Làng biển trong 'bão' giá xăng dầu - Kỳ 4: Phận người nơi chợ cá bên chân sóng ảnh 2

Cụ ông đợi tàu cá con trai cập bờ

Với những người dân lớn lên trên cát như ông, hơn 40 năm theo nghề biển, biển chính là máu thịt. Ông bảo, có dạo biển ô nhiễm bởi Formosa, cả làng dừng đi biển, chợ cá cũng chẳng còn bóng dáng ai. Người miền biển quê ông những ngày ấy buồn lắm. “Không biết giá xăng dầu tới đây có giảm không, nếu tình trạng này cứ kéo dài, ngư dân chúng tôi không thể chịu nổi, khu chợ cá này rồi lại vắng tanh như hồi Formosa mất thôi” - cụ ông lo lắng.

Rồi tàu cá của con trai ông cũng cập bờ, những mớ cá tươi ròng được chuyển xuống. Vừa trao mấy rổ cá cho các tiểu thương, người thanh niên mặt sạm đen, người ướt sũng nước, chạy về phía cụ già, mặt tươi cười thông báo: “Hôm ni trúng được mẻ cá nục cha à. Chắc là không lỗ tổn (chi phí cho chuyến đi) mô”.

Khoảng 6 giờ sáng, mặt trời đã lên cao, chợ cá bắt đầu vãn dần. Hải sản được chuyển lên những chiếc xe máy hay xe đông lạnh đang đợi sẵn phía trên bờ. Bà Dồn hôm nay cũng mua đủ cá cho phiên chợ tiếp theo. Bà nhoẻn miệng cười...

(Còn nữa)

Ông Nguyễn Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch cho biết: Xã có hơn 100 tàu thuyền làm nghề đánh bắt gần bờ chuyên khai thác, mực, cá nục, cá trích, cá cơm, ruốc… Nhờ khai thác gần bờ, sản phẩm tươi rói nên bán rất được giá. Cũng may khai thác gần bờ nên phí tổn xăng dầu cũng đỡ, nên tàu thuyền không phải nằm bờ như những vùng đánh bắt xa bờ. Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, xã có chính sách đẩy mạnh xuất khẩu lao động, chuyển đổi nghề nghiệp. Toàn xã hiện đang có hơn 2.000 lao động làm việc ở nước ngoài, gần như nhà nào trong xã cũng có con em xuất khẩu lao động, nên đỡ đần rất nhiều cho gia đình trong giai đoạn khó khăn này.

MỚI - NÓNG