Làng biển trong 'bão giá' xăng dầu - Kỳ 2: Mất rồi… nghề bóng mực!

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bóng mực - một nghề đánh bắt hải sản truyền thống, không chỉ nuôi sống bao thế hệ, mà còn là hồn cốt, là văn hoá của làng biển Lý Hoà. Nhưng nay thì nghề bóng mực ở ngôi làng biển nằm cạnh bãi biển Đá Nhảy đẹp như mơ này gần như mất dạng, đang là nỗi day dứt của nhiều người…

Nghề “dưỡng” biển

Chúng tôi về làng Lý Hoà, xã Hải Phú, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đúng vào mùa bóng mực nhưng trên bến, dưới thuyền đều không thấy hình dáng ngư cụ bóng mực đâu cả. Thay vào hình ảnh những lão ngư đánh trần ngồi đan bóng mực, giờ cũng chính những lão ngư đó đang ngồi trên bờ kè nhìn xa xăm ra phía biển. Bến thuyền vắng lặng, những chiếc thuyền trống trơn không hề có dấu hiệu vươn khơi.

Lão ngư Hồ Văn Mức gắn bó với nghề bóng mực từ năm 15 tuổi và ông chưa từng nghĩ, lại có một ngày phải “chia tay” cái nghề đã nuôi sống bao thế hệ gia đình ông. Chỉ tay về phía biển, ông nói gốc gác làng Lý Hoà ở làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) di cư bằng đường biển vào đây đã mấy trăm năm. Cái nghề bóng mực cũng từ đó mà theo vào, nên ở Quảng Bình chỉ duy nhất làng Lý Hoà làm nghề bóng mực.

Ông Thanh tâm sự: “Để chuẩn bị cho mùa đánh bắt năm nay gia đình tôi đầu tư gần 500 chiếc bóng, trị giá gần 40 triệu đồng. Mới đi được mấy chuyến, chưa thu hồi vốn thì tàu giã cào đã phá cho tanh bành. Đang sửa sang để duy trì nghề thì giá xăng dầu tăng cao mà không có dấu hiệu hạ xuống. Nếu cố đi thì cầm chắc phần lỗ nên tôi quyết định nghỉ luôn. Nhớ lắm, tiếc lắm cái nghề của cha ông bao đời để lại nhưng không còn cách nào khác”.

Theo ông Mức, nghề bóng mực không đơn thuần là một nghề mưu sinh mà còn là hồn cốt, là văn hóa độc đáo của người xưa để lại. Không những thế, nghề bóng mực còn mang tính nhân văn sâu sắc, vì nó không chỉ bảo vệ môi trường biển mà còn đánh bắt thủy, hải sản có chọn lọc, không theo kiểu tận diệt như những nghề khai thác thuỷ sản khác.

Làm nghề bóng mực, ngư dân không chỉ giỏi việc đánh bắt mà còn phải giỏi nghề đan lát. Để chuẩn bị bóng mực cho một mùa đánh bắt mới, hằng năm vào dịp giáp Tết Nguyên đán, ngư dân làng biển Lý Hòa lại tỏa về các vùng quê nông nghiệp để tìm mua tre. Những cây tre gà, thân thẳng, không bị sâu được thu mua về để đan bóng mực. Người đan bóng mực theo kiểu đan lóng mốt, các nan chéo một lên, một xuống xen kẻ nhau thành một tấm phẳng, sau đó ghép các cạnh lại với nhau, uốn thành một chiếc lồng. Bóng mực có kích thước đồng đều: dài 1,5 m; rộng 1m và cao 1m. Miệng bóng mực (bẫy bóng) là một chiếc hom cũng đan bằng tre. Chiếc hom được đan nhỏ dần vào phía trong để khi mực, cá chui vào không thể thoát ra ngoài được.

Làng biển trong 'bão giá' xăng dầu - Kỳ 2: Mất rồi… nghề bóng mực! ảnh 1

Những chiếc thuyền trông trơn nằm bờ chờ ngày xăng dầu hạ giá

Những chiếc bóng mực sau khi được làm xong, ngư dân đặt vào đó một hòn đá đủ nặng và kết nối chúng với nhau bằng một sợi dây thừng dài hàng trăm mét gọi là cọng bóng. Trung bình mỗi cọng bóng có từ 30 đến 40 cái bóng mực. Sau khi đã hoàn chỉnh số lượng cọng bóng cần làm (tùy theo chủ thuyền), ngư dân cho thuyền ra biển ở làn nước từ 12 đến 15 sải (khoảng 30m chiều sâu) và thả bóng mực xuống đáy biển. Ngư dân làm nghề bóng mực chủ yếu là “bẫy” mực nang nhưng đôi lúc cũng bắt được những chú cá khủng sống ở tầng đáy như cá mú, cá hồng…

Ông Mức tâm sự: “Nghề bóng mực có cái hay là tối trời hay trăng sáng đều đánh bắt được. Ngư dân chỉ việc thả bóng mực xuống đáy biển, đánh dấu bằng những chiếc phao rồi quay về và chờ đến sáng hôm sau thì ra vớt lên, lấy “chiến lợi phẩm”, rồi lại thả xuống, vợt lên như thế cho đến hết mùa thì thu hồi bóng mực về, sửa sang lại, chờ đến mùa sau. Bóng mực được xem là nghề “dưỡng” biển, vì chiếc bóng có rất nhiều lỗ để những loài thuỷ sản chưa trưởng thành có thể thoát ra ngoài, chỉ những chú cá, mực đủ lớn thì mắc lại phía trong. Đánh bắt bằng bóng mực thì biển không bao giờ cạn kiệt nguồn thuỷ sản”.

Tiếc nuối nghề xưa

Làng biển trong 'bão giá' xăng dầu - Kỳ 2: Mất rồi… nghề bóng mực! ảnh 2

Ngư dân Lý Hòa ngày còn làm nghề bóng mực trên biển

Ngư dân Phạm Chí Thanh, một người có thâm niên gắn bó với nghề bóng mực hơn 20 năm cho biết, thời kỳ hưng thịnh ở làng biển Lý Hòa có hàng trăm hộ làm nghề, trung bình mỗi hộ có trên dưới 500 chiếc bóng mực. “Nghề bóng mực thường bắt đầu từ tháng Giêng cho đến hết tháng 5 âm lịch. Thời điểm này trong năm nắng ấm, cá mực sinh sôi nhiều, nên nghề bóng mực có thu nhập ổn định. Nhiều gia đình, đời cha, con, cháu đều gắn bó với nghề này. Những đứa trẻ mới 11, 12 tuổi đã theo ông cha ra biển, rồi nối nghiệp từ đó” - ông Thanh chia sẻ.

Ông Thanh kể: “Trước đây, mỗi lần ra biển, ngư dân làm nghề bóng mực đi từ 3 giờ chiều đến 4 giờ sáng là vô. Trung bình mỗi đêm như vậy cũng bẫy được hơn chục kilogam mực nang, có bữa trúng mánh còn được nhiều con cá nặng cả chục ký, có khi kiếm tiền triệu. Thế mà bây giờ, nhìn quanh, cả ngôi làng biển Lý Hòa này, không còn một ai làm nghề này nữa. Những chiếc thuyền nằm bờ lâu ngày không hoạt động máy móc gỉ sét, hàu hà bám đầy vỏ thuyền”.

Nói về nguyên nhân làng biển Lý Hòa phải từ bỏ nghề bóng mực, ngư dân Phạm Chí Thanh cho rằng: Ngoài nguyên nhân nguồn hải sản bị cạn kiệt, tàu giã cào càn quét làm hỏng bóng mực, thì nguyên nhân chính vẫn là do giá xăng dầu tăng quá cao. “Nghề bóng mực cho ngư dân thu nhập ổn định, nhưng không giàu có. Thế hệ trẻ sau này nhiều ước mơ, nhiều hoài bão nên không còn mặn mà với nghề cha ông để lại. Gặp đúng lúc đang chông chênh duy trì nghề cũ hay tìm nghề mới có thu nhập cao hơn thì giá xăng dầu cứ tăng vùn vụt, thu không đủ bù chi nên các gia đình cứ thế lần lượt bỏ nghề” - ông Thanh nói.

Đem câu chuyện về nghề bóng mực đang bị mai một ở làng biển Lý Hòa trao đổi với chính quyền xã Hải Phú, bà Phan Thị Ánh Nguyệt, Chủ tịch UBND xã cũng bày tỏ sự tiếc nuối. Bà Nguyệt cho biết, nghề bóng mực là một nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm qua ở làng biển Lý Hòa. “Để nghề bóng mực mất đi, không chỉ ngư dân mà chính quyền địa phương cũng tiếc nuối và trăn trở lắm. Mong sao thời gian tới, khi các ngành chức năng kiểm soát và xử lý mạnh những vi phạm của tàu giã cào, giá xăng dầu hạ nhiệt ngư dân Lý Hòa sẽ quay lại với nghề bóng mực” - bà Nguyệt chia sẻ.

Rời làng biển Lý Hòa, nhìn những chiếc thuyền trống trơn kê mũi bên bờ kè mà không khỏi xót xa. Giá xăng dầu đang tác động ghê gớm đến từng ngõ ngách của các làng biển. Ngư dân Lý Hoà cũng không ngoại lệ, họ đang gánh chịu thiệt hại, bất lực mà phải từ bỏ nghề truyền thống của cha ông, với phương thức đánh bắt “nuôi dưỡng” biển mẹ. (Còn nữa)

MỚI - NÓNG