'Lạnh gáy' với cây kim dài ghim vào khí quản bé trai 10 tuổi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trên hình ảnh kiểm tra, các bác sĩ cũng phải “lạnh gáy” khi một đầu của cây kim dài gần 5cm đã ghim vào khí quản của bệnh nhi.

Đó là trường hợp của cậu bé Phạm Vinh Q. (10 tuổi, ngụ tại Bạc Liêu) vừa được bệnh viện địa phương chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM.

Ngày 17/6, thông tin từ BS Lý Phạm Hoàng Vinh, khoa Tai mũi họng cho biết, thời điểm nhập viện, bệnh nhi Q bị đau vùng cổ, không khó thở.

'Lạnh gáy' với cây kim dài ghim vào khí quản bé trai 10 tuổi ảnh 1

Hình ảnh kiểm tra cho thấy cây kim dài gần 5cm ghim vào khí quản của bệnh nhi

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ bệnh nhân ghi nhận, trước đó cậu bé ngậm cây kim (dạng kim ghim, có một đầu bọc nhựa, một đầu nhọn) trong miệng. Trong lúc sơ ý, cậu bé đã để cây kim lọt vào trong, sau đó cố gắng ho khạc ra nhưng không được. Gia đình đã đưa cậu bé đến bệnh viện nhờ bác sĩ hỗ trợ.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, kết quả kiểm tra hình ảnh, bác sĩ ghi nhận cây kim, đang nằm trong đường thở của bệnh nhi, đầu nhựa quay xuống dưới, đầu nhọn quay lên trên và ghim sâu vào thành khí quản khoảng 1cm. Sau hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định thực hiện nội soi cấp cứu lấy dị vật.

Bằng thiết bị nội soi chuyên dụng, bác sĩ đã nắm đuôi kim đẩy xuống dưới để đưa đầu nhọn phía trên ra khỏi niêm mạc khí quản. Ê kíp đã dùng kềm vi phẫu nắm đầu nhọn của kim đưa ra khỏi đường thở thành công và không gây tổn thương đường thở.

Dị vật được lấy ra ngoài là 1 cây kim dài gần 5cm với 1 đầu nhựa màu cam. Sau nội soi gắp dị vật, sức khỏe bệnh nhi đã bình phục tốt, không còn đau, hết cảm giác khó thở và ăn uống được.

'Lạnh gáy' với cây kim dài ghim vào khí quản bé trai 10 tuổi ảnh 2

Các bác sĩ đã thực hiện nội soi lấy thành công cây kim ra khỏi đường thở bệnh nhi

BS Hoàng Vinh cho biết, dị vật đường thở là cây kim sắc nhọn như trường hợp trên là tai nạn rất hiếm gặp, bệnh viện chỉ ghi nhận 2 ca trong 15 năm gần đây.

Dị vật nhọn trong đường thở không chỉ làm tắc nghẽn, khó thở cho bệnh nhân mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng như thủng khí phế quản, tràn khí hoặc tổn thương các mạch máu và cơ quan xung quanh, có thể dẫn đến tử vong.

Để tránh tai nạn tương tự, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh tuyệt đối không nên đặt những vật sắc nhọn nguy hiểm trong tầm tay của con trẻ. Những trường hợp không may bị sặc, hóc dị vật đều rất nguy hiểm, người nhà cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.

MỚI - NÓNG