Lằn ranh bạo hành

0:00 / 0:00
0:00
TP - "Chồng suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp cũng là bạo lực gia đình" là cái tít báo chí trích lời phát biểu của nữ đại biểu tỉnh Long An tại thảo luận tổ mới đây của Quốc hội về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Phát biểu trên, nếu được xem xét, lắng nghe một cách đầy đủ và nguyên văn, thì là tình huống rất đáng suy ngẫm để có thể bổ sung vào luật.

Hẳn nhiều người còn chưa quên cú tát trời giáng của Will Smith vào mặt người dẫn chương trình Chris Rock trên sân khấu lễ trao giải Oscar lần thứ 94 hồi cuối tháng 3 mới đây. Ngay sau câu châm chọc của Chris về cái đầu trọc (do bệnh lý) của người vợ Smith lúc đó cũng đang dự khán. Kết quả như cả thế giới đã biết: Tài tử điện ảnh Will Smith đã phải xin lỗi, chấp nhận án phạt nặng nề, và chịu những thiệt hại không nhỏ về nghề nghiệp cũng như hình ảnh. Nhưng điều khó hiểu, là cho đến bây giờ diễn viên hài Chris Rock lại chưa một lần lên tiếng xin lỗi, hay ngỏ ý lấy làm tiếc về câu đùa có vẻ không hề bột phát của mình!

Lằn ranh bạo hành ảnh 1

Tác giả

Bạo hành bằng tay chân có vẻ dễ dàng bị lên án, còn những thứ bạo lực tinh vi bằng lời nói, và những cử chỉ gây ức chế tâm lý thì lại dễ dàng bị bỏ qua. Như hiển nhiên rằng bất kỳ ai cũng có thể thoải mái đùa cợt trên khiếm khuyết cơ thể và nỗi đau bệnh tật của người khác, có thể vô tư tra tấn tâm lý người khác!

Đang nóng hổi vụ thắng kiện của Johnny Depp với vợ cũ là Amber Heard, cũng là hai ngôi sao đình đám Hollywood. Không phải ngẫu nhiên tòa phán quyết phần thắng thuộc về nam tài tử “Cướp biển vùng Caribe” sau phiên xử kéo dài 6 tuần và những tranh chấp pháp lý của cặp đôi này kéo dài tới 6 năm. Mọi chuyện tưởng đã dàn xếp xong xuôi, nhưng chính bài báo mang tính phiếm chỉ của người vợ cũ trong đó cho rằng mình là “nạn nhân của bạo hành gia đình” được đăng trên một tờ báo lớn mà tòa soạn dễ dàng bỏ qua khâu kiểm chứng đã là “giọt nước tràn ly” khiến mới đây Depp buộc phải kiện lại vợ cũ. Bởi chỉ vì mấy chữ vu vơ trong bài báo, thêm cộng hưởng dữ dội từ #MeToo mà Heard là đại diện nữ quyền của phong trào này, khiến Depp bị cả thế giới tẩy chay, sự nghiệp gần như phá sản.

Từ đây, các chuyên gia bắt đầu chỉ ra mặt trái và giới hạn cần có của phong trào #Me Too, khi với hashtag này ai cũng có thể đưa ra câu chuyện của mình mà hầu như không cần đến bằng chứng. Cũng như chính Heard đã không thể trình ra những bằng chứng thuyết phục trước tòa.

Thực ra Amber Heard hay vợ của Will Smith cũng như vô vàn người khác trên thế giới này không phải bao giờ cũng là những “nạn nhân hoàn hảo”, để có thể khiến pháp luật hoàn toàn đứng về phía mình. Bởi lằn ranh, dấu vết, bằng chứng của nạn bạo hành nhiều lúc rất mơ hồ, mong manh, không phải lúc nào cũng rõ ràng như nắm đấm. Đó cũng chính là tính chất đa chiều, phức tạp phản ánh mọi khía cạnh của đời sống hiện đại mà sự điều chỉnh của luật pháp không phải lúc nào cũng theo kịp.

“Chồng đi làm về nhà nhưng im lặng suốt, không nói gì cả, hoặc suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo; rồi “giận cá chém thớt”, giận dỗi vô cớ… cũng là hành vi bạo lực gia đình, làm cho đối tượng bị tác động khủng hoảng về mặt tâm lý”, đó là nguyên văn phát biểu của vị ĐBQH. Đừng nên nhìn điều đó dưới góc nhìn hài hước.

MỚI - NÓNG