Xây dựng Luật công nghiệp trọng điểm:

Kỳ cuối: Để không lỡ hẹn mục tiêu “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, làm nền tảng quan trọng cho thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Vấn đề còn lại lúc này chính là làm sao để đưa vào triển khai sớm để Việt Nam không lỡ hẹn mục tiêu “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Thưa ông ! Ông đánh giá như thế nào về mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam thời gian qua? Trong tiến trình thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dự thảo Luật Công nghiệp hỗ trợ có vai trò như thế nào?

TS Lê Đăng Doanh: Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo mục tiêu của một số kỳ Đại hội Đảng cho đến nay chưa thực hiện được. Chúng ta đã “lỡ hẹn” 3 lần mục tiêu tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà Việt Nam. Đa số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, còn hạn chế về nhân sự, nguồn lực tài chính, năng lực nghiên cứu phát triển sản phẩm…

Chúng ta cũng phải nhìn nhận rõ, thời gian qua, việc thực hiện công nghiệp hoá đã rút ra bài học gì về phát triển doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, địa phương, đặc biệt trong thu hút đầu tư nước ngoài. Những nút thắt này cũng cần được nhìn nhận để trong văn bản chính sách mới trong đó có Luật Công nghiệp trọng điểm có sự điều chỉnh phù hợp. Đồng thời Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ thúc đẩy cho phát triển các ngành công nghiệp, làm nền tảng quan trọng cho thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thời gian tới, chúng ta cần lựa chọn một số ngành công nghiệp để ưu tiên phát triển dựa theo lợi thế của đất nước. Đây phải là ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, có ý nghĩa nền tảng, có tác động lan toả cao đến các ngành kinh tế khác. Việc xác định các ngành công nghiệp ưu tiên phải định kỳ phải đánh giá hiệu quả hoạt động theo các tiêu chí để có điều chỉnh phù hợp.

Chúng ta thực hiện công nghiệp hoá trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo…; áp lực về kinh tế xanh rất dữ dội, sản xuất ra sản phẩm không theo tiêu chí xanh không bán được, thậm chí sẽ bị trừng phạt. Việt Nam cam kết hội nhập rất sâu rộng trong khi nền công nghiệp chưa phát triển nên sứ mệnh của Luật Công nghiệp trọng điểm là thúc đẩy công nghiệp phát triển nhanh, mạnh và an toàn. Xét những khía cạnh trên, Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm còn cần bao gồm cả kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế có năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

Chúng ta cũng nên làm rõ vai của doanh nghiệp Nhà nước, kinh tế tư nhân phát triển như thế nào, thu hút đầu tư FDI ra sao? Qua xem xét thực tế, một số địa phương thu hút doanh nghiệp FDI quy mô quá nhỏ, không đem lại lợi ích về công nghệ nhưng vẫn được hưởng ưu đãi về đất đai, thuế. Nên chăng cần xem xét lại các ưu đãi, thậm chí xây dựng thước đo khắt khe hơn về chuyển giao khoa học công nghệ, giá trị gia tăng, xuất khẩu… trong thu hút đầu tư FDI để đạt mục tiêu công nghiệp hoá thực chất hơn.

Kỳ cuối: Để không lỡ hẹn mục tiêu “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” ảnh 1

TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.

Chính sách phải thuận lợi cho doanh nghiệp

Thưa ông ! Hiện nay, có nhiều luật hiện hành có liên quan tới Luật Công nghiệp trọng điểm. Theo ông nên làm cách nào để hài hòa quy định pháp luật này?

TS Lê Đăng Doanh: Xu hướng phát triển hiện đại của thế giới đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải số hóa, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

Với một số đạo luật hiện hành có liên quan như Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghiệp quốc phòng nên kết hợp cùng Luật Công nghiệp trọng điểm để có sự bổ trợ, tránh trùng lặp, lãng phí nguồn lực của cả Nhà nước và doanh nghiệp. Ban soạn thảo Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm nên làm rõ trọng điểm của luật là gì, nên có chương trình định kỳ xem xét báo cáo, phần thưởng và chế tài nhằm thực thi hiệu quả.

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước với lĩnh vực công nghiệp còn phân tán, đa số doanh nghiệp là nhỏ và vừa nên bị hạn chế về nhân sự, nguồn lực tài chính, nghiên cứu phát triển sản phẩm... Chúng ta cần rút kinh nghiệm trong công tác quản lý quy hoạch, chiến lược phát triển và xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm.

Trong Dự án Luật cũng nên bổ sung luận điểm về sự kết nối giữa các Viện, trường- cơ sở khoa học, doanh nghiệp tư nhân- doanh nghiệp Nhà nước và cần có sự phân công linh hoạt giữa các đối tượng để có sự kết hợp hài hoà và hợp lý hơn.

Theo ông, những yếu tố cần từ cơ chế, chính sách, vốn cũng như hạ tầng, chính sách phát triển chuỗi cung ứng, vai trò của các địa phương và bộ ngành trong phát triển công nghiệp hỗ trợ của Luật Công nghiệp trọng điểm như thế nào?

TS Lê Đăng Doanh: Cách mạng công nghiệp 4.0 với trí thông minh nhân tạo, Internet vạn vật, chuyển đổi sang kinh tế xanh...diễn biến nhanh chóng, đòi hỏi sản xuất công nghiệp phải tái cơ cấu, đầu tư mạnh vào khoa học-công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng suất lao động, cải thiện tỷ lệ giá trị gia tăng được sản xuất tại Việt Nam trong các sản phẩm sản xuất và xuất khẩu.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần kết nối trực tiếp theo chuỗi giá trị toàn cầu. Bộ máy nhà nước cần nâng cao hiệu quả trợ giúp doanh nghiệp, chuyển mạnh sang Chính phủ điện tử, giảm bớt các giấy phép con, chi phí không chính thức.

Chúng ta đã có bài học kinh nghiệm của những năm đổi mới, xé rào và cắt giảm các giấy phép con năm 2000-2001 khi thực hiện quyền tự do kinh doanh theo pháp luật của công dân. Cơ quan chức năng cần tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, nghiên cứu cắt giảm giấy phép con. Cần chuyển mạnh sang Chính phủ điện tử, thực hiện công khai minh bạch trong các quan hệ giữa nhà nước với doanh nghiệp và công dân.

Nhiều địa phương như Đồng Tháp, Quảng Ninh, Hải Phòng có mô hình tiên tiến trong phối hợp với doanh nghiệp, thường xuyên lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp để giảm bớt các thủ tục phiền hà, giảm bớt chi phí về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.

Dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ. Việc thực hiện hỗ trợ cần nhanh chóng, thuận lợi cho doanh nghiệp thay vì thủ tục phức tạp, rườm rà. Có như vậy, chính sách hỗ trợ trong Luật Công nghiệp trọng điểm mới phát huy được hiệu quả.

Xin cảm ơn ông !

MỚI - NÓNG