Tạo bệ đỡ cho công nghiệp hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ tham gia hội chợ để tìm kiếm khách hàng, thị trường (ảnh: U.P)
Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ tham gia hội chợ để tìm kiếm khách hàng, thị trường (ảnh: U.P)
TPO - Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), lãnh đạo UBND TPHCM cho biết, thành phố sẽ xây dựng và triển khai các chính sách đặc thù giúp doanh nghiệp có đà phát triển, mở rộng hoạt động và tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp FDI.

Teo tóp đơn hàng

Mặc dù từng ngập tràn đơn hang cung cấp các linh kiện cao su thuộc lĩnh vực thiết yếu cho các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc để làm máy giặt, máy lạnh… nhưng thời gian gần đây, Công ty TNHH Cao su Đức Minh (huyện Hóc Môn) cũng bắt đầu hoạt động chậm lại.

Ông Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc Công ty cao su Đức Minh, Chủ tịch Hội Nhựa - Cao su TPHCM cho biết, nhiều doanh nghiệp trong Hội đã bị giảm đơn hàng từ 20-30%, thậm chí có nơi giảm tới 50% rơi vào các sản phẩm không thiết yếu. “Hiện đơn hàng 6 tháng cuối năm chưa khởi sắc, chúng tôi lo rằng khó khăn này sẽ tiếp tục kéo dài thêm một quý nữa trước khi có những tín hiệu tốt hơn” - ông Quốc Anh nói.

Ông Quốc Anh cho biết, khó khăn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là dòng tiền. Doanh nghiệp bán hàng không được, không thu được tiền của khách hàng. Còn ngân hàng hiện nay thừa tiền cho vay, tuy nhiên lãi vay vẫn rất cao (hơn 10%/năm) nên nhà kinh doanh không dám mạo hiểm.

Theo nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở TPHCM, tình trạng thiếu hụt đơn hàng sản xuất vẫn diễn ra trên diện rộng và ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Những ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố là điện - điện tử, lương thực thực phẩm, cao su, điện tử và dệt may… sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, thậm chí tăng trưởng âm.

Cùng đó, do đang bị vướng cơ chế nên nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ không thể vay vốn từ nguồn cho vay kích cầu của thành phố trong 2 năm qua. Đã có không ít doanh nghiệp công nghệp hỗ trợ đang đầu tư không được tiếp tục cấp vốn vay phải bán tài sản để “cầm cự”.

Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí Điện TPHCM nhìn nhận, thủ tục vay vốn rất phức tạp, trong khi những doanh nghiệp ngành cơ khí, điện của thành phố có tiếp cận vốn kích cầu đang phải đối mặt với tình trạng hàng loạt cuộc thanh - kiểm tra chuyên ngành từ các sở ngành liên quan. Bản thân doanh nghiệp hỗ trợ cũng gặp khó khăn trong việc thanh quyết toán từ nguồn vốn hỗ trợ này, khiến doanh nghiệp “ngại” vay vốn từ nguồn ngân sách.

Tạo bệ đỡ cho công nghiệp hỗ trợ ảnh 1

Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ tham gia hội chợ để tìm kiếm khách hàng, thị trường (ảnh: U.P)

Khẩn trương hỗ trợ về vốn, chính sách cho doanh nghiệp

UBND TPHCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ “Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành cơ khí - tự động hóa giai đoạn 2020 - 2030”. Thành phố xác định danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng ngành cơ khí - tự động hóa TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025; phát triển nguồn nhân lực cho ngành cơ khí - tự động hóa; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; triển khai các giải pháp về kích cầu đầu tư; hỗ trợ phát triển, ứng dụng các giải pháp công nghệ; hỗ trợ về mặt bằng; triển khai các giải pháp về truyền thông; hỗ trợ về mặt bằng sản xuất…

Theo lãnh đạo UBND TPHCM, trong giai đoạn 2023- 2025, thành phố sẽ tập trung các giải pháp then chốt, mang tính đột phá nhằm đạt được mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đã đề ra... Đồng thời, nghiên cứu cơ chế chính sách của địa phương có thể hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt quan tâm chú trọng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Cùng đó, thành phố cũng tạo kết nối cung cầu, mở rộng thị trường, nâng cao vị thế của thành phố trên bản đồ. Các hoạt động bao gồm hội nghị, hội thảo, giới thiệu phần mềm, giải pháp ứng dụng đến người dân, cơ quan đơn vị. Đặc biệt, thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí (quỹ phát triển) cho doanh nghiệp tiềm năng, có đổi mới sáng tạo…

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp TPHCM đã giải ngân gần 120.000 tỷ đồng, bằng 25,8% gói tín dụng các ngân hàng đăng ký trong năm nay.

Theo đó, đã có 20 ngân hàng đăng ký gói hỗ trợ tín dụng, với quy mô hơn 453.000 tỷ đồng để cho các doanh nghiệp vay với lãi suất hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho DN gắn với việc tăng hạn mức tín dụng. Trong đó, chương trình cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao với lãi suất ưu đãi; cho vay hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ.

Để tiếp tục đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ông Lệnh cho biết, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM vừa có văn bản gửi UBND quận, huyện và TP Thủ Đức đề nghị phối hợp đẩy mạnh tần suất kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cũng yêu cầu tại các lễ ký kết hỗ trợ vốn vay, các ngân hàng cần tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, thông tin kịp thời các chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng để các doanh nghiệp biết, qua đó có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi.

“Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM sẽ chủ động phối hợp với chính quyền các quận, huyện, TP Thủ Đức thực hiện các chương trình kết nối theo cụm địa phương, theo từng lĩnh vực ngành hàng nhằm hỗ trợ vay vốn hiệu quả hơn” – ông Lệnh nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG