Khi người Điếc làm phim

Mỗi cảnh quay đều được cả nhóm chăm chút từng góc máy. Ảnh: An My
Mỗi cảnh quay đều được cả nhóm chăm chút từng góc máy. Ảnh: An My
TP - Công viên Thống Nhất chiều cuối tuần. Một nhóm bạn trẻ đang loay hoay với chiếc máy quay. Ống kính hướng về hai bạn trẻ khác đang đứng nắm tay nhau gần đấy. Cả nhóm hơn chục người nhưng tuyệt nhiên không tiếng ồn, không một lời nói. Họ giao tiếp, trao đổi với nhau bằng ánh mắt, bằng ký hiệu qua đôi bàn tay. Họ là những người Điếc. Và họ đang làm phim.

Mới tiếp xúc với đoàn phim đặc biệt này, tôi ý nhị gọi họ là những “người khiếm thính” vì nghĩ danh từ này sẽ đỡ gây tổn thương hơn là “người Điếc”. Nhưng tôi đã lầm. Họ đề nghị tôi gọi là người Điếc bởi họ luôn tự hào mình là những người Điếc.

Chúng tôi nói về chúng tôi

Với sự tài trợ của chương trình Charlotte Peace Designer mang thông điệp “Hòa bình và phát triển”, đạo diễn trẻ Đỗ Thu Hiền cùng những người bạn tốt nghiệp trường điện ảnh đã thành lập nhóm “Nghe bằng mắt” để dạy người Điếc làm phim thông qua ngôn ngữ ký hiệu. Đây cũng là sân chơi điện ảnh đầu tiên ở Việt Nam dành cho cộng đồng người Điếc.

“Tôi bắt đầu học Ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội cách đây 5 năm. Cũng có nghĩa tôi chỉ như một đứa trẻ 5 tuổi trong cộng đồng người Điếc. Tôi dạy các bạn nhiều và các bạn ấy cũng dạy cho tôi về thế giới, cảm xúc, suy nghĩ của những người Điếc. Tôi mong muốn xây dựng một kênh thông tin dành riêng cho người Điếc, thể hiện những suy nghĩ, cảm nhận, khát vọng của người Điếc về cuộc sống, gia đình, công việc. Phim sẽ do chính những người Điếc thực hiện và sẽ có phụ đề để người Nghe hiểu hơn thế giới của người Điếc”- Thu Hiền chia sẻ.

Vậy là ra đời một lớp học đặc biệt với 12 học viên đến từ nhiều nơi khác nhau, làm những ngành nghề khách nhau như kỹ sư, thợ làm bánh, chủ tiệm cắt tóc, sinh viên… Điểm chung của họ là giao tiếp bằng tay và đam mê điện ảnh.

Trong hai tháng đầu, các bạn trẻ được học lý thuyết về cách làm phim. Từ viết kịch bản, đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim cho đến diễn xuất… Chỉ trong một thời gian ngắn, họ buộc phải làm quen với những khái niệm hoàn toàn mới như cấu trúc ba hồi, kịch bản phân cảnh, ánh sáng gắt và mềm, vàng và trắng, chân máy, thanh trục, cần cẩu…

Máy quay đi mượn, bàn dựng đi thuê. “Thầy cô” đứng lớp là Thu Hiền và 4 người bạn của mình. Lớp còn mời cả chuyên gia và một số nghệ sĩ, diễn viên đến giao lưu, trò chuyện. Sau khi hoàn thành khóa học lý thuyết, nhóm có hai tháng để đi quay 2 phim truyện và mỗi người thêm 1 phim tài liệu.

Đối với người Nghe, làm phim đã không dễ dàng gì, với người Điếc càng khó hơn. Giảng viên là người Nghe còn học viên là người Điếc, nhiều khái niệm mới trong ngôn ngữ khác nhau khiến những kiến thức, kỹ năng chuyên ngành khó được truyền tải tối đa. Để đạt hiệu quả tốt nhất, trước khi quay, nhóm phải bàn bạc, thống nhất mọi vấn đề với nhau từ diễn xuất của diễn viên. chọn lựa cảnh quay, góc quay sao cho truyền tải được nội dung thông điệp của bộ phim.

Dù không giao tiếp bằng tiếng nói nhưng lớp học của người Điếc vẫn rất sôi nổi. Họ tranh luận, góp ý, trao đổi, cười đùa với nhau. Thế giới qua thước phim của họ cũng vô cùng sinh động. Một thế giới với đầy đủ thanh âm qua cách nhìn, sự cảm nhận của riêng người Điếc.

Chạm tay đến ước mơ

“Các bạn ấy quan niệm trên thế giới này có 2 cộng đồng: Người Nghe và người Điếc. Mỗi cộng đồng có một cuộc sống riêng, văn hóa riêng, có cách nghe nhìn riêng. Họ không thích từ “khiếm thính”, bởi không thấy mình khiếm khuyết gì. Sứ mệnh của họ là thế, thay vì nghe bằng tai thì sẽ nghe bằng mắt, thay vì nói bằng miệng thì sẽ nói bằng tay”- Trưởng nhóm Thu Hiền giải thích.

Có lẽ bởi thế mà tôi không thấy bất cứ nỗi buồn nào vương vất trên những gương mặt này. Chỉ thấy một niềm say mê làm phim, sự thích thú khi được trải nghiệm công việc mới mẻ, mà trước đó có nằm mơ, họ cũng không bao giờ dám nghĩ tới.

Chỉ sau hơn 2 tháng tham gia dự án, Phạm Văn Thức (Hà Nội), thành viên gần như lớn tuổi nhất đoàn phim đã “lột xác” từ một anh đầu bếp nhút nhát của một tiệm làm bánh để trở thành một quay phim xông xáo, chăm chỉ. Trong đoàn phim, Thức được các bạn đánh giá cao về chuyên môn và luôn có nhiều cảnh quay đẹp.

“Trước đây, mình không nghĩ quay phim lại khó thế. Cứ tưởng bấm máy là xong. Giờ mới được trải qua cảm giác quay đi quay lại nhiều lần, lia máy quay lên xuống đến nỗi đau cả tay, nhiều khi bất lực muốn buông xuôi nhưng mọi người lại động viên nhau cố gắng...”- Qua ngữ điệu trên môi, qua ngôn ngữ của những dấu tay, Văn Thức kể lại.

Bộ phim tài liệu về một người Điếc làm nghề vàng mã của Nguyễn Đình Khánh được các “thầy cô” đánh giá cao và khiến mọi người rất bất ngờ. “Hồi đầu, Khánh có vẻ chậm chạp, ít giao tiếp nhưng khi học làm phim thì lại là người có nhiều ý tưởng hay nhất” - “Cô giáo” Thu Hiền nhận xét.

Trong đoàn phim, Hà Nguyễn Trần đảm nhận công việc thiết kế mỹ thuật, nghĩa là phải tự chọn bối cảnh, trang phục, màu sắc, ánh sáng sao cho đẹp và phù hợp với ý nghĩa của bộ phim. “Từ khi được thử sức làm phim em mới biết thế nào là làm việc nhóm, phối hợp với các bạn khác để làm ra một sản phẩm. Em rất thích. Hiện em đang là nhân viên cửa hàng làm tóc, hy vọng sau này em có thể vừa cắt tóc kiếm sống và thỉnh thoảng đi làm phim”- Chàng trai đến từ Cao Bằng vừa cười vừa ra dấu tay chia sẻ.

Ngoài những giờ học làm phim, các bạn trẻ lại vui chơi cùng nhau, chia sẻ với nhau những hoài bão và khát khao thể hiện bản thân. Trong sự hồn nhiên, ngây thơ của họ là cả một nghị lực to lớn để vươn tới ước mơ của mình.

Khi người Điếc làm phim ảnh 1

Trưởng nhóm Đỗ Thu Hiền đang hướng dẫn cách diễn xuất cho các bạn người Điếc.

Bị câm điếc bẩm sinh, xa nhà 14 năm để lên Hà Nội học ngôn ngữ ký hiệu, cô bé đến từ Yên Bái Nguyễn An My trông chững chạc hơn so với tuổi 21 của mình. Đam mê chụp ảnh và làm phim, đây cũng là lần đầu tiên An My được chạm tay vào ước mơ: “Em chấp nhận số phận nhưng luôn đi tìm cơ hội. Em muốn chứng tỏ người Điếc có thể làm tất cả mọi thứ nếu có cơ hội”.

Có lẽ, đó không chỉ là ước mơ của An My mà còn là ước mơ của cả nhóm, của Hiền và cộng đồng người Điếc. Thiếu đi một giác quan, không có nghĩa những người Điếc không thể làm được những việc người Nghe có thể làm. Tối ngày 2/4/2016, dự án “Nghe bằng mắt” đã có lễ tổng kết dự án và cũng là buổi chiếu phim tốt nghiệp của các bạn Điếc. Những tác phẩm của Văn Thức, An My, Hà Trần… hay Đình Khánh đã chính thức lan tỏa trong cộng đồng người Điếc và cả người Nghe. “Mọi người trong nhóm đều cảm thấy hạnh phúc khi cuối cùng cũng đến ngày đón nhận thành quả. Điều mong muốn lớn nhất của tôi lúc này là sẽ có một tổ chức nào đó tiếp tục đứng ra hỗ trợ dự án hoạt động, để viết tiếp ước mơ của các bạn trẻ người Điếc”- Trưởng dự án “Nghe bằng mắt” Thu Hiền trầm ngâm.

MỚI - NÓNG