Hôn mê vì cúm: Phổi tê liệt, phải bơm oxy thẳng vào máu

Bệnh nhân D nằm cấp cứu tại BV Các bệnh Nhiệt đới TW
Bệnh nhân D nằm cấp cứu tại BV Các bệnh Nhiệt đới TW
Sau khi có 7 trường hợp cấp cứu nặng vì cúm A/H1N1, đến ngày 26/3, bệnh viện Các bệnh nhiệt đới trung ương lại tiếp nhận thêm một trường hợp bệnh nhân đặc biệt khác.

Tại khoa cấp cứu của bệnh viện Các bệnh Nhiệt đới trung ương, bệnh nhân Phạm Văn D. 50 tuổi nhà ở Quốc Oai, Hà Nội vẫn đang phải thở máy. Ông là một trong những bệnh nhân nặng nhất của khoa cấp cứu vì nghi mắc cúm A/H1N1.

Theo người nhà của ông D. từ cuối tháng 3, ông D bị ho, sốt, đau mỏi người và tức ngực. Gia đình tự điều trị vài ngày không dứt cơn ho. Mỗi lần ho ông đều tức ngực khó thở. Chỉ một ngày có triệu chứng tức ngực đến hôm sau ông D. phải thở gấp.

Trong quá trình mắc bệnh, ông D. hoàn toàn không tiếp xúc với gia cầm cũng như lợn. Vào thời điểm đó, do thời tiết bất thường, mọi người vẫn ho và sổ mũi nên ông D. cũng nghĩ mình chỉ bị cảm cúm bình thường. Nhưng tình trạng bệnh cảnh ngày càng xấu.

Ông D. được gia đình đưa vào Bệnh viện Lao phổi trung ương khám chụp phổi. Ông D. nằm điều trị tại BV Lao phổi trung ương 1 ngày nhưng diễn biến xấu hơn. Các bác sĩ ở BV Lao phổi Trung ương nghi ngờ ông bị cúm A/H1N1 nên chuyển ông D. sang bệnh viện Các bệnh Nhiệt đới trung ương.

Kết quả chụp X - Quang từ bệnh viện Lao phổi Trung ương cho thấy phổi có hình ảnh tổn thương thâm nhiễm hai bên phổi tiến triển nhanh. Khi chuyển sang khoa cấp cứu Bệnh viện Các bệnh Nhiệt đới Trung ương ông D. ở tình trạng khó thở nặng, thở ô xy.

Các bác sĩ làm xét nghiệm với cúm A/H1N1 thì không phát hiện ra vi rút cúm. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Các bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết trường hợp của ông D. rất điển hình của cúm A/H1N1.

Tuy nhiên các xét nghiệm đều không phát hiện ra vi rút này. Đến nay các bác sĩ vẫn nghi ngờ là do vi rút cúm tấn công gây viêm phổi nặng. Công nghệ mới điều trị cho bệnh nhân không đáp ứng máy thở

Thạc sĩ Cấp cho biết tình hình diễn biến bệnh của ông D. rất nhanh. Tình trang suy hô hấp của bệnh nhân tăng lên. Chụp X- quang hai bên lá phổi bị tổn thương kín hết. Các bác sĩ đã đổi các thông số thở máy nhưng không ăn thua.

Đến cuối ngày 26/3, các bác sĩ quyết định triển khai kỹ thuật ECMO tĩnh mạch - tĩnh mạch (đây là kỹ thuật lọc máu chuyển máu từ cơ thể ra ngoài cục lọc để đưa o xy vào máu vì phổi không thể làm chức năng trao đổi ô xy được).

Sau 3 ngày đầu chạy ECMO, bệnh nhân ổn định và được thử cai ECMO. Đến sáng nay 31/3, bệnh nhân đã cai ECMO thành công và chuyển sang thở máy thường.

Thạc sĩ Cấp cho hay đây là lần đầu tiên bệnh viện triển khai kỹ thuật này để cấp cứu cho bệnh nhân.

Theo Khánh Ngọc

Theo Infonet
MỚI - NÓNG